Sống sót kỳ diệu
Từ quốc lộ 37 thuộc TP Chí Linh, Hải Dương, rẽ vào đường dẫn tới khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, khi hỏi về anh Trần Đình Tuấn (SN 1978, trú tại khu dân cư cầu Dòng, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh), không ai không biết.
Anh Tuấn cùng gia đình sống trên dãy núi Kỳ Lân, nằm cách biệt với khu dân cư khoảng 1km. Trên đó, anh canh tác một khu đồi rộng 4ha, với nhiều chuồng trại chăn nuôi và vô số cây cối.
Thấy có khách, từ trên đồi, anh Tuấn ôm bó lá bằng phần cánh tay còn sót lại, thoăn thoắt dùng nạng di chuyển xuống. Gương mặt lã chã mồ hôi, anh nói: "Tôi vừa đi quanh đồi để kiểm tra cây bạch đàn và cây keo sau khi phải thuê người đến trồng lại do bão".
Nhìn 4ha đồi bao phủ màu xanh của bạch đàn, phi lao cùng 8 trại gà hàng nghìn con được dựng lên xung quanh ngôi nhà cấp 4, không ai nghĩ đây là cơ ngơi của người đàn ông chỉ còn 1 chân, mất đôi tay.
Rồi anh trầm ngâm kể: "Năm ấy, tôi 12 tuổi. Tôi và người anh họ xa cùng một người bạn nữa đang chạy nhảy vui đùa quanh sân nhà thì bỗng nhiên một quả bom bi từ thời chiến tranh phát nổ. Quả bom do người anh họ mang về".
Sau tiếng nổ gây chấn động, anh họ và người bạn của Tuấn tử vong. Thấy anh Tuấn người đầy máu, chân tay đứt lìa nhưng vẫn thoi thóp thở, người thân đưa anh đến viện với hy vọng còn nước còn tát.
Quá trình điều trị rất khó khăn, không ít lần gia đình đã chuẩn bị việc hậu sự. Nhưng thật kỳ diệu, anh đã sống sót. Sau thời gian dài nằm viện, Tuấn trở về nhà nhưng hễ đứng dậy là anh lại ngã sấp xuống vì chỉ còn 1 chân, hai tay chỉ còn đến khuỷu. Chưa hết, các vết thương khắp người hành hạ anh đêm ngày. Do nghỉ học quá lâu và điều kiện sức khỏe không cho phép, Tuấn dừng học khi đang ở lớp 6.
Cuộc đời mới ở rừng
"Đó là quãng thời gian tôi thấy khó khăn nhất. Dù sống nhưng lại không muốn sống, tôi bị khủng hoảng về tinh thần", anh Tuấn tâm sự.
Nhưng rồi thương bố mẹ vất vả, Tuấn gượng dậy tập đi, tập làm quen nạng gỗ, tập làm việc nhà bằng đôi tay cụt lủn. Mỗi lần tập đi với nạng, vết thương ở tay và ở chân gỉ máu, nhưng Tuấn vẫn nỗ lực với suy nghĩ tự lo cho mình được chút nào thì người thân đỡ cực chút đó.
Ngày ấy, gia đình anh nhận khoán 4ha đồi, chủ yếu trồng sắn. Khi đã quen di chuyển bằng nạng, Tuấn xin bố mẹ vào rừng để trông nom cây cối cho vơi bớt nỗi buồn hằng ngày nhìn chúng bạn đến trường.
Thương con nhưng thấy Tuấn quyết tâm, bố mẹ đành chiều theo. Thế là Tuấn vào ở ngôi nhà nhỏ xếp lên bằng đá trên đồi, tự nấu nướng, giặt giũ, lo liệu mọi sinh hoạt.
"Ngày ấy cơ cực lắm, bao lần miếng ăn đến miệng lại rơi, lúc thì nồi canh đổ ụp xuống bếp tro, khi thì không thể mở nắp lọ dù tương cà ngay trước mặt... Nhiều lúc thèm được nói chuyện, nghe thấy tiếng người. Nhưng đây là quãng thời gian tôi bình tâm trở lại, quen với hình hài mới và xác định cánh rừng này, dòng suối này sẽ là nơi dung dưỡng mình", anh Tuấn trải lòng.
Làm lại từ hai lần đổ vỡ
Trải qua thời gian, anh Tuấn được một cô gái cùng quê đem lòng yêu thương rồi kết hôn. Năm 2003, cậu con trai cả ra đời, thắp lại nguồn hy vọng tưởng như đã tan biến cùng tiếng bom nổ năm nào.
Những tưởng vợ con đã đề huề êm ấm, thì khi con vừa 2 tuổi, người vợ bỏ đi. Anh suy sụp nhưng nghĩ đến đứa con đang khóc vang giữa đồi gió, anh đã lấy lại tinh thần.
Lúc này, không chỉ trông nom cây cối, mà anh muốn cánh rừng phải phát triển thành tương lai, nguồn sống cho hai bố con. Anh bắt đầu lao vào làm việc quên tháng, quên ngày.
Nhổ bỏ sắn, anh Tuấn một mình hì hụi đào hố trồng cây bạch đàn, cây keo để lấy gỗ bán cho các tiểu thương. Anh cũng tiến hành làm nhiều trang trại chăn nuôi gà để kiếm thêm thu nhập.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, đến năm 2018, một lần nữa anh lại nên duyên với một người con gái dân tộc Mường ở Hòa Bình. Buồn thay, sau một thời gian ngắn sống chung với nhau, người đầu gối tay ấp của anh đổ bệnh.
Suốt một năm vợ nằm viện, anh Tuấn phải bán mọi thứ lo viện phí. Dành tất cả cho vợ nhưng lúc vợ anh khỏi bệnh cũng là lúc cô bỏ anh đi chẳng lời từ biệt. Chán nản, anh lao vào rượu chè. Nhờ sự động viên từ gia đình, anh bừng tỉnh và gây dựng lại cơ nghiệp. Dần dà, 4ha đồi cằn cỗi được anh Tuấn bao phủ bằng màu xanh của cây.
"Tôi chỉ học giữa chừng lớp 6 là nghỉ nên khi trồng cây, nuôi gà, đều phải tự mày mò tìm hiểu. Nhiều người hỏi, sao không xây trang trại gà tập trung mà lại phải làm 8 trại gà khắp cánh rừng, việc này là để phòng ngừa bệnh dịch, nếu trại này phát bệnh thì dễ dàng cách ly để chữa trị", anh Tuấn kể.
Từ chỗ là gánh nặng, giờ đây anh Tuấn trở thành điểm tựa cho gia đình và đứa con. Con trai anh năm nay 21 tuổi, đang học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động.
Hiện, do sức khỏe đã yếu dần, những việc nặng nhọc trước kia như khuân vác, phát quang đất đồi anh thuê người. Cơn bão Yagi vừa qua khiến khoảng 2.000 cây phi lao, bạch đàn của anh bị chết, không phục hồi được. May mắn là trước đó anh đã xuất hàng nghìn con gà đi. Nhưng phần mái chuồng trại chăn nuôi bị gió thổi tung cần số tiền lớn để sửa sang.
"Tôi cũng đang dự định trồng cây tre để lấy măng. Sau này, tôi muốn con mình tiếp quản lại khu đồi và phát triển hơn nữa", anh Tuấn tâm sự.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa cho biết, hoàn cảnh của anh Nguyễn Đình Tuấn rất khó khăn. Mặc dù bị khuyết tật nhưng ý chí của anh rất lớn.
"Trường hợp của anh Tuấn là trường hợp đặc biệt. Trước đây, một số mạnh thường quân cũng đến chia sẻ. Hằng năm, vào dịp lễ Tết, phường cũng có những sự hỗ trợ và động viên tinh thần đối với anh Tuấn", ông Sáng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận