Hồ sơ tài liệu

Người Hongkong "nóng lòng" sau Brexit

01/07/2016, 19:08

Đặc khu hành chính Hongkong (TQ) có hệ thống tư pháp riêng, chính quyền, tiền tệ, cờ và cả đội bóng riêng.

160630141819-hong-kong-umbrella-movement-occupy-ex

Phong trào biểu tình ô dù ở Hongkong rầm rộ từ năm 2014, nhằm đòi quyền dân chủ ở đặc khu hành chính này. (Ảnh: CNN)

Trong bối cảnh dư âm của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở nước Anh vang vọng tới nhiều nơi trên thế giới, câu hỏi đặt ra là, liệu đặc khu hành chính Hongkong có thể có một nền độc lập riêng hay không?

Người dân ở đặc khu này luôn mong mỏi có một ngày như vậy. Rất nhiều lần họ kiến nghị vì quyền lợi của mình bị xâm lấn bởi Trung Quốc đại lục, cải cách chính trị đình trệ… song lãnh đạo Bắc Kinh đều gạt bỏ những nguyện vọng này. Một số nhà quan sát còn cho biết, các ý kiến về việc độc lập của Hongkong thậm chí có thể bị khép vào tội phạm hình sự.

Theo hiệp ước của Liên Hợp Quốc, “tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết”. Từ năm 1960 – 1972, Hongkong được liệt kê cùng với các vùng lãnh thổ như Fiji và Kenya là một “lãnh thổ phi tự trị”, trong đó, các công dân “được phép tận hưởng hoàn toàn độc lập và tự do”. Tới nay, Fiji và Kenya đã là những nước Cộng hòa độc lập, còn Hongkong thì không.

Năm 1971, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gia nhập Liên Hợp Quốc, năm sau, Hongkong và Ma Cao (sau này là thuộc địa của Bồ Đào Nha) được Bắc Kinh yêu cầu loại khỏi danh sách này.  Năm 1984, Tuyên bố chung Trung-Anh về việc bàn giao Hongkong trở về với Trung Quốc được ký kết. Cho tới năm 1997, Hongkong chính thức trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Các tuyên bố chung, hiến pháp và pháp luật cơ bản của Hongkong đều nhấn mạnh, đây là một khu vực có “mức độ cao của tính tự chủ”, đồng thời được đánh giá là một khu vực “tiến bộ dần và có trật tự” theo xu hướng phổ thông đầu phiếu.

Ít nhất có 7 đảng địa phương được thiết lập ở Hongkong hồi năm ngoái. Trong các cuộc bầu cử Hongkong gần đây, ứng cử viên bản địa của Hongkong Edward Leung giành được hơn 15% phiếu bầu. Kết quả này cho thấy chủ nghĩa địa phương đã xuất hiện ở Hongkong giống như một thứ “quyền lực thứ ba” ở đặc khu này.

Về phần mình, Bắc Kinh phản ứng vô cùng giận dữ trước những lời kêu gọi Hongkong độc lập. Một tờ báo chính thống của Trung Quốc gọi đây là “một ảo vọng không có bất kỳ khả năng thành hiện thực nào”.

Cyd Ho – thành viên Hội đồng Lập pháp Hongkong nói, dù có quyền độc lập và tự chủ, song “Hongkong sẽ không thể ly khai nếu Trung Quốc không trở thành một quốc gia văn minh và tôn trọng nhân quyền”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn ý kiến cho rằng, việc Hongkong tỏ ra “độc lập” với Bắc Kinh sẽ chỉ khiến cho mọi thứ càng trở nên không rõ ràng, mặc dù các nhà lãnh đạo chính trị ở Hongkong kêu gọi rút lại Tuyên bố chung Trung-Anh và thiết lập một hiến pháp mới.

Những người khác ủng hộ việc hãy để người dân thành phố biểu quyết về tương lai của thành phố. Đảng phái chính trị được thành lập bởi các nhà lãnh đạo “Phong trào biểu tình ô dù”, trong đó có cựu sinh viên Joshua Wong đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong vòng 10 năm, trong đó, việc ly khai hoàn toàn khỏi Trung Quốc cũng là một lựa chọn.

“Chúng tôi hi vọng trong tương lai, chúng tôi có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để củng cố sự đồng thuận trong xã hội, người Hongkong nên có quyền quyết định tương lai của mình”, Chủ tịch hãng luật Nathan ở Hongkong nói với CNN.

Trung Quốc là một thành viên của Liên Hợp Quốc, dù nước này có không thông qua, thì Hiệp ước LHQ vẫn công nhận quyền tự quyết của mọi dân tộc, trong đó có quyền “tự do quyết định nền chính trị của họ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.