Hơn 2 giờ dọn sạch rác ở một góc đảo
Chiều 26/6, sân cảng tàu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đông đảo các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn báo chí có văn phòng đại diện, thường trú tại Quảng Ninh đang tập trung để tham gia chương trình "Người làm báo Quảng Ninh chung tay bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long".
Chương trình do Hội Nhà báo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức.
Gần 14h, chiếc tàu Phong Hải 86 trên mạn sườn có treo một tấm pano "Báo chí chung tay bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long" chở gần 100 phóng viên và cán bộ, nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long nhằm hướng đảo Hòn Trống, Tiên Nữ trên vịnh Hạ Long thẳng tiến.
Anh Trần Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn 1, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh yêu cầu nhân dân chuyển đổi việc nuôi trồng thủy sản thủy sản bằng phao xốp sang loại thân thiện hơn với môi trường.
Do quá trình chuyển đổi, phao xốp đã bị sóng biển dạt về vịnh Hạ Long, gây nên cảnh ô nhiễm môi trường, cảnh quan mặt biển.
"Có thời điểm, phao xốp bủa vây kín mặt nước vịnh Hạ Long, khiến đơn vị phải huy động một lượng lớn phương tiện, nhân lực để dọn", anh Hiến thông tin.
Sau gần nửa giờ hành trình trên biển, các phóng viên bắt đầu xuống xuồng để vào một hòn đảo nhỏ có tên là hòn Dầm Bắc nằm ở phía Bắc vùng lõi của Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Chỉ vào những đụn phao, xốp, rác sinh hoạt bị thủy triều cuốn vào đánh đống trắng xóa một góc hòn Dầm Bắc, vị lãnh đạo Trung tâm bảo tồn 1 của Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Đây là khu vực trũng nằm giữa dòng chảy, có nhiều rác thải trôi về theo con nước, kẹt lại ở khoảng giữa 2 dãy núi đá. Cứ sau trận mưa lớn hoặc có dông, gió, khu vực này lại kín đặc phao xốp, rác thải các loại.
Vừa cặp xuồng vào hòn Dầm Bắc, các nhà báo, phóng viên đã thoăn thoắt thu lượm phao xốp, rác thải. Nữ Nhà báo Hoàng Hạnh, thường trú Báo Xây dựng tại Quảng Ninh vừa dùng móc câu để vớt rác lên vừa cho biết, thường ngày, chị chỉ tiếp cận thông tin về việc thu gom rác của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Nhưng nay trực tiếp tham gia thì mới thấu hiểu được đây là công việc vừa vất vả và nguy hiểm.
Nhà báo Phạm Hoạch, PV thường trú của Báo Tài nguyên - Môi trường tại Quảng Ninh vượt lên các mỏm đá nhọn hoắt, nhanh tay lượm các loại rác thải cho vào chiếc bao tải để chuyển lên tàu chuyên dụng.
"Mình từng nhiều lần ra vịnh Hạ Long để phản ánh về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc thu gom rác thải. Nhưng hôm nay trực tiếp tham gia làm mới thấy được ý nghĩa của công việc bảo vệ môi trường biển. Chuyến đi hôm nay thật là có ý nghĩa với những người làm báo", anh Hoạch tâm sự.
Sau khoảng hơn 2 giờ, với sự chung tay, góp sức nhiệt tình của các nhà báo, phóng viên, nhiều mét khối phao xốp, rác thải sinh hoạt đã được thu gom. Vùng nước ven hòn Dầm Bắc đã trở lên trong xanh như thường nhật.
Lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vịnh Hạ Long là di sản thế giới, là di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên vịnh đã xuất hiện tình trạng gia tăng rác thải trôi nổi tại một số địa điểm.
Đặc biệt là từ ngày 7-9/6, do thời tiết mưa nhiều đã làm phát tán một lượng lớn rác thải ra vịnh Hạ Long. Nguồn rác thải phát sinh là mùn, lá cây từ thượng nguồn các sông, suối trong đất liền, thảm thực vật trên đảo thuộc quần thể vịnh và các rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư ven bờ.
Ngoài ra còn có nguồn phao xốp, vật liệu làm lồng bè nuôi trồng thủy sản từ hoạt động thay thế, tháo dỡ còn tồn đọng ở chân, bãi đảo thuộc vịnh Bái Tử Long theo thủy triều dạt về vịnh Hạ Long.
Để khắc phục sự cố này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã huy động một lượng lớn nhân lực, phương tiện của các tổ chức, cá nhân có hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long cùng vào cuộc, nên mỗi ngày đã thu gom được từ 70-100m3 rác thải, phao xốp.
Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý vịnh Cát Bà của TP Hải Phòng nhanh chóng triển khai lực lượng thu gom rác thải ở vùng giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản xử lý được tình trạng rác thải do sự cố thiên tai theo thủy triều đưa vào vịnh Hạ Long.
"Chương trình hôm nay thật ý nghĩa. Điều chúng tôi mong muốn là thông qua hoạt động hôm nay, các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo chuyển tải những thông điệp tích cực đến người dân, du khách trong việc bảo vệ môi trường di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long để phát triển cho muôn đời sau", ông Cường nhấn mạnh.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong việc quảng bá hình ảnh vịnh Hạ Long đến bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, đã góp phần đưa vịnh Hạ Long đến gần hơn với bè bạn năm châu...
"Sau chuyến đi này, Hội Nhà báo mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành cùng Quảng Ninh chia sẻ, quảng bá thêm về vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, những sản phẩm du lịch độc đáo mới để từ đó, góp phần phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới", ông Hà đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận