Đường sắt

Nâng cấp hạ tầng, tạo động lực đầu tư, phát triển vận tải đường sắt

09/01/2023, 16:56

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ tháng 4/2022, do Ban QLDA đường sắt làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng.

Dự kiến tháng 1/2023, Bộ GTVT ra quân Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn và dự án Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, tiếp theo là các dự án động lực thuộc giai đoạn 2021-2025, phát huy hiệu quả đầu tư hơn nữa trên các tuyến.

1.098 tỷ cải tạo hơn 400km, nâng cấp ga

img

Công trình ga mới Vĩnh Tân thuộc Dự án Nha Trang - Sài Gòn (gói 7.000 tỷ đồng)

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, trong tháng 1/2023 dự kiến sẽ ra quân triển khai xây lắp 2 Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Dự án Nha Trang-Sài Gòn, giai đoạn 2) và dự án Hà Nội - Vinh (Dự án Hà Nội - Vinh, giai đoạn 2), tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Trong đó, Dự án Nha Trang - Sài Gòn, giai đoạn 2 là dự án đầu tiên được tiến hành khởi công xây lắp trong 3 dự án nhóm B cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - TP.HCM thuộc giai đoạn 2021-2025.

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ tháng 4/2022, do Ban QLDA đường sắt làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu dự án là nhằm đảm bảo ATGT, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

Để phát huy hiệu quả đầu tư, phạm vi đầu tư dự án tiếp nối và gắn kết các hạng mục đã được đầu tư trong Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM tại Quyết định số 2878/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2018 của Bộ GTVT, sử dụng vốn trung hạn 2016-2020 (thuộc gói 7.000 tỷ).

Về quy mô đầu tư dự án, thực hiện cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp cầu yếu; Cải tạo kiến trúc tầng trên và một số hạng mục công trình đồng bộ (cống thoát nước…); Cải tạo, nâng cấp một số ga hành khách và hàng hóa.

Cụ thể, về công trình cầu: Cải tạo, nâng cấp 4 cầu yếu; Công trình tuyến: hạ trắc dọc và cải tạo kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ballast…) 9 đoạn, tổng chiều dài hơn 87km. Cùng đó, xây dựng mới, kết hợp cải tạo đường ga và công trình đồng bộ của ga Dĩ An (ga hành khách).

Với ga Sóng Thần, tiến hành cải tạo, sửa chữa bãi hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải của ga Sóng Thần đến năm 2030 đạt công suất xếp dỡ hàng hóa đạt ≥2,1 triệu tấn/năm. Cụ thể, cải tạo, kéo dài các đường sắt xếp dỡ hiện hữu, đặt mới 2 đường xếp dỡ; cải tạo các bãi hàng hiện hữu, xây mới 1 bãi phục vụ xếp dỡ hàng rời, hàng hỗn hợp và xây mới 1 bãi phục vụ xếp dỡ container; Cải tạo 5 kho hàng...

Phát huy hiệu quả đầu tư trên toàn tuyến

Theo Ban QLDA Đường sắt, cùng với Dự án Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 2), Bộ GTVT đã phê duyệt 2 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM gồm: Dự án Hà Nội - Vinh (giai đoạn 2); Dự án Vinh - Nha Trang (giai đoạn 2) thuộc trung hạn 2021-2025.

Ba dự án này có thể coi là bước đầu tư tiếp theo của 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 (gói 7.000 tỷ), nhằm phát huy hiệu quả đầu tư hơn nữa trên toàn tuyến.

Trong đó, 3 dự án gói 7000 tỷ do Ban QLDA Đường sắt làm chủ đầu tư là: Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn, Cầu yếu, gồm có 28 gói thầu xây lắp. Đến nay 27 gói thầu đã cơ bản hoàn thành và nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; Các hạng mục chính của các gói thầu xây lắp đều hoàn thành thi công theo tiến độ.

Riêng Dự án Nha Trang - Sài Gòn (gói 7.000 tỷ), khu đoạn này đã được thực hiện đầu tư các hạng mục quan trọng, cấp bách nhằm đảm bảo ATGT, từng bước nâng cao năng lực thông qua.

Trong đó, mở mới 6 ga, đặt thêm đường ga đối với 2 ga, kéo dài đường ga đối với 11 ga, nâng cấp 6 khu gian với tổng chiều dài hơn 80km, cải tạo cục bộ bình diện 6 điểm... qua đó cải thiện đáng kể chất lượng hạ tầng, nâng cao năng lực phục vụ vận tải.

Tuy nhiên, do thời gian dài chưa được đầu tư, nâng cấp, trong khi nguồn vốn hàng năm để thực hiện công tác bảo trì không đáp ứng đủ nhu cầu nên trong khu đoạn chất lượng kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế.

Hơn nữa, các nhà ga xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Do đó, với việc đầu tư tiếp giai đoạn 2 sẽ khắc phục được thêm các hạn chế này, tiếp tục cải thiện hạ tầng, tạo thuận lợi phát triển cho vận tải, tăng hiệu quả đầu tư.

Khẩn trương triển khai các dự án động lực

img

Công trình làm ke, kéo dài đường ga Vĩnh Hảo, Dự án Nha Trang - Sài Gòn (gói 7.000 tỷ đồng)

Hiện, Ban QLDA Đường sắt đang khẩn trương tiến hành các bước để triển khai 5 dự án nhóm B sử dụng vốn trong nước, giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt đầu tư gồm: Dự án Hà Nội - Vinh (giai đoạn 2), Dự án Vinh - Nha Trang (giai đoạn 2), Dự án Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 2), Dự án cải tạo các ga đường sắt phía bắc, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).

Trong đó, ngoài Dự án Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 2) khởi công đầu tháng 1/2023; Dự án Hà Nội - Vinh (giai đoạn 2) sẽ khởi công vào cuối tháng 1/2023, với mức đầu tư khoảng 811 tỷ đồng, trên tổng chiều dài dự án khoảng 319,202km; Dự án Vinh - Nha Trang (giai đoạn 2) có tổng chiều dài khoảng 995,728km; Tổng mức đầu tư dự kiến 1.189,979 tỷ đồng khởi công trong quý I/2023. Cả 3 dự án được thực hiện trong 3 năm 2022 - 2025.

Cùng đó, Dự án Cải tạo các ga đường sắt phía Bắc có tổng mức đầu tư dự kiến 476 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Về quy mô đầu tư, dự án thực hiện cải tạo nâng cấp 3 ga hành khách và 4 ga hàng hóa, dự kiến khởi công trong đầu quý I/2023.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.848 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2021-2025.

Dự án xây dựng mới riêng rẽ 2 cầu đường bộ, đường sắt thay vì kết hợp hai loại hình đi chung một cầu như hiện nay, nhằm nâng tĩnh không cầu, từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy qua sông Đuống; Đồng thời, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc.

Cùng với các dự án động lực này, Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, mục tiêu hoàn thành công tác đấu thầu, ký hợp đồng và triển khai công tác thi công các gói thầu XL-01, XL-02 vào giữa năm 2023.

Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với nhiều nội dung cần hoàn thành trong năm 2023.

“Mục tiêu trong năm 2023 sẽ tiến hành khởi công, triển khai thi công xây lắp các dự án. Do vậy, cùng với nỗ lực hoàn thành nốt các hạng mục gói 7.000 tỷ, Ban đang nỗ lực triển khai để đáp ứng kế hoạch tiến độ các dự án động lực này”, lãnh đạo Ban QLDA đường sắt nhấn mạnh.

Ông Hoàng Gia Khánh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, các hạng mục, gói thầu dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - TP.HCM (gói 7.000 tỷ) được bàn giao, đi vào khai thác đã bước đầu tạo thuận lợi cho đường sắt trong khai thác vận tải, tổ chức chạy tàu, nhất là đáp ứng nhu cầu đợt vận tải cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuy mục tiêu nâng tốc độ chạy tàu toàn tuyến, rút ngắn hành trình không được đặt ra, nhưng hạ tầng cầu đường được nâng cấp đã cải thiện được tốc độ chạy tàu ở một số khu đoạn, nhất là qua các cầu được nâng tải trọng, các đoạn cải tạo đường cong. Cùng đó hạ tầng ga cũng được cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với các dự án động lực thuộc giai đoạn 2021-2025 nói chung và Dự án Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 2) nói riêng, sau khi đầu tư, hoàn thành, chắc chắn sẽ tiếp tục khắc phục được các hạn chế về hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ vận chuyển hàng hóa tại các ga, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chuyên chở, phục vụ cho phát triển vận tải đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.