Antony Blinken - người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn làm Ngoại trưởng Mỹ là một trong những nhà ngoại giao từng làm việc dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, từng tham gia vào quá trình xây dựng, củng cố quan hệ Việt - Mỹ cách đây 5 năm.
Nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, yêu guitar
Hôm nay (25/11), theo giờ Việt Nam, chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức công bố danh sách thành viên Nội các - những người dự kiến sẽ giúp sức cho ông Biden trong hành trình chèo lái nước Mỹ 4 năm tới. Nổi bật trong số này là ông Antony Blinken, 58 tuổi, người được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ.
Việc ông Antony Blinken được lựa chọn vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden là điều dễ đoán, bởi đây là nhân vật có kinh nghiệm ngoại giao dày dạn và là một người bạn thân cận lâu năm của ông Joe Biden.
Khả năng ngoại giao của ông Antony Blinken không chỉ được trui rèn qua hàng chục năm làm việc dưới nhiều đời Tổng thống Mỹ mà còn bởi khí chất chuyên nghiệp dường như đã ăn sâu trong máu.
Ông Blinken sinh trưởng trong gia đình có bề dày truyền thống về đối ngoại: Cha ông là Đại sứ Hungary, chú là Đại sứ tại Bỉ… Ngoài chuyên môn, chính trị gia 58 tuổi còn rất có tài năng về thể thao, nghệ thuật. Ông thích chơi đá bóng, sáng tác nhạc, thậm chí còn có 2 bài hát đăng tải trên ứng dụng nghe nhạc Sportify và là người rất đam mê guitar.
Nhà ngoại giao Blinken đã và đang sát cánh cùng ông Joe Biden, hỗ trợ các vấn đề chính sách đối ngoại trong suốt gần 2 thập kỷ qua. Ông Blinken đảm nhiệm từ vị trí Cố vấn an ninh quốc gia giúp việc ông Biden khi ông còn là Phó Tổng thống, đến Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama và nay, hỗ trợ ứng cử viên Biden vận động tranh cử thành công.
Thời điểm là Thứ trưởng, ông Blinken tham gia vào tất cả các cuộc họp quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong nhiều chính sách ngoại giao của ông Obama như: Cách Mỹ định hướng phản ứng với việc Crimea ly khai Ukraine, sáp nhập vào Nga năm 2014; cuộc truy sát trùm khủng bố Osama Bin Laden năm 2011 và cuộc chiến chống Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ông Blinken cũng đã từng tới thăm Việt Nam lần đầu tiên ở cương vị Thứ trưởng Ngoại giao vào năm 2015, góp phần đặt nền móng để chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đạt bước tiến dài trong quan hệ với Việt Nam, dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam.
Dù chuyến thăm diễn ra với lịch trình dày đặc nhưng ông Blinken vẫn dành thời gian, dạo bước thăm thú Thủ đô Hà Nội và TP HCM. Ông từng hết lời khen ngợi sự trẻ trung, sôi động của cả hai thành phố đầu tàu của Việt Nam mà ông cảm nhận được qua những lần đến đây.
Xu hướng ngoại giao sẽ mềm mỏng hơn?
Được đánh giá là nhà ngoại giao bình tĩnh, khiêm tốn, có xu hướng toàn cầu hóa nên việc ông Blinken được bổ nhiệm là dấu hiệu cho thấy rõ Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có những định hướng và chiến lược khác hoàn toàn thời Tổng thống Donald Trump.
Hãng tin CNN dẫn lời nhiều quan chức Ngoại giao Mỹ cho biết, động thái đề cử ông Blinken sẽ đón nhận sự chào đón nồng hậu từ đa phần giới chức ngoại giao. Trong đó, một quan chức đương nhiệm thuộc Bộ này chia sẻ: Ông Biden không còn lựa chọn nào tốt hơn, ngoài ông Blinken, để chứng minh cam kết của mình về chính sách ngoại giao.
Nếu được Thượng viện Mỹ xác nhận và được bổ nhiệm, vị cố vấn chính sách ngoại giao kỳ cựu sẽ phải cải tổ bộ máy Bộ Ngoại giao sau một thời gian dài không được bổ sung nhân sự mới.
Về ngoại giao, ông Blinken sẽ gánh trên vai trọng trách “củng cố lại quan hệ với các đồng minh thân cận” trên toàn cầu. Hiện tại, nhiều mối quan hệ đã bị nơi lỏng, suy yếu vì chính sách “nước Mỹ là trên hết” dưới thời Tổng thống Trump.
Ngoài ra, ông Blinken tiếp tục phải xử lý những thách thức ngoại giao quan trọng mà Mỹ đang đối mặt trên bình diện quốc tế, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc. Theo chuyên gia Harvey Dzodin, nghiên cứu sinh cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, khi ông Blinken đứng đầu cơ quan đối ngoại của Mỹ, quan hệ hai bên có thể tạm thời hạ nhiệt.
Chính quyền Mỹ - Trung sẽ bớt những cuộc khẩu chiến sắc lẹm, căng thẳng, thay vào đó là những cuộc đối thoại song phương về nhiều vấn đề thách thức như an ninh, quốc phòng, sở hữu trí tuệ, công nghệ và thương mại.
“Khả năng cao, hai bên vẫn không thể đồng thuận trên nhiều vấn đề nhưng sẽ hiểu lập trường của nhau hơn, từ đó tiến tới nhiều thỏa thuận song phương thực tế”, ông Dzodin nhận định và cho biết thêm rằng: Ông Blinken cùng Tổng thống đắc cử Biden đều có chung quan điểm rằng, cuộc thương chiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không hề mang lại lợi ích cho nền kinh tế Washington.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận