Quả cảm giữa rừng thiêng
Ngày giữa tháng 4, PV Báo Giao thông theo chân anh Hoàng Quốc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên từ trung tâm huyện Tiên Yên, vòng qua con đường bê tông nhỏ thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn để đến bản Nà Hắc, thôn Đoàn Kết, xã Lương Mông, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).
Anh Chìu Chăn Lỷ báo cáo tình hình công tác bảo vệ rừng với lãnh đạo xã Hà Lâu
Trời mưa, đường vào “rốn rừng” Nà Hắc phải vượt qua nhiều đoạn suối gập ghềnh lổn nhổn đá, nên phải mất chừng gần 1 giờ, chúng tôi mới đến được căn nhà nhỏ của anh Chìu Chăn Lỷ, hơn 50 tuổi.
Phó chủ tịch xã Hà Lâu, anh Lã Văn Vy giới thiệu: “Đây là “chiến binh quả cảm giữ rừng thiêng Nà Hắc” đấy. Nhìn nhỏ thó, chân thì vặn vẹo thế, nhưng anh Lỷ băng rừng, vượt suối nhanh như con nai, con hoẵng ấy! Anh Lỷ không biết sợ thú dữ và những tay “lâm tặc” vạm vỡ”.
Cười tít mắt khi nghe Phó chủ tịch xã Hà Lâu giới thiệu, anh Lỷ giải thích đơn giản: “Không bảo vệ rừng thì lũ lụt sẽ gây họa cho thôn mình, xã mình! Rừng Nà Hắc nguyên sơ là vậy, nhiều thác đẹp, nếu giữ lấy thì con, cháu mình sẽ làm được du lịch thôi”.
Trên đường dẫn chúng tôi vào sâu trong rừng, anh Lỷ kể, anh là con cả trong gia đình có 5 anh, chị em. Khi 15 - 16 tuổi, anh đã theo bố vào thung lũng này vỡ đất trồng ngô, trồng lúa. Lớn lên, anh được bố chia cho một căn nhà ở giữa bản để ở cùng với người em trai.
Thế nhưng, vốn ưa tự do ở một mình, lại thích cảnh rừng rú hoang sơ, anh đã để lại toàn bộ gia sản cho em rồi vào bìa rừng cất căn chòi nhỏ để sinh sống. Hàng ngày, anh Lỷ làm nông nghiệp, lên rừng khai thác lâm sản phụ, bắt con đũi, con sóc… kiếm sống.
“Nhiều đêm, lũ rừng tràn về, sáng ra, rắn độc bò lổm ngổm dưới chân giường, nhưng tôi không nỡ giết, chỉ đuổi đi”, anh Lỷ thủ thỉ.
Bước chân của anh Chìu Chăn Lỷ đã chai sạn vì những tháng ngày leo rừng, vượt thác
35 năm gắn bó với nơi này, do chịu khó làm ăn lại biết chắt chiu, giờ anh Lỷ đã tích lũy số tiền mua được vài chục ha rừng sản xuất để trồng cây lấy gỗ. Giờ tài sản của anh có mấy trăm triệu gửi ngân hàng và cánh rừng trị giá nhiều tỷ đồng…
Bố mẹ cũng mai mối một vài nơi ở bản trên, xóm dưới, nhưng vì “yêu rừng hơn vợ” nên đến giờ, anh vẫn độc thân.
Băng qua nhiều con suối trong vắt với những tảng đá cuội trắng nõn to như cái chum, cái vại và những cây gỗ cổ thụ vài người ôm không xuể, đến một thác nước trong vắt, anh Lỷ dừng chân giới thiệu: “Đây là thác cá nhảy. Vào ngày nắng sau trận mưa nhỏ, những đàn cá suối nhảy nhót vượt thác mà thành tên gọi. Theo quy định, không người dân nào được vào đây bắt cá”.
Chỉ tay vào những cây gỗ lát lớn, sum suê tỏa cành xuống thác cá nhảy, anh Lỷ cho biết: Trong rừng này có nhiều loại gỗ quý, thế nhưng theo quy ước của bản, không ai được phép vào khai thác.
“Vài năm trước, hay tin trong rừng Nà Hắc có nhiều gỗ lát cổ thụ, một nhóm người chẳng biết từ đâu tìm đến gặp tôi với ý định “mua chuộc” để khai thác với giá vài triệu đồng/cây. Tôi vờ cười rồi vào trong chòi vác dao quắm ra quắc mắt: “Thằng nào muốn chặt cây thì phải bước qua xác tao!”. Nghe vậy, nhóm này tái mặt rồi bỏ đi, nhưng không quên buông lời hăm dọa”, anh Lỷ kể.
Hành trình vào cánh rừng Nà Hắc của chúng tôi đành phải dừng lại ở thác cá nhảy. Bởi theo anh Lỷ, muốn khám phá hết được cánh rừng này có khi mất cả tháng. Bởi, bản thân anh dù có 35 năm gắn bó với nơi này mà vẫn còn có những nơi chưa hề đặt chân tới.
Giữ rừng như giữ con ngươi của mình
Anh Chìu Chăn Lỷ bên những cây gỗ Lát trị giá hàng chục triệu đồng cạnh thác Cá Nhảy
Theo anh Lã Văn Vy, rừng nguyên sinh Nà Hắc thuộc diện rừng phòng hộ đầu nguồn với khoảng 600ha. Bản Nà Hắc có 40 hộ trước đây tách biệt nay sáp nhập với bản Gianh thành thôn Đoàn Kết như hiện nay.
“Rừng nguyên sinh rộng, người thưa như vậy, nếu không có “bí kíp” của bà con trong bản để bảo vệ thì rừng nơi đây thành đồi trọc từ lâu rồi”, anh Lâu nói.
Người dân Nà Hắc tự bao đời đều hiểu được rằng, rừng che chở cuộc sống của họ, rừng giữ nguồn nước để sinh hoạt và tưới tiêu cho những cánh đồng, rừng chở che cho họ trước những trận bao giông hay mưa lũ. Ngoài ra, đó còn là niềm tin, tâm linh với rừng thiêng, nên bà con nơi đây quý trọng từng cái cây, con suối, họ bức xúc và không cho ai được phép phá hoại, xâm hại rừng thiêng của họ.
Phó chủ tịch xã Hà Lâu Lã Văn Vy
Anh Chìu Văn Chăn (bản Nà Hắc) cho biết, từ đời cha, đời ông đã thấy cảnh người dân ở Nà Hắc luôn đoàn kết, đồng lòng để bảo vệ rừng nguyên sinh như gìn giữ “con ngươi của mình”. Trên rừng có nhiều gỗ, thú quý, nhưng bao đời nay, tuyệt nhiên không ai khai thác.
“Bà con bản Nà Hắc chỉ vào rừng lấy cây măng, cây thuốc, củ ba kích… bán kiếm sống mà không mảy may đốn hạ bất cứ cây gỗ nào đem bán. Mỗi khi có hộ làm nhà cần gỗ làm cột, làm kèo, cả bản phải họp bàn chặt những cây do bão gió quật đổ hay quá già cỗi đã chết khô… Ai phạm vào việc chặt cây rừng là bị thôn “phạt vạ” mất trâu, mất lợn, mất rượu”, anh Chăn kể.
Trước đây, giao thông vào đầu thôn Nà Hắc còn là đường đất, nhưng vài năm gần đây, đường bê tông đã được mở ra.
Ô tô vào tận đầu bản để vận chuyển gỗ rừng trồng, vật liệu thì cũng là lúc công tác bảo vệ rừng nguyên sinh Nà Hắc cam go hơn. Bởi, chỉ cần có chút sơ hở, kẻ xấu vào rừng chặt hạ gỗ quý rồi trà trộn lên xe chở gỗ keo vận chuyện ra ngoài.
Anh Chăn kể, vài năm trước, biết Nà Hắc có nhiều gỗ quý, những kẻ phá rừng đã mở một con đường nhỏ từ xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn vào với ý định khai thác gỗ trái phép.
Khi phát hiện, Trưởng thôn Nà Hắc một mặt huy động người dân ra ngăn cản, mặt khác báo cáo cơ quan chức năng đến kịp thời ngăn chặn. Từ đó đến nay, những kẻ xấu không dám bén mảng nữa.
Chưa dừng lại ở đây, Nà Hắc lại có nhiều mai vàng tự nhiên. Cứ vào dịp Tết đến, là lại thấy xuất hiện những người lạ mặt. Câu chuyện anh Chìu Văn Khánh kiên quyết ngăn chặn nhóm người định vào khai thác mai vàng mấy năm trước luôn được bà con nơi đây kể lại cho nhau nghe như là một “chiến công”.
Chuyện là, gần đến Tết cách đây vài năm, khi anh Khánh đang trên đường mang mấy con gà ra chợ xã bán để sắm đồ cúng Giao thừa thì gặp mấy người lạ mặt đang đi xuyên trong rừng hướng về khu vực có nhiều cây mai vàng.
Thấy nhóm này có biểu hiện bất thường, anh dừng lại hỏi lớn. Nhóm này khựng lại rồi một người đến nói nhỏ vào tai anh Khánh: “Định vào chặt vài cành mai vàng bán kiếm tiền tiêu Tết. Nếu anh đồng ý không nói gì, chúng tôi cho anh vài triệu đồng”.
Nghe vậy, anh Khánh bảo: “Không được đâu, mai vàng trên rừng thiêng là của cả bản, chặt hạ là mang tội đấy. Nếu lấy được thì làm gì đến lượt các người”. Nói đoạn, anh không đi chợ nữa mà vội vã về báo bà con ra ngăn chặn, yêu cầu nhóm người này rời đi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận