Nguy cơ thiếu gần 5.000 MW điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố kiến nghị chỉ đạo tiết kiệm điện.
Theo EVN, từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do những biến động chung của nền kinh tế, nhưng tập đoàn vẫn nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể, tính đến ngày 11/5/2023, đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết. Bao gồm: Hồ thủy điện Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.
Nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết (Ảnh: Hồ Ialy)
Bên cạnh đó, có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.
Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận định, với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023.
Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và tháng 5, 6, 7.
Đơn cử, ngày 6/5/2023, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần và ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới gần 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Với những khó khăn trên, EVN dự báo việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 - 4.900 MW.
Tăng cường thực hành tiết kiệm điện
Trước thực tế đó, EVN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn bằng các giải pháp cụ thể.
Đó là, đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR):
Trong đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ.
Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ.
Các đơn vị chiếu sáng công cộng (CSCC) áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so với cùng kỳ.
Các khách hàng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, cần thực hiện các chương trình DR tự nguyện
Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm, tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
Còn các khách hàng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, cần thực hiện các chương trình DR tự nguyện theo Thông tư số 23 (ngày 16/11/2017) của Bộ Công thương, khi có thông báo của đơn vị điện lực.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi trang https://sudungdien.evn.com.vn/ để cập nhật thông tin về tình hình tiêu thụ điện hàng tháng của các cơ quan hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để điều hành việc tiết kiệm điện trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020. Có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực xây dựng kế hoạch và thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện trên địa bàn theo Điều 5 và Điều 6 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công thương về quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Tại văn bản này, EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cấp bách để khắc phục các khó khăn về cung cấp điện, không chỉ với mùa nắng nóng năm 2023 mà còn đối với những năm tới đây.
Trước đó, vào ngày 28/4/2023, EVN cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương về tình hình nguy cấp về cung ứng điện, trong đó có nêu trường hợp các tình huống cực đoan, những ngày nắng nóng kéo dài, mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu,…thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận