Khắc họa các anh hùng dân tộc
Nghệ nhân Bùi Văn Tự, Chủ tịch Công ty Cổ phần Điêu khắc ánh sáng Đại Việt chính là tác giả màn trình diễn tác phẩm điêu khắc ánh sáng mang tên "Nước Nga vĩ đại", được thể hiện trong chương trình nghệ thuật diễn ra sau phần giao lưu thân tình giữa Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Hội hữu nghị Việt - Nga cùng các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam tại Nga vừa qua. Đây là món quà được đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn để dành tặng Tổng thống Nga Putin khi ông Putin thăm chính thức Việt Nam.
Không gian nghệ thuật mang tên "Thắp đèn soi niên sử", nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc ánh sáng được nghệ nhân Bùi Văn Tự đặt tại tầng 3, Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, Số 28 Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội).
Khi ánh đèn vàng được bật lên, ánh sáng vàng thấu qua cục lũa, hiện lên tường bức tranh Quốc tổ vua Hùng - người khai sơn, phá thạch, mở mang bờ cõi, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Tác giả đặt tác phẩm ngay cửa vào với ý đồ mở trang đầu tiên trong chiều dài sử Việt.
Tiếp theo là khối gỗ khắc họa chân dung Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi - hai nữ tướng đã đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Khối gỗ hình thù kỳ lạ, lộn xộn, nhưng qua ánh đèn đã khắc họa bức tranh rõ nét khí phách, lòng yêu nước với ý chí quật cường, dũng cảm của hai nữ tướng.
Ánh sáng len lỏi qua khúc gỗ cũng đã khắc lên tường chân dung vua Lý Nam Đế (Lý Bí), người đã có công đánh đuổi quân Lương xâm lược và xây dựng Nhà nước Vạn Xuân.
Một "bức họa" khác mô phỏng lại trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng. Trên nền tối của phông nền tường, ánh đèn khắc họa chân dung vua Ngô Quyền đứng hướng nhìn cọc địa, thế trận thủy triều đã đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Trong căn phòng khoảng 400m2 còn có các tác phẩm khắc họa những anh hùng dân tộc khác như: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh Tự cho biết, tác phẩm anh làm kỳ công nhất, tâm huyết nhất chính là tác phẩm "Tự hào Việt Nam" trưng bày tại trung tâm của khu triển lãm. Tác giả sử dụng thủ pháp di hình hoán ảnh, trên cùng một khối gỗ, khi xoay ở các hướng khác nhau, tạo nên những hình ảnh khác nhau.
Đó là cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng, bản đồ Việt Nam hình chữ S; đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử.
Mượn nghệ thuật kể lịch sử
Lý giải lý do lựa chọn 14 vị anh hùng tiêu biểu để trưng bày tại bảo tàng, anh Tự cười: "Trước tôi lười học sử. Tuy nhiên, khi lớn lên, có ý thức hơn, tôi nhận ra lịch sử giống "xương sống" giúp ta có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu. Từ đấy mình mượn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng để kể về những câu chuyện lịch sử, truyền cảm hứng, ham học hỏi cho những thế hệ trẻ".
Mới đây, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã trao tặng tác phẩm "Chiến sỹ Điện Biên"cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nhân dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.Tác phẩm khắc họa những chiến sỹ thồ hàng bằng xe đạp, vượt đèo dốc phục vụ chiến dịch chấn động địa cầu. Ở góc quay khác là hình ảnh lá cờ quyết chiến, quyết thắng cắm trên nóc hầm Đờ Cát và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Anh Tự cho biết, ngoài những tác phẩm trưng bày, anh vẫn làm tác phẩm bán hoặc làm theo đơn đặt hàng. Tác phẩm làm nhanh thì khoảng 2 - 3 tuần, lâu hơn thì một vài ba tháng. Giá bán mỗi tác phẩm từ trên 100 triệu đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc vào chất liệu, câu chuyện cụ thể.
Hiện tại, các sản phẩm chân dung, cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng dựng bộ nhận diện thương hiệu, quà tặng trong dịp đối ngoại... rất đắt khách. Không chia sẻ doanh số cụ thể, song anh Tự khẳng định, doanh nghiệp của anh đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 người, với mức lương 8 - 20 triệu đồng/tháng.
Cảm hứng từ hòn non bộ
Con đường dẫn anh Tự đến với nghệ thuật ánh sáng là từ năm 2011. Khi đó đang là sinh viên, anh làm thêm nghề dựng non bộ cho bể cá. Ghép xong, khi lắp đèn chiếu, anh rất hứng thú với hình của bóng đổ hiện lên bức tường. Anh đặt câu hỏi: Tại sao không biến cái bóng đó thành một tác phẩm nghệ thuật?
Bằng đam mê, năng khiếu bẩm sinh, anh đã mày mò, học hỏi, tận dụng lắp ráp vật liệu sẵn có từ phế thải như vỏ lon, chai nhựa, sáng tác những tác phẩm sơ khai như con chim, xe ô tô...
Khi đến Bát Tràng lập nghiệp, anh tìm được sự tương đồng của vùng đất gốm với quê hương Ninh Bình. Gốm Bát Tràng cũng xuất phát từ Ninh Bình và non bộ cũng là sản phẩm tự nhiên sẵn có của Ninh Bình. Điểm chung đó đã tạo cảm hứng cho anh kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật sáng tạo mới, hiện đại, dù không trải qua bất cứ trường lớp đào tạo nào.
Anh Tự cũng cho biết, để tác phẩm lột tả được nhân vật, anh phải tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu, mất nhiều công sức. Như tác phẩm Phật hoàng Trần Nhân Tông đòi hỏi hội tụ được uy nghi của một vị đế vương, nhưng đôi mắt phải có ánh nhìn hiền từ của một vị Phật sống.
Đánh giá về các tác phẩm của anh Tự, GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Anh Tự đã sáng tác nhiều tác phẩm độc đáo. Nhiều kiến thức lịch sử đã được nghệ nhân này kể lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật rất riêng. Đây là một tài năng cần khuyến khích vì đã đóng góp vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của dân tộc".
Ông Đoàn Văn Chì, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, nằm trong các hoạt động Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Triển lãm du lịch qua miền di sản, danh thắng.
Công ty Cổ phần Điêu khắc ánh sáng Đại Việt đã được chọn mời tham gia và đã mang đến nhiều tác phẩm ấn tượng, độc đáo. Với tình cảm đặc biệt dành cho Điện Biên, công ty cũng đã tặng 2 tác phẩm là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chiến sỹ Điện Biên. Trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên, hai tác phẩm này ghi ấn tượng sâu sắc với nhiều khách tham quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận