Ngân hàng tài trợ vốn cam kết tài trợ thêm 200 tỷ đồng
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng được Bộ GTVT tổ chức vào chiều nay (14/8).
Trước việc một số dự án của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) chậm triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng và sẽ kiên quyết dừng thu phí.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tiến độ dự án giai đoạn 1 đang chậm. Trong khi đó, dự án giai đoạn 2 tiến độ có khả quan hơn. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ phải phấn đấu, nỗ lực mới hoàn thành đúng tiến độ.
Bộ trưởng đánh giá, thời gian qua việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, trong nửa tháng gần đây tiến độ có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Đề cập đến những tín hiệu tích cực sẽ tác động lớn đến tiến độ dự án giai đoạn 1, Bộ trưởng cho biết, sau khi làm việc với Bộ GTVT, ngân hàng tài trợ vốn cho dự án đã cam kết tài trợ thêm 200 tỷ và hứa sẽ giải ngân trước 30/8.
“Trước đây, số lượng xe dán thẻ và sử dụng dịch vụ thấp, nhưng đến cuối năm nay khi thực hiện Quyết định 07 của Thủ tướng, số lượng xe sử dụng sẽ tăng đột biến, sẽ tạo nguồn thu cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Cũng theo Bộ trưởng, một số nhà đầu tư BOT đã đàm phán xong và ký được một số phụ lục hợp đồng dịch vụ. Những tín hiệu này hứa hẹn dự án sẽ có chuyển biến.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, khó khăn lớn nhất của dự án giai đoạn 1 là 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), trạm thu phí Cần Thơ - Phụng Hiệp, Công ty 194. Nếu không có giải pháp mạnh, dự án sẽ chậm tiến độ. Giải quyết khó khăn này, Bộ trưởng cho biết, sẽ có giải pháp mạnh nếu không sẽ không hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ví điện tử có liên kết của hơn 30 ngân hàng
Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ trưởng nhận định, nhà đầu tư là Liên danh Viettel - Viettinf - VVT - ITD có năng lực và chuyên nghiệp. Điểm sáng của liên danh này là sẽ cung cấp ví tiền điện tử có liên kết của hơn 30 ngân hàng, tạo niềm tin cho người dân.
“Tiền trong ví ngoài việc thanh toán thu phí giao thông, người dân có thể dùng thanh toán mua sắm. Với việc ví điện tử này liên kết được với nhiều ngân hàng sẽ giải quyết vấn đề lãi trong tài khoản”, Bộ trưởng nói.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ xây dựng kế hoạch tiến độ tổng thể từ nay đến 31/12. Trong đó, lưu ý một số nội dung như: mốc tiến độ ký phụ lục hợp đồng giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư BOT, hợp đồng dịch vụ giữa hai nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT. Bên cạnh đó là mốc tiến độ cụ thể về lắp đặt thiết bị, vận hành thử, test thử và vận hành toàn bộ.
Bộ trưởng giao Báo Giao thông công bố cụ thể kế hoạch này để giám sát. Dự án nào chậm phải có phương án xử lý ngay.
Đối với những dự án của VEC, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFFI), Cần Thơ - Phụng Hiệp, Hà Nội - Bắc Giang và công ty 194, Bộ trưởng yêu cầu phải có cơ chế giám sát đặc biệt.
“Tổng cục Đường bộ xây dựng tiêu chí để giám sát đặc biệt. Trong đó đưa ra tiến độ cụ thể từng hạng mục công việc các đơn vị phải thực hiện để có chế tài cụ thể để xử lý trong trường hợp thực hiện không đúng tiến độ. Lần 1 vi phạm dừng thu phí trong vòng 5-10 ngày. Lần hai tăng lên gấp đôi và toàn bộ hậu quả xảy ra của việc dừng thu phí doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng chỉ đạo.
VEC còn nhiều trạm chưa triển khai thu phí không dừng nên cần quan tâm đặc biệt đối với đơn vị này. Sau cuộc họp này phải dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng các tồn tại vướng mắc đối với Tổng công ty này. Trong đó, báo cáo Thủ tướng nguy cơ chậm tiến độ và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước xử lý. Về phía Bộ GTVT, đến 31/12 sẽ xử lý nghiêm là dừng thu phí.
Trước đó, báo cáo tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, dự án giai đoạn 1 có 26/28 trạm với trên 160 làn; Trong đó, có 2 trạm đã rút khỏi dự án (trạm Bắc Giang - Lạng Sơn không lập trạm và trạm Cầu Rác). Đến tháng 8/2018, dự án bổ sung thêm 18 trạm, nâng tổng số trạm giai đoạn 1 lên 44 trạm với 620 làn. Đến nay, đã triển khai được 29 trạm với trên 160 làn. Trong đó, Công ty TNHH thu phí tự động VETC phải lắp đặt 27 trạm với trên 180 làn, đến nay đã lắp đặt và nâng cấp thiết bị được 23 trạm với 90 làn.
Đối với triển khai các trạm cửa ngõ các thành phố lớn ông Huyện cho biết, số làn VEC phải lắp đặt là 5 tuyến với trên 240 làn. Tuy nhiên, ngoài cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới có vốn triển khai 15/37 làn, còn 227 làn chưa có phương án vốn đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí liên thông với VEC đã hoàn thành lắp đặt thiết bị, bắt đầu vận hành thử nghiệm từ ngày mai (15/8). Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, chỉ có thể vận hành chính thức khi lắp đặt xong tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận