Chuyện dọc đường

Nghề đặc biệt, ngày đặc biệt!

28/02/2020, 05:28

Năm nay với nhiều bác sỹ, ngày 27/2 ít hoa hơn nhưng trên mạng xã hội, các bài viết, chia sẻ về nghề thầy thuốc được “thả tim” rất nhiều.

img
BS. Lưu Thị Xuân (bên trái) chuẩn bị trang phục chống dịch cho đồng nghiệp vào khu cách ly tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà - nơi từng điều trị cho 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19, nay đang còn giám sát y tế cho 35 người nghi nhiễm

Hôm qua là 27/2, như mọi ngày, bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vẫn đến bệnh viện từ rất sớm.

Ngày thường mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 5.500-6.000 người đến khám, chừng 4.000 bệnh nhân nội trú nhưng dạo này “có dịch”, số bệnh nhân đến khám giảm khoảng 30%.

Riêng khu nội trú thì phải rất nặng người bệnh mới nhập viện, nên số lượng bệnh nhân vẫn như ngày thường.

Các bác sĩ vẫn trực đêm, vẫn đi buồng, vẫn khám bệnh miệt mài từ sáng.

Hôm qua, ngành Y tế đã dừng các lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 như vẫn thường tổ chức các năm trước. Cả ngành đang bận chống dịch Covid-19.

Nhiều người trong số họ đã dừng nghỉ phép, tổ công tác hơn 10 người đã đi Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) từ 13/2 và sẽ ở đó đến 3/3 mới được về nhà.

Ở xã bị cách ly, các bác sỹ tự nấu cho nhau ăn trong những ngày “trực chiến”. Không có hoa, có quà, sự an toàn lúc này quý hơn tất cả.

“Chống dịch như chống giặc”, không đi Sơn Lôi, những người hôm nay ở nhà thì thực ra cũng đã ở viện liên tục từ Tết đến hết tháng Giêng không về nhà như bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Cũng giống như người lính, chỗ nào nguy hiểm thì họ có mặt, chẳng kể lễ, Tết, ngày nghỉ hay đúng ngày vui của chính mình.

* * *

Giữa trưa 27/2, mặc dù đang giờ cơm, ngoài cửa phòng ông Đào Xuân Cơ, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai có tiếng gọi đi hội chẩn. (Khoa này chuyên điều trị bệnh nhân nặng, có những sản phụ ban đầu chỉ bị cúm, rồi bệnh biến chứng đến mức để duy trì sự sống cho bệnh nhân cần đến 9 cái máy xung quanh. Chi phí điều trị cho bệnh đã lên tới trên 400 triệu đồng mà bệnh nhân lại nghèo). Bác sĩ Cơ lập tức đi ngay, có vẻ như đã quá quen với chuyện làm việc ngay cả trong giờ nghỉ. Mà không chỉ chữa bệnh, nhiều bác sĩ như ông Cơ còn vất vả đi tìm nhà hảo tâm để cứu cho được bệnh nhân.

Người ta vẫn bảo ngành Y là ngành đào tạo đặc biệt, thu nhập cao, được xã hội trọng vọng nhưng mọi chuyện đâu chỉ có màu hồng.

Ít có nghề nghiệp nào không có nghỉ Tết, không có nghỉ lễ, phải trực đêm, ăn vội, xung quanh thường trực mùi thuốc sát trùng và máu như nghề Y.

Ông Đoàn Quốc Hưng, Trưởng bộ môn Ngoại, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội kể từng có sinh viên y mới vào học, thấy máu me đã ngất.

“Nhưng số đó ít lắm, không có sinh viên y khoa nào không có một đàn anh, một người thầy đứng bên cạnh giám sát cho đến khi thành thạo. Nghề ngoại khoa của chúng tôi phải học 13 năm để làm việc độc lập, muốn có những quyết định 5 giây để cứu một sinh mạng, phải học 13 năm”, ông Hưng nói.

Nội khoa thì cũng phải học 12 năm, những dịp dịch bệnh nguy hiểm chưa có thuốc chữa như Sars, Covid-19 họ cũng luôn ở tuyến đầu. Bệnh nhân ở đâu họ ở đó, không được phép thoái lui.

Phải cách ly, bị kỳ thị, đối diện nguy cơ lây nhiễm… đã làm nghề là chấp nhận.

* * *

Chắc chắn, năm nay với nhiều bác sỹ, ngày 27/2 ít hoa hơn nhưng trên mạng xã hội, các bài viết, chia sẻ về nghề thầy thuốc được “thả tim” rất nhiều.

Người ta “thả tim” cho những người làm nghề đặc biệt là cứu sinh mạng con người và đi vá lành tất cả những vết thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.