Xã hội

Người giữ rừng tận tụy ở Tràm Chim

13/01/2025, 07:35

Hơn 30 năm gắn bó với Vườn Quốc gia Tràm Chim, ông Chánh luôn coi đây như nhà mình. Ông cũng khao khát một ngày không xa sẽ được chứng kiến sự trở lại của đàn sếu đầu đỏ.

Hơn 30 năm gắn bó rừng tràm

Tới Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) hỏi thăm, không ai không biết ông Đỗ Minh Chánh (59 tuổi), nhân viên bảo vệ. Ông Chính quê Cần Thơ nhưng làm việc tại đây từ năm 1992.

Người giữ rừng tận tụy ở Tràm Chim- Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Chánh, người bảo vệ đã có hơn 30 năm gắn bó với Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Mỗi sớm mai, khi bình minh vừa ló rạng, ông Chánh đã có mặt tại đài quan sát, đôi mắt dõi theo từng đàn chim bay lượn. Với ông, rừng không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nhà.

Ngoài gia đình, ông Chánh dành trọn tình yêu của mình cho những cánh rừng của Tràm Chim và đàn sếu đầu đỏ. Qua bao năm tháng, ông thuộc lòng tập tính, tiếng kêu của loài chim này.

"Gắn bó với việc bảo vệ rừng, bảo vệ sếu đầu đỏ hơn 30 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy mệt mỏi.

Ở đây, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, tôi được học hỏi thêm về tập tính của sếu đầu đỏ. Từ đó, tôi thêm yêu quý và hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ loài chim này", ông Chánh cho hay.

Vào những năm đầu 1990, số lượng sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim có lúc lên đến hàng ngàn con.

Vẻ đẹp của loài chim quý hiếm khiến những người gắn bó với Tràm Chim mê mẩn. Trong hành trình di cư, sếu đầu đỏ thường về Tràm Chim khoảng đầu tháng 1 Dương lịch.

Thế nhưng, từ sau năm 2001, số lượng sếu đầu đỏ về đây thưa dần khiến những người gắn bó với sếu, với Vườn Quốc gia như ông Chánh không khỏi hụt hẫng. Đến năm 2021, chỉ có 3 cá thể sếu đầu đỏ di cư trở lại vùng đất này nhưng vắng bóng suốt hai năm sau đó…

"Lúc sếu đầu đỏ về nhiều, lượng thức ăn tự nhiên không đủ nên tôi đã trực tiếp bổ sung thức ăn cho sếu. Lần đầu, thấy tôi, sếu đầu đỏ rất cảnh giác và di chuyển ra xa hơn. Nhưng những lần sau, khi đã quen màu áo, cả đàn không còn sợ nữa", ông Chánh kể lại.

Chờ sếu tái đàn

Hơn 3 thập kỷ gắn bó với rừng tràm, ông Chánh chứng kiến nhiều thay đổi. Khi biết tin UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032, ông Chánh như được tiếp thêm động lực.

Người giữ rừng tận tụy ở Tràm Chim- Ảnh 2.

Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Niềm vui ấy càng nhân lên khi ông được giao trọng trách là hướng dẫn viên đặc biệt, đưa đón các đoàn chuyên gia, nhà khoa học đến nghiên cứu tìm giải pháp phục hồi lại hệ sinh thái thuộc khu vực phân khu A4.

Những ngày này, ông Chánh miệt mài cùng các chuyên gia tận mắt chứng kiến sự phục hồi của bãi năng kim, nơi từng là "ngôi nhà chung" của hàng ngàn con sếu đầu đỏ. Mỗi bước tiến nhỏ của công cuộc bảo tồn đều mang lại cho ông niềm hạnh phúc vô bờ.

Khi đoàn khách khắp nơi tụ hội về với Tràm Chim, không chỉ làm tốt nhiệm vụ hằng ngày, ông Chánh còn xung phong lái tắc ráng đưa khách đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng xanh nối dài tít tắp.

Như một người kể chuyện say mê, ông chia sẻ về lịch sử, về những câu chuyện kỳ diệu của rừng Tràm Chim và loài sếu đầu đỏ. Giọng nói ấm áp, đôi mắt sáng ngời của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Yêu rừng hơn nhà

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (51 tuổi), vợ ông Chánh nói vui rằng, chồng mình "mê" công việc, yêu từng vạt cỏ cây, chim thú trong rừng hơn… yêu vợ. "Cả ngày hầu như ổng ở miết trong rừng, có khi tối mịt mới về nhà.

Lúc đầu tôi cũng giận lắm, nhưng về sau thấy ổng vất vả làm việc vì trách nhiệm được giao, vì tình yêu với mảnh đất quê mình nên tôi ủng hộ chồng", bà Thảo bộc bạch.

Còn ông Đỗ Bân Bân (55 tuổi), đồng nghiệp làm việc nhiều năm cùng ông Chánh cho biết, không riêng gì ông Chánh, tất cả những người được giao nhiệm vụ giữ rừng luôn yêu quý rừng và các loài vật có trong rừng, đặc biệt là sếu đầu đỏ.

"Tinh thần, trách nhiệm của ông Chánh rất cao khi được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ các loài vật nhằm đa dạng sinh thái. Trong công việc, ông Chánh luôn hòa đồng, hỗ trợ và chỉ dẫn anh em cùng nhau làm tốt nhất nhiệm vụ được phân công", ông Bân cho biết thêm.

Còn ông Đặng Tiên Khoa, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ và Phòng cháy chữa cháy rừng trực thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, ông Chánh luôn nỗ lực hết mình trong công việc, biết cách tìm tòi và học hỏi cái mới.

Sự tận tâm của ông đã tiếp thêm động lực cho những nhân viên của vườn, tạo niềm tin gắn bó lâu hơn với công việc của mình.

"Hơn 30 năm gắn bó với công việc, ông Chánh có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn.

Đặc biệt, ông rất mê loài chim sếu. Ông luôn tuyên truyền, vận động mọi người dân xung quanh vùng đệm chung tay bảo vệ rừng", ông Khoa nói thêm.

Vườn Quốc gia Tràm Chim rộng 7.500ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ - nằm trong Sách đỏ.

Đàn sếu thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau rồi mới rời đi. Sếu đầu đỏ với dáng vẻ kiêu hãnh, chiều cao đến 1,8m và có màu đỏ đặc trưng trên đầu.

Đây là loài chim được coi là biểu tượng của hòa bình, may mắn và sự phát triển bền vững. Sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất biết bay, hiện được xếp vào danh mục các loài dễ bị tổn thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.