Xã hội

Năm 2019, báo cáo chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao

20/11/2017, 20:11

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

đường sắt tốc độ cao

Ảnh minh họa.

Căn cứ lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

Ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn

Trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) có nội dung liên quan đến vấn đề: Khi nào Bộ GTVT đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam với tốc độ khoảng 200 km/h để giải quyết bài toán giao thông nước ta, Thủ tướng Chính phủ cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sự kết nối giữa các thành phố lớn trên trục Bắc - Nam (nhất là việc kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM) bằng hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao, an toàn; đồng thời, phát triển hài hòa các phương thức vận tải; trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đến năm 2020 sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Căn cứ lộ trình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

Đối với các ưu điểm của đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam mà ĐBQH cung cấp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. 

Triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

duong-sat-do-thi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Phó Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội tích cực triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô, bảo đảm sự gắn kết của đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông đô thị nói chung, tiện lợi nhất cho người dân, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, theo quy hoạch và đúng quy định pháp luật.

Về phương thức và nguồn vốn đầu tư, Phó Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội tập trung kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật đầu tư. Về các tuyến thực hiện theo hình thức PPP, việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Về phương thức thực hiện dự án, đối với các tuyến thực hiện theo hình thức PPP, Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội triển khai dự án theo quy hoạch và đúng quy định pháp luật. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh tiến độ đầu tư đã đề ra trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với hai tuyến đề xuất sử dụng vốn ODA, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan phối hợp với UBND thành phố Hà Nội vận động vốn ODA để đầu tư hai tuyến đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.