Tiết kiệm tương đương sản lượng điện của một nhà máy
Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, cả nước phải phấn đầu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025;
Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia); đến hết năm 2025 phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Theo tính toán của EVN, nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ cần tiết kiệm được 2% lượng điện năng tiêu thụ đúng như yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện.
Sản lượng điện này tương đương với lượng điện của một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200MW.
Tiết kiệm cách nào?
Thực tế cho thấy, năm 2022, Hà Nội đã vượt qua TP.HCM, trở thành địa phương có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc.
Bên cạnh đó, địa bàn Hà Nội và miền Bắc nói chung có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn so với từng địa bàn từ Nam Trung Bộ trở vào, dẫn đến vấn đề cân đối nguồn điện, vấn đề sử dụng năng lượng và sử dụng điện cũng đối diện nhiều thách thức.
Do vậy, bên cạnh bài toán đầu tư phát triển nguồn điện để đảm bảo cấp điện cho phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, thì khu vực miền Bắc, cũng như Hà Nội cần phải tăng cường hơn nữa trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn triển khai kế hoạch của UBND thành phố về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn Hà Nội.
Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho từng khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trên địa bàn.
Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện đến năm 2025 đạt từ 3,5% trở xuống.
Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trên địa bàn thành phố ít nhất 3% đến năm 2025 thông qua chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện...
Theo Sở Công thương, một số chỉ tiêu đặt ra yêu cầu cao hơn, chuyên sâu hơn trong việc sử dụng điện tiết kiệm và có sự phân bổ chi tiết cho các nhóm khách hàng sử dụng điện tại cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông; các hộ gia đình; các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; doanh nghiệp sản xuất.
Các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu rà soát và cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp tiết kiệm điện thuộc ngành, lĩnh vực chuyên môn.
Nguyên tắc triển khai dựa trên cơ sở áp dụng song song, đồng thời và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu của các kế hoạch, trong đó, ưu tiên cho việc hoàn thành các chỉ tiêu trong cùng một lĩnh vực cụ thể nhưng có yêu cầu cao hơn, qua đó, hướng đến việc đạt được chất lượng rõ ràng, thiết thực hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận