Hộ sản xuất, kinh doanh phải trả thêm 141-307 nghìn đồng/ tháng
Sau khi EVN thông báo chính thức tăng 3% giá điện bán lẻ bình quân, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã ban hành Quyết định quy định giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Giá điện sinh hoạt tăng từ 50-88 đồng/kWh theo bậc thang
Theo tính toán từ EVN, sau khi tăng giá điện, các hộ dùng điện sinh hoạt dưới 50 kWh/ tháng phải trả thêm 2.500 đồng. Hộ dùng 100-300 kWh/ tháng, số tiền điện phải trả thêm 5.100-18.700 đồng và trên 400 kWh là 27.200 đồng.
Đối với nhóm khách hàng sinh hoạt, giá điện gồm 6 bậc. Bậc 1 (0-50 kWh) tăng thêm 50 đồng/kWh lên 1.728 đồng/kWh. Bậc 2 (51-100 kWh) tăng 52 đồng, lên 1.786 đồng/kWh. Bậc 3 (101-200 kWh) tăng 60 đồng lên 2.074 đồng/kWh. Bậc 4 (201-300 kWh) tăng 76 đồng, lên 2.612 đồng/kWh. Bậc 5 (301-400) tăng 85 đồng, lên 2.919 đồng/kWh. Bậc 6 (401 kWh trở lên) tăng 88 đồng, lên 3.015 đồng/kWh.
Giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường. Cụ thể, giá bán điện giờ cao điểm là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm là 1.133 đồng mỗi kWh.
Khối hành chính sự nghiệp có giá điện mới 1.690-1.940 đồng một kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp.
Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh giờ cao điểm là 4.724 đồng và 1.402 đồng mỗi kWh cho giờ thấp điểm. Mức giá này chưa bao gồm VAT.
Sau khi tăng giá, ước tính hơn 1,82 triệu hộ khách hàng dùng điện sản xuất phải trả thêm 307.000 đồng/tháng. Khách hàng sử dụng điện kinh doanh trả thêm 141.000 đồng/tháng; hành chính sự nghiệp khoảng 40.000 đồng/tháng.
Cần sửa ngay biểu giá điện
Việc tăng giá điện diễn ra ngay thời điểm nắng nóng gay gắt. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng điều hoà, thiết bị làm mát (thiết bị ngốn tới 70% điện năng)…dấy lên lo ngại hoá đơn tiền điện sẽ tăng phi mã, khi giá điện mới tăng theo nguyên tắc “mức tăng cao hơn ở các bậc cao hơn”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định: Chúng ta đang áp dụng biểu giá điện sinh hoạt tháng 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Và đương nhiêu tiền điện sẽ phải trả nhiều hơn.
Mặt khác, những tháng nắng nóng, thông thường tiền điện tiêu thụ thường tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp 2 lần. Do đó, tiền điện tăng mạnh là không tránh khỏi kể cả lúc giá điện chưa tăng.
“Trong điều kiện bình thường, hoá đơn tiền điện mùa nắng nóng đã cao, nếu tăng giá thêm, giá điện sẽ còn cao hơn nữa”, ông Thoả nói và bày tỏ, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này.
Trước thực tế đó, để tránh tình trạng hoá đơn tiền điện tăng phi mã, theo ông Thoả, giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.
Ngoài ra, ông cho rằng, cần phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn hơn.
Giá điện còn tăng tiếp?
Mức tăng giá điện 3% từ 4/5 là mức tăng thấp nhất trong 10 lần quyết định điều chỉnh giá trong vòng 14 năm qua (từ 2009).
Cụ thể, mức tăng thấp nhất ghi nhận của giá điện là 5% ở 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013. Các năm khác đều có mức tăng từ 7 đến gần 9% và mức tăng cao nhất ghi nhận vào tháng 3 năm 2011, lên tới 17,39%.
Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết, tăng giá điện bán lẻ bình quân mức 3% chỉ giúp EVN bớt khó nhưng "khó khăn về tài chính vẫn còn".
Giá điện tăng giúp EVN thu thêm 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm nay, trong khi, tập đoàn dự báo lỗ cả năm 2023 lên tới hơn 26.000 tỷ đồng.
Với diễn biến trên, chuyên gia nguyễn Tiến Thoả cho rằng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi giá thành sản xuất kinh doanh điện bình quân đã tăng trên 10%, nhưng giá bán lẻ tăng 3% sẽ gây áp lực lớn cho EVN.
Do đó, theo ông Thỏa, Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành điện trong bối cảnh tình hình tài chính hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá.
Đó cũng là quan điểm của ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam. Theo ông, mức tăng 3% không quá lớn, nên sẽ khó bù đắp được chi phí tài chính của EVN.
Trước câu hỏi, liệu có tiếp tục đề xuất tăng giá điện trong thời gian tới, lãnh đạo EVN cho biết, việc tăng giá điện phải thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ; nếu được cho phép, thì việc tăng giá điện lần thứ 2 cũng phải tối thiểu 6 tháng sau mới thực hiện.
Ông Trần Đình Long bày tỏ, cần có lộ trình điều chỉnh giá điện cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trên cơ sở việc điều chỉnh giá có thể tính toán "chia nhỏ" và giãn chu kỳ, phù hợp với diễn biến thị trường điện.
Đồng thời, cần thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh để giá điện tiệm cận hơn với thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận