Nghị quyết 41 vừa được Bộ Chính trị ban hành xác định doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia, không hình sự hóa quan hệ kinh tế... giúp doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm xây dựng, phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 41/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó xác định doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nâng tầm doanh nhân
Chia sẻ với Báo Giao thông, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định Nghị quyết 41 sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta.
Trước đó, vai trò doanh nhân được khẳng định tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị năm 2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 09 đã tạo bước tiến lớn khi lần đầu tiên, chính sách phát triển doanh nhân, doanh nghiệp được hiến định trong Hiến pháp.
Trong Nghị quyết 41 vừa mới ban hành, đội ngũ doanh nhân không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế mà được nâng lên một tầm mới. Họ là lực lượng nòng cốt xây dựng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.
Trong các điểm mới, quan trọng của Nghị quyết 41, Bộ Chính trị xác định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng môi trường thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển.
Đó là kinh nghiệm được rút ra sau khi tổng kết Nghị quyết 09 khi đưa ra các quy định ứng xử bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn - doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo chủ tịch VCCI, yếu tố an toàn cũng được đề cập trong Nghị định mới. Điều này cũng rất quan trọng vì đội ngũ doanh nhân cần môi trường an toàn để sản xuất, an toàn cho bản thân, cho doanh nghiệp và gia đình.
Ngoài ra, Nghị quyết 41 còn "bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế". Đây là một trong những nội dung được doanh nghiệp, doanh nhân đồng tình ủng hộ. Theo ông Phạm Tấn Công, việc bổ sung chế tài xử lý vi phạm là "định hướng, nhận thức mới phù hợp với sự phát triển đất nước".
Bên cạnh đó, Nghị quyết 41 cũng có nhiều điểm mới như: Xây dựng tôn vịnh đội ngũ doanh nhân tinh thần yêu nước; Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam gắn với doanh nghiệp dân tộc là xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ; Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
"Đây chính là cơ chế, chính sách quan trọng, xác định vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân, hướng tới làm chủ một số chuỗi nông nghiệp, công nghiệp và là cơ sở xây dựng đạo đức văn hóa, triết lý kinh doanh, học thuyết để tạo ra bản sắc riêng của doanh nhân Việt", chủ tịch VCCI chia sẻ.
Định hướng phát triển doanh nghiệp
Ở vai trò doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng hàng không Vietjet, bày tỏ sự phấn khởi, vinh dự của cộng đồng doanh nhân khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41/NQ-TW.
Việt Nam có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng. Các khoản nộp ngân sách qua thuế giá trị gia tăng 9 tháng qua đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 248 nghìn tỷ đồng.
Bà Thảo bày tỏ quyết tâm sẽ cùng cộng đồng doanh nhân thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng vui mừng khi Nghị quyết 41 đã hoạch định những chính sách vĩ mô cho phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới. Theo ông Thân, đó là kim chỉ nam để nâng tầm cho doanh nghiệp thông qua các nội dung rất mới về định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Còn ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam, nhận định Nghị quyết 41 tạo hành lang quan trọng để tận dụng nguồn lực phát triển.
"Nhiệm kỳ trước, hiệp hội đã đề nghị được kết nạp các hội viên danh dự người nước ngoài. Tôi muốn tận dụng trí tuệ và nguồn vốn của họ nhưng việc này cần xin ý kiến. Nghị quyết 41 ra đời, tôi hết sức phấn khởi vì có thể tháo gỡ được việc đó", ông Nguyễn Ngọc Quang nói.
Dưới góc độ cần cơ chế để doanh nghiệp vững tin đầu tư và phát triển, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết trong bối cảnh không ít doanh nghiệp, doanh nhân sợ sai không dám làm, Nghị quyết 41 đã đề ra hành lang pháp lý rõ ràng, giúp doanh nghiệp tự tin xây dựng chiến lược.
"Một điểm nữa tôi thấy Nghị quyết 41 đã xác định doanh nghiệp là nòng cốt. Tư duy mới này trước nay chưa có. Doanh nghiệp chưa bao giờ cảm thấy được coi trọng, quan trọng và được nâng tầm như hiện nay. Có thể nói đây là nghị quyết rất đúng, rất trúng. Qua đó, mỗi doanh nghiệp thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc", ông Điệp nói.
7 giải pháp để phát huy vai trò doanh nhân
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Thứ ba, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Thứ tư, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ năm, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức. Cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học...
Thứ sáu, phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
Thứ bảy, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận