Nhộn nhịp công trường khai thác cát
Có mặt tại công trường khai thác mỏ cát đầu tiên phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, PV Báo Giao thông ghi nhận không khí làm việc của công nhân rất khẩn trương.
Anh Trần Anh Dũng, Đội trưởng Đội Khai thác cát, Công ty Khai thác cát Định Thành cho biết, đơn vị phối hợp với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn khai thác mỏ cát này theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc trục ngang ở miền Tây, đoạn đi qua địa bàn tỉnh An Giang.
"Để thuận lợi trong việc khai thác cát và đưa về công trường phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, công ty đã bố trí hai xáng cạp, 10 sà lan cùng 8 công nhân làm việc xuyên suốt trên công trường theo thời gian quy định", anh Dũng cho biết thêm.
Cũng theo anh Dũng, Công ty Khai thác cát Định Thành có hơn 20 năm kinh nghiệm thực hiện việc khai thác cát phục vụ thi công các công trình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên công ty thực hiện việc khai thác tại mỏ cát theo cơ chế đặc thù.
Trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công) cho biết, mỏ cát đầu tiên được tỉnh An Giang bàn giao theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng bắt đầu khai thác vào sáng 12/4.
Do vậy, để đảm bảo thực hiện đúng quy định, công ty đã quán triệt cho công nhân làm việc trên công trường khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm. Đặc biệt, việc khai thác phải đúng trữ lượng và độ sâu được phép khai thác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
"Được làm việc tại mỏ cát này, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi vì được góp chút công sức vào một trong những công trình trọng điểm quốc gia.
Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được phân công để sớm đưa cát về công trường thi công cao tốc trục ngang ở miền Tây", anh Dũng nói.
Niềm vui của nhà thầu
Mỏ cát này có diện tích khu vực khai thác là 22,489ha. Khối lượng được phép khai thác là 1.228.775m3, công suất được phép khai thác là 702.157 m3/năm. Trong đó, năm thứ nhất với công suất là 702.157m3 và năm thứ hai với công suất là 526.618m3.
"Sau 6 tháng chờ đợi thì nay mỏ cát đầu tiên được An Giang bàn giao theo cơ chế đặc thù bắt đầu khai thác nên nhà thầu cảm thấy rất vui.
Do vậy, khi mỏ cát bắt đầu khai thác, đơn vị sẽ cố gắng tập trung khai thác và đưa về công trường cao tốc để thi công", trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nói.
Trung tá Đại cho biết thêm, theo đánh giá tác động môi trường, mỏ cát này mỗi ngày cấp về công trường hơn 2.000m3/ngày. Tuy nhiên, hiện tại trên công trường, nhà thầu cần khoảng 8.000m3 cát/ngày mới đảm bảo tiến độ thi công.
"Đối với cao tốc trục ngang ở miền Tây, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có gói thầu thi công ở ba tỉnh là An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng. Đến nay, chỉ mới có mỏ cát ở An Giang cấp cho nhà thầu được khai thác đầu tiên để phục vụ thi công", trung tá Đại thông tin.
Mỏ cát này cấp cho liên doanh gói thầu thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng với nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Tuy nhiên, việc số lượng cấp thi công không đủ nên việc chia sẻ cũng rất khó khăn.
Trước đó, để cấp cát phục vụ thi công cao tốc trục dọc và trục ngang ở miền Tây, tỉnh An Giang đã cấp cho các nhà thầu thi công trực tiếp khai thác 10 mỏ cát với tổng trữ lượng 15,2 triệu m3.
Đến nay, có ba mỏ cát cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được khai thác, với tổng trữ lượng khoảng 4 triệu m3.
Trong khi đó, mỏ cát đầu tiên cấp cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng bắt đầu khai thác ngày đầu tiên với tổng trữ lượng hơn một triệu m3.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận