Ngày 27/9/2023, từ nguồn tin độc quyền, Báo Giao thông đã phát hiện việc ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên cấn nợ doanh nghiệp xăng dầu trái quy định từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đặt tại tài khoản mang tên Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Vụ việc trên cho thấy của ngân hàng này có dấu hiệu vi phạm hoạt động sử dụng Quỹ cũng như những lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngân hàng không được phép thu nợ từ Quỹ Bình ổn xăng dầu
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có số dư nợ tại ngân hàng thương mại - nơi doanh nghiệp mở tài khoản Quỹ Bình ổn, nhà băng đã tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của doanh nghiệp có số dư dương (trong đó có tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu) để khấu trừ công nợ của doanh nghiệp. Cho nên, doanh nghiệp khó duy trì số dư Quỹ bình ổn giá theo quy định.
Một nguồn tin cho biết vụ việc xảy ra với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được một doanh nghiệp đầu mối là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà lập tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Long Biên.
Ngày 5/6, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đã có công văn về việc BIDV - chi nhánh Long Biên đã trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà. Công ty này khẳng định việc làm này là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).
Nhận được phản ánh này, ngày 31/8 Bộ Tài chính đã gửi công văn cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Long Biên đề nghị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95.
Cùng ngày, Bộ Tài chính đã gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này có biện pháp lưu ý đến các ngân hàng.
Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI khẳng định: Việc ngân hàng trích tiền từ Quỹ Bình ổn giá để thu hồi nợ của doanh nghiệp là sai hoàn toàn.
Bởi lẽ, khoản 26, Điều 1 Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã nêu rõ: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.
Nghị định cũng quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.
"Do đó, ngân hàng buộc phải hoàn trả lại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu", luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.
Cần truy trách nhiệm ngân hàng
TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Bội Ngọc cũng chia sẻ với Báo Giao thông rằng, ngân hàng cấn nợ từ quỹ bình ổn đối với doanh nghiệp đầu mối là việc làm sai hoàn toàn.
Ông nói: "Cần phải quy trách nhiệm đối với bất kỳ ngân hàng nào xử lý nợ theo kiểu này. Vì ngân hàng đủ trình độ để quá hiểu rõ đây là tiền của người dân sử dụng xăng dầu và chỉ dùng để bình ổn giá xăng dầu phục vụ cho ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ mà thôi. Các ngân hàng không được tự tung tự tác, lạm dụng quyền thu nợ không đúng khoản thu!.
Đây là việc làm cần được lên án, thậm chí là phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi xâm phạm nguồn quỹ để ổn định kinh tế của quốc gia".
Về lâu dài, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Việc sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót.
Do đó, cần nghiên cứu việc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu điều chỉnh theo biến động của thị trường.
"Việc quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được thực hiện theo hướng nếu giá xăng dầu thấp thì trích lập vào Quỹ, khi giá xăng dầu cao thì chi ra. Nhưng rất khó có cơ sở thực tế nào để nói rằng thế nào là thấp, thế nào là cao; lúc nào thì thu, lúc nào thì chi.
Giả sử giá dầu lên 100USD/thùng, khiến giá xăng dầu trong nước lên thì cơ quan quản lý bắt đầu chi Quỹ bình ổn giá. Nhưng sau đó, giá dầu không giảm mà lại lên 150 USD/thùng, thì khi đó giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng. Khi đó, Quỹ bình ổn giá liệu có còn để chi không khi mà đã chi ra từ lúc giá dầu 100 USD/thùng", ông Trương Thanh Đức băn khoăn.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là tiền của dân!
Quỹ hoạt động theo cơ chế, trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗi lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ để chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá vốn trong nước tăng cao.
Hiện nay, theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập, hạch toán và theo dõi riêng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Thông tư số 103 (ngày 18/11/2021) đã quy định rõ phương thức trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính ban hành cơ chế trích lập, sử dụng, kiểm tra, quyết toán, đánh giá kết quả và hiệu quả sử dụng quỹ.
Còn mức trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.
Khoản 2 Điều 5 Thông tư 103 nêu rõ: Không chi sử dụng Quỹ BOG trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề. Trừ trường hợp mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Bài 2: BIDV Long Biên chưa trả lại khoản tiền 270 tỷ cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu
Bài 3: Đại biểu Quốc hội: "Đặt Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp là rất khó hiểu"
Bài 4:"Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu"
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận