Tình cảnh dân khiếu kiện, doanh nghiệp vạ lây
Liên quan đến việc bố trí ngân sách từ phần giảm 10.000 tỷ đồng từ dự án trọng điểm quốc gia cho một số dự án cấp bách về phòng chống thiên tai và GPMB, ông Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng bày tỏ quan điểm, Quốc hội cần đồng ý trích 4.069 tỷ đồng tiền GPMB để trả cho nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Sáng 29/5, trình Quốc hội kế hoạch phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng để trả nợ đền bù, GPMB dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Khoản tiền này được lấy từ nguồn 10.000 tỷ đồng giảm vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đề nghị này từng được Chính phủ đưa ra tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4 và 5.
“Trong cam kết của Chính phủ, toàn bộ phần vốn GPMB ngân sách Trung ương hỗ trợ. Nếu là ngân sách địa phương thì địa phương hoàn thành từ lâu rồi. Không phải chỉ Hải Phòng, các địa phương trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng này (bao gồm cả Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương) đều vướng tình trạng nghĩa vụ đền bù GPMB cho dân chưa làm xong, chưa hoàn thành”, ông Tùng nói và cho rằng, tại Hải Phòng, người dân liên tục kiến nghị.
Hàng trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án đều kiến nghị việc chưa hoàn thành nghĩa vụ GPMB cho dân, bao gồm cả các công trình phúc lợi, các tuyến đường dân sinh do ảnh hưởng của dự án, nên ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của người dân.
Không phải ngẫu nhiên Chính phủ tiếp tục kiến nghị bố trí vốn cho dự án này. Nếu không bố trí 4.000 tỷ đồng này trả nợ mà để làm việc khác thì đến bao giờ mới trả? Hôm nay chưa có phương án, lại báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lại đưa ra kỳ họp cuối năm.
“Tôi cho rằng, chúng ta phải có quan điểm linh hoạt. Thực tế, chính quyền địa phương đang phải xử lý khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Chúng tôi rất áp lực. Lãnh đạo TP Hải Phòng rất áp lực. Chúng ta hoàn thành dự án rồi. Tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác nhiều năm, nhưng nghĩa vụ với dân chưa xong, đương nhiên sẽ chịu áp lực về khiếu kiện. Điều đó sẽ dẫn đến mất ổn định an ninh trật tự ở địa phương, thậm chí có thể xảy ra khiếu kiện đông người”, ông Tùng lo ngại.
Liên quan đến phản bác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với khoản chi 4.000 tỷ này với lý do: “Có ý kiến cho rằng Chính phủ chưa báo cáo rõ việc phát sinh nghĩa vụ của ngân sách là do dự án thay đổi phương án tài chính, chưa làm rõ đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển VN đã được phê duyệt hay chưa và trong đề án có nội dung chi trả GPMB cho dự án này hay không”, ông Tùng nói: “Đây là có ý kiến chứ không phải là đa số ý kiến. Chúng ta cũng nên kiến nghị Chính phủ giải trình rõ thêm điều này. Kiến nghị của Chính phủ cũng là theo các Nghị quyết của Quốc hội và theo chỉ đạo của Trung ương.
“Tôi kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ giải trình thêm, nếu kịp trong kỳ họp này thì nên bố trí. Nếu không thể bố trí đủ 100% thì cũng phải có tỷ lệ tương đối để bớt đi gánh nặng về GPMB cho địa phương. Cắt tất cả, tôi cho là không công bằng”, ông Tùng kiến nghị.
Về phía Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ĐB Nguyễn Hữu Quang cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết 70 nêu rõ nguyên tắc, tiêu chí chi khoản tiền 10.000 tỷ đồng này. Việc trả ngân sách hơn 4.000 tỷ cho dự án đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng được đưa vào. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã có ý kiến giao cho Đảng, đoàn Quốc hội cân đối.
Về vấn đề cân đối như thế nào, ông Quang cho hay, khi họp về vấn đề này, chúng tôi cũng nói rằng, Nhà nước cần nghiêm túc. Khi quyết định chủ trương đầu tư, Nhà nước quyết định toàn bộ việc GPMB Nhà nước sẽ chịu. Nhưng triển khai xong, tôi không nói Chính phủ “quỵt” nhưng lại chưa trả cho người ta.
“Có 10.000 tỷ mà trả cho nhà đầu tư (Vidifi) 4.060 tỷ cũng hơi quá. Nhưng tôi đồng ý về nguyên tắc, Chính phủ cần cân đối lại để trả tiền cho nhà đầu tư. Nhà nước nợ doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Như vậy là không công bằng. Nhà nước lớn như vậy mà lại đi “cù nhầy” với một ông doanh nghiệp thì không nên”, ĐB Quang bày tỏ.
Lo ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư với cao tốc Bắc - Nam
Ủng hộ quan điểm phải trả nhanh, trả dứt điểm tiền cho nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc cắt 4.000 tỷ trong số 10.000 tỷ để trả cho nhà đầu tư là hoàn toàn cần thiết và chính đáng.
Tiền của Nhà nước là tiền của dân, tiền thuế “xương máu” thì nên đầu tư vào những hạng mục dự án mang tính chất chung cho đất nước. Tôi đặc biệt quan tâm việc đầu tư cho các công trình giao thông. Giao thông là huyết mạch của quốc gia, máu chảy đến đâu, tế bào kinh tế phát triển đến đó. Chúng ta làm một con đường, làm một bến cảng, sân bay thì việc tập trung điều chỉnh vốn vào đó là hoàn toàn đúng. Tôi ủng hộ việc đầu tư hơn 4.000 tỷ từ khoản 10.000 tỷ cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
“Nếu nợ nhà đầu tư mãi không trả sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của những nhà đầu tư sau này. Nên nhớ, chúng ta cũng đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Nhưỡng nói và cho biết thêm: “Nhà đầu tư đâu có ngần đấy tiền đâu. Họ cũng phải đi vay ngân hàng. Điều này có nghĩa là nếu Nhà nước chậm trả tiền cho nhà đầu tư, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng”.
“Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Nếu không giải quyết xong khoản nợ này cho nhà đầu tư, lại tăng thêm nợ xấu hơn 4.000 tỷ này, gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng”, ĐB Nhưỡng phân tích.
Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ: “Nếu Nhà nước chậm trả doanh nghiệp sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ cho nhà đầu tư. Phương án tài chính bị ảnh hưởng, phát sinh nợ và phát sinh lãi trên nợ. Nhà đầu tư sẽ không trả được nợ cho các định chế tài chính, uy tín của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Nhìn rộng ra, sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đang kêu gọi đầu tư cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
“Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tổng mức đầu tư khoảng 42 nghìn tỷ, Chính phủ cam kết hỗ trợ 4.069 tỷ GPMB từ năm 2007. Khi đó, ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nên Chính phủ đã đồng ý để nhà đầu tư đi vay và ứng trước. Chính phủ đã cam kết, Chính phủ phải trả để các nhà đầu tư khác nhìn vào và tin tưởng rằng Chính phủ đã cam kết là sẽ được đảm bảo. Chưa kể còn để các định chế tài chính, ngân hàng phía sau nhìn vào đó để tiếp tục yên tâm cho các nhà đầu tư khác vay”, ông Sinh phân tích.
Liên quan đến việc Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra việc bố trí vốn này bày tỏ không đồng tình với đề xuất trích hơn 4.000 tỷ để trả cho nhà đầu tư, ông Sinh nói: “Thẩm tra là việc của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Vấn đề này còn phải ra Quốc hội, còn ý kiến của đại biểu Quốc hội nữa. “485 đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về việc này. Quan điểm của tôi là nên giải quyết và hơn nữa là giải quyết dứt điểm”, ĐB thường trực Ủy ban Kinh tế cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận