Nguy cơ đóng cửa toàn bộ trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, các tháng cuối năm 2024, số phương tiện đến chu kỳ kiểm định rất lớn. Khi bản án của các đăng kiểm viên có hiệu lực, tình trạng thiếu đăng kiểm viên là hiện hữu.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện toàn quốc có 276/297 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đang hoạt động với 455/550 dây chuyền kiểm định; hơn 2.000 đăng kiểm viên (bao gồm hơn 900 đăng kiểm viên đã bị khởi tố, tương đương 44,7%).
Tính riêng tại Hà Nội, có 223 đăng kiểm viên đang làm việc với 119 đăng kiểm viên đã bị khởi tố (chiếm 53,3%).
Tại TP.HCM, có 158 đăng kiểm viên đang làm việc với 55 đăng kiểm viên đã bị khởi tố vẫn tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định (chiếm 35%).
Trong 2 năm 2023, 2024, Cục Đăng kiểm VN đã thực hiện cấp mới chứng chỉ cho 437 đăng kiểm viên thường và 290 đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, số lượng đăng kiểm viên bậc cao vẫn đang thiếu nghiêm trọng.
Nếu như năm 2023, Cục Đăng kiểm thực hiện cấp mới được 279 chứng chỉ đăng kiểm viên bậc cao thì 7 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 11 người.
Như vậy, so với số lượng đăng kiểm viên bị khởi tố và nghỉ việc, nhân lực đăng kiểm viên bổ sung mới vẫn chưa bù đắp được.
Theo ông Phương, sau khi các vụ án đăng kiểm ở các tỉnh/thành trên cả nước xét xử xong, các bản án có hiệu lực pháp luật, dự báo từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2024, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm là chắc chắn xảy ra.
Để giải quyết vấn đề trên, giải pháp tiên quyết, theo ông Phương, là sửa Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo hướng tạm thời không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Không cấm hành nghề và không tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng đối với các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ.
Như vậy, sẽ ngăn tình trạng các TTĐK phải tạm dừng hoạt động đồng loạt trong 3 tháng cũng như tạo điều kiện cho các đăng kiểm viên được hưởng án treo có cơ hội hỗ trợ các TTĐK, tiếp tục tham gia kiểm định xe.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM trình bày, trong đại án đăng kiểm đang được TAND TP.HCM xét xử, có 13/19 TTĐK trên địa bàn có liên quan.
Sáu TTĐK còn lại sẽ được TAND các quận, huyện đưa ra xét xử sau khi vụ đại án đăng kiểm xét xử xong.
Hiện, 97 đăng kiểm viên bị khởi tố, được tại ngoại trong vụ đại án vẫn đang hỗ trợ 13 TTĐK duy trì hoạt động.
Trong 35 người được Viện kiểm sát nhân dân đề nghị cho hưởng án treo tại vụ án chỉ có 5 người là đăng kiểm viên (2 đăng kiểm viên bậc cao và 3 đăng kiểm viên thường).
Do đó, nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 không được thông qua, tại TP.HCM sẽ không còn TTĐK nào còn hoạt động, trong ít nhất 3 tháng.
"Bức tranh đăng kiểm này, tôi không dám hình dung, nếu xảy ra sẽ vượt khỏi tầm của cơ quan quản lý", ông Bùi Hòa An chia sẻ.
Phía Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 29 TTĐK hoạt động với 53 dây chuyền, đáp ứng hơn 76.000 phương tiện kiểm định mỗi tháng.
Sắp tới nguy cơ chỉ còn 2 TTĐK hoạt động. Điều này sẽ khiến hoạt động đăng kiểm tại Hà Nội gặp vô vàn khó khăn.
Từ đây, ông Long cũng kiến nghị các cơ quan liên quan ủng hộ để Bộ GTVT trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 nhằm tháo gỡ tình trạng trên, tránh để xảy ra ùn tắc đăng kiểm.
Đại diện Cục CSGT, Cục Xe - Máy cho biết đã sẵn sàng các phương án hỗ trợ nhân lực cho các trung tâm đăng kiểm khi cần.
Công an, quân đội sẵn sàng hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm
Một trong những giải pháp quan trọng được khẳng định tại hội nghị là nhờ sự hỗ trợ từ phía công an, quân đội giống như giai đoạn đầu năm 2023.
Đại tá Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng Phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, lực lượng đăng kiểm viên công an sẵn sàng hỗ trợ Cục Đăng kiểm VN, các Sở GTVT và các TTĐK khi cần.
Nếu như giai đoạn trước chỉ có hơn 2 ngày huy động lực lượng hỗ trợ các TTĐK thì lần này đã có sự chủ động hơn, thời gian chuẩn bị dài hơn nên không gặp vướng mắc trong sắp xếp nhân lực.
Phía Cục Xe – Máy, Bộ Quốc phòng, Đại tá Nguyễn Năng Thắng, Phó Cục trưởng Cục Xe – Máy cũng khẳng định đơn vị này đã lên phương án sẵn sàng hỗ trợ 60 đăng kiểm viên quân đội cho các TTĐK dân sự.
Ngoài ra, Cục Xe – Máy đã đầu tư mới 10 dây chuyền kiểm định dân sự lưu động, do đó, trong trường hợp các TTĐK buộc phải đóng cửa nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 không được ban hành, Cục này cũng sẵn sàng hỗ trợ xe kiểm định lưu động đến các TTĐK để nâng cao năng lực kiểm định, hỗ trợ kiểm định cho người dân.
Tiến tới triển khai cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, Cục Đăng kiểm VN đang tích cực triển khai 5 nhóm vấn đề lớn trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới:
Tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm để phù hợp với quy định mới tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao hơn nữa, tiến tới khôi phục hội đồng khoa học nghiên cứu các bộ tài liệu hướng dẫn khoa học, thực tiễn, chất lượng.
Đồng thời, triển khai Đề án công nghệ thông tin, dự kiến từ nay đến năm 2026 sẽ nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác đăng kiểm, tiến tới xây dựng cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử, tích hợp trên ứng dụng VNEID tạo sự minh bạch, thuận tiện.
Cục này cũng sẽ tăng cường học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về công nghệ kiểm định để hoàn thiện hơn về quy trình đăng kiểm sao cho nhanh chóng, thuận lợi.
Đặc biệt tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đăng kiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận