Quỹ bình ổn nhưng "chưa ổn"
Quỹ bình ổn xăng dầu không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, do 36 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự thu chi, quản lý tại tài khoản ngân hàng. Mức trích lập và chi sẽ do cơ quan quản lý quyết định tại mỗi kỳ điều hành.
Theo quy định, doanh nghiệp không được sử dụng quỹ cho việc riêng mà chỉ để bình ổn thị trường. Thế nhưng, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua cho thấy nhiều bất cập. Kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi đầu năm cũng đã nêu rõ điều này.
Trường hợp Quỹ bình ổn xăng dầu chuyển về ngân sách Nhà nước thì việc trích lập hay sử dụng quỹ này phải chờ quyết định của Chính phủ. Việc bình ổn mặt hàng này sẽ theo Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7), chỉ thực hiện khi giá biến động mạnh, bất thường tác động tới kinh tế - xã hội hoặc tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh).
Theo đó, 7 đầu mối xăng dầu sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp gần 7.930 tỷ đồng. Thậm chí, một số chủ doanh nghiệp như trường hợp Xuyên Việt Oil, Hải Hà đã chiếm dụng, sử dụng trái phép tiền từ Quỹ bình ổn cho các mục đích cá nhân.
Sau khi lãnh đạo Xuyên Việt Oil và Hải Hà đều bị bắt vì lý do chiếm dụng quỹ, một số doanh nghiệp đầu mối kiến nghị chuyển quỹ này về Nhà nước quản lý, thay vì để tại doanh nghiệp.
Đánh giá về các công cụ điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói: "Kể từ nghị định đầu tiên năm 2007, rồi năm 2009, năm 2014, năm 2021 và năm 2023, tôi thấy quy định càng ngày càng gần với thị trường, tức là có gì chưa hợp lý đều được điều chỉnh ngay. Nhưng việc sửa đổi nhiều cho thấy chúng ta phải nghiên cứu phù hợp hơn".
Ông Cường cũng lưu ý, hiện cơ quan điều hành công bố giá trần và các doanh nghiệp bán thấp hơn giá đó để cạnh tranh, song thực tế các doanh nghiệp đều bán theo giá trần đó. Như vậy, điều đó thành Nhà nước định giá, không còn cạnh tranh thị trường. Vấn đề này cần xem lại. Nguyên tắc giá tác động đến việc sử dụng quỹ bình ổn. Khi giá xăng dầu giảm thì quỹ trích lập, còn tăng thì lấy ra bù vào. Tuy nhên, giai đoạn gần đây, giá xăng dầu được điều chỉnh 7 ngày một lần, sát với giá thế giới hơn nên quỹ không còn ý nghĩa.
"Thời gian qua, việc quản lý quỹ này không ổn, rất nhiều bất cập, thậm chí cả vấn đề tiêu cực. Do đó, cần thiết xem xét lại cơ chế để bình ổn giá. Liệu chúng ta có dùng được các công cụ thị trường không? Trên thế giới đã dùng các công cụ thị trường để bình ổn như nghiệp vụ phái sinh hoặc quỹ dự trữ", ông Cường đánh giá.
Nhiều bất cập
Là người tham gia xây dựng nghị định về xăng dầu từ những ngày đầu và trực tiếp xây dựng các quy định của Quỹ bình ổn xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, quỹ phải được hình thành từ nhiều nguồn như: Tiền của dân góp qua mỗi lít xăng dầu bán ra, trích một phần từ lợi nhuận của doanh nghiệp; hay Nhà nước trích một phần từ thuế thu từ hoạt động kinh doanh xăng dầu…
"Hiện chúng ta chỉ mới thu từ dân. Đây là nguyên nhân quỹ này chưa có được lòng tin từ người tiêu dùng và cũng là nguồn cơn để họ nói rằng "móc tiền" của dân khi có những vi phạm sử dụng quỹ", ông Thỏa nói.
Điểm bất ổn thứ hai, theo ông Thỏa là quỹ để tại doanh nghiệp nhưng cơ quan quản lý không ràng buộc trách nhiệm kiểm soát giữa các cơ quan liên quan nên đã có nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, ngân hàng tự ý cấn nợ từ quỹ nhưng lại trả lời "không biết đó là tài khoản quỹ". Và doanh nghiệp tự ý rút, tự ý chi từ quỹ cho mục đích khác.
"Quy định không sai nhưng chúng ta tổ chức không tốt, cho nên mới nảy sinh những tiêu cực", ông Thỏa nói.
Đâu là giải pháp?
Hiện Bộ Công thương đã 5 lần chỉnh sửa dự thảo nghị định sửa đổi. Tuy nhiên, ông Thỏa nhận xét vẫn chỉ là "bình mới rượu cũ" khi Nhà nước vẫn can thiệp giá và doanh nghiệp chỉ làm phép cộng, thay vì quy định cũ Nhà nước phải làm.
Ông kiến nghị Nhà nước không quy định giá tối đa bằng bất kỳ hình thức nào. Với cách thức này, giá xăng dầu sẽ được trả về thị trường, vai trò của quỹ bình ổn cũng thay đổi.
Ông Thỏa phân tích, quỹ bình ổn chỉ có tác dụng trong một số thời điểm nhất định, hiện giá trong nước đã sát giá thế giới nên quỹ bình ổn được xem như đã hoàn thành sứ mệnh. Thời điểm này, không cần giữ quỹ mà cần thay đổi cách thức điều hành bình ổn thị trường.
Giải pháp trong thời gian tới, theo ông, một là bỏ quỹ, chuyển số tiền còn lại về ngân sách Nhà nước, thị trường sẽ được ổn định bằng giải pháp thuế, phí; hai là giữ quỹ nhưng thay đổi cách điều hành.
Thực tế, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định 80 năm 2023, Bộ Công thương đánh giá, mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh không lớn, giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới. Do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, gần như không phải dùng đến quỹ để bình ổn.
Ở dự thảo mới nhất, Bộ Công thương nêu quan điểm chuyển quỹ này về ngân sách Nhà nước. Ông Thỏa cho rằng, Bộ Công thương là đơn vị quản lý ngành nên phải hướng dẫn rõ cách thức vận hành ra sao, lúc nào được trích, được lập và chuyển tiền từ doanh nghiệp về Nhà nước ra sao...
Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng lưu ý, quá trình chuyển đổi về một đầu mối sẽ cần giai đoạn chuyển tiếp.
"Bình ổn thị trường không chỉ bằng quỹ mà còn bằng nguồn cung. Nhà nước nên tập trung tăng nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia, để khi cần bình ổn có thể bán hàng dự trữ ra thị trường', ông Bảo góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận