Tài chính

Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp và những thách thức

02/05/2023, 06:30

Dù mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 không thành, Việt Nam vẫn tiếp tục quyết tâm có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025.

Theo các chuyên gia, ngoài số lượng, cần có được những doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh để dẫn dắt và lan tỏa.

Khi hộ kinh doanh không mặn mà

img

Theo các chuyên gia, ngoài số lượng, Việt Nam cần có những tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực, dẫn dắt và tạo sự lan tỏa, đủ sức cạnh tranh ở cả thị trường quốc tế (Trong ảnh: Hoạt động lắp ráp ghế xe du lịch tại nhà máy ghế ô tô của THACO)

Là nhà phân phối vật liệu xây dựng gần 20 năm nay, bà Hồ Thị Hiền, chủ một cơ sở phân phối xi măng tại Nghệ An cho biết, doanh thu cửa hàng của bà mỗi năm khoảng 17 - 20 tỷ đồng.

Ngoài bán buôn, bán lẻ các loại vật liệu xây dựng tại các cửa hàng, cơ sở của bà còn nhận thêm việc đổ bê tông tươi cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, bà không có ý định “nâng cấp” hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp (DN).

Lý do hiện mỗi năm, hộ kinh doanh của bà chỉ phải đóng 300.000 đồng thuế môn bài và 200.000 đồng tiền thuế kinh doanh mỗi tháng. Trong khi đó, nếu là DN, bà sẽ phải nộp thuế thu nhập DN 20% trên lợi nhuận, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…

“Nhiều người khuyên đừng thành lập DN vì rất nhiều phiền hà khi phải tiếp kiểm toán, các đoàn thanh, kiểm tra…”, bà Hiền chia sẻ.

Không riêng bà Hiền, thực tế cho thấy, tỷ lệ lớn các hộ kinh doanh khi được hỏi đều bày tỏ “không muốn thành lập DN”.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM), đây cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 không thành. Đến nay mới đạt khoảng 800 nghìn.

Một nguyên nhân khác khiến mục tiêu là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 2,3%. Mặc dù có 44,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, song tính chung lại tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2020 chỉ là 179 nghìn, tăng không đáng kể (0,8%) so với năm trước (trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cũng trong năm này, có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 13,9% so với năm trước. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Mục tiêu nhiều thách thức

Ngày 31/3/2023 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60 – 70 nghìn DN quy mô vừa và lớn.

Đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cả trong nước và quốc tế.

Giai đoạn 2016 - 2021, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta đóng góp gần 46% GDP mỗi năm. So với mục tiêu 1,5 triệu DN, đóng góp 55% GDP vào năm 2025 mà Nghị quyết 45 về phát triển kinh tế tư nhân do Chính phủ mới ban hành ngày 31/3/2023, hiện chúng ta còn cách khá xa.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia


Bà Nguyễn Thị Minh Thảo đánh giá, từ năm 2020 đến nay, nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến DN, môi trường kinh doanh, như dịch bệnh, chiến tranh, thị trường… làm giảm cơ hội thành lập DN mới trong khi lượng rời thị trường tăng lên.

Như năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới (giảm 13,4% so với năm 2020), thì cũng có tới 109,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Năm 2022, tình hình có cải thiện hơn khi trung bình có mỗi ngày có hơn 570 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi cũng có khoảng 400 DN đóng cửa.

Tuy nhiên, bước sang năm quý I/2023, loạt khó khăn lại bủa vây nền kinh tế. Số DN “rời cuộc chơi” lên tới 20,1 nghìn mỗi tháng, cao hơn cả DN thành lập mới và quay lại thị trường (19 nghìn DN/tháng).

Bà Thảo nhìn nhận, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chỉ đạo, quyết tâm để thúc đẩy phát triển DN. Như tại Nghị quyết 45, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất khung pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Tuy nhiên, bà Thảo cũng cho rằng, hành động cụ thể, chính sách cụ thể hướng tới thuận lợi hơn cho DN còn rất chậm. “Dù mục tiêu 1,5 triệu DN thể hiện mong muốn, quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh cũng như tinh thần khởi nghiệp, song không dễ đạt được nếu như không có nỗ lực cải cách, hỗ trợ, đồng hành cùng DN”, bà Thảo chia sẻ.

Hình thành những tập đoàn tư nhân đủ tiềm lực

Trong khi đó, quy mô DN cũng giảm liên tục trong 3 năm trở lại đây. Năm 2021, tổng số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm 2020.

Năm 2022, còn số này chỉ còn 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm 2021. Và 3 tháng đầu năm 2023, con số chỉ còn 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022…

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, DN lớn thường được xác định khi có tổng nguồn vốn đạt trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 300 người trở lên.

DN nhỏ và vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Chiếu theo tiêu chí này, DN nhỏ và vừa vẫn chiếm tới 98%.

“Việt Nam là một nước tăng trưởng dựa nhiều vào xuất khẩu, nhưng 70% kim ngạch xuất khẩu lại đến từ khối DN FDI. Vì vậy, cần nuôi dưỡng các DN lớn nhằm tạo ra tác động lan tỏa, dẫn dắt cho khu vực DN trong nước.

Đó phải là những DN sản xuất, dịch vụ thay vì chỉ tập trung ở mảng bất động sản. Bởi họ sẽ tạo ra hệ sinh thái, liên kết các DN trong nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị tốt hơn, tham gia vào thị trường tốt hơn”, bà Thảo nói và cho rằng, để DN nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DN FDI là rất khó do họ có mạng lưới nhà cung cấp của mình.

Theo luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink, Nhà nước phải tạo ra không gian, môi trường để “đại bàng non” phát triển thành các “đại bàng” đúng nghĩa. Ngoài ra, cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội nên hỗ trợ qua việc đào tạo về cách làm việc bài bản chuyên nghiệp, cơ chế quản trị khoa học và có chiều sâu, tôn trọng và bảo chữ tín, tuân thủ pháp luật...

“Một vấn đề khác mà các “đại bàng” Việt Nam cũng có thể đi tắt đón đầu là vấn đề sáng tạo, sử dụng và áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để có thể cạnh tranh được với các “đại bàng” quốc tế”, ông Mạnh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.