Khắc phục bất cập trước khi cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hoàn thành
Bàn về giải pháp khắc phục các bất cập trong áp dụng đơn giá, định mức tại tọa đàm: "Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông" do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (6/12), ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Định An cho rằng: Việc khắc phục đơn giá định mức không nhanh được nhưng cũng không thể quá lâu.
Theo ông Quang, việc khắc phục các bất cập có thể hoàn thành trước khi hoàn thành cao tốc giai đoạn 2.
Hiện nay, cao tốc giai đoạn 1 có bầu ra 20 nhà thầu lớn với 7 đơn vị thường trực. Giai đoạn 1 chúng tôi đã làm rất chi tiết, photo các chứng từ, lập bảng so sánh giữa hồ sơ thầu, định mức thực tế đang áp dụng và định mức phải làm thừa thiếu gì. Chúng tôi có đủ chuyên môn để thực hiện.
Các cơ quan chuyên môn ra hiện trường làm, đi theo thực tế nhà thầu thi công cũng sẽ có biên bản hiện trường rà soát.
"Chúng ta có đủ thời gian để làm đơn giá, định mức khi đi theo tiến trình cao tốc, khắc phục các vướng mắc còn tồn tại. Với 300 định mức đã được tính, ta có thể chia nhóm để làm", ông Quang nói và mong muốn thời gian tới, việc rà soát, điều chỉnh đơn giá định mức giao thông sẽ có sự đồng hành, phối hợp của các Bộ, ngành chức năng.
"Tôi cho rằng, ta bắt đầu làm từ giờ thì sẽ xong và có thể không quá 2 năm. Dựa trên các dự án đã triển khai, các số liệu đã có được ghi chép, báo cáo chính thức để rà soát, báo cáo lên Bộ GTVT và Chính phủ", ông Quang thẳng thắn chia sẻ.
Cho rằng đơn giá, định mức xây dựng công trình giao thông hiện nay đã nhận được sự quan tâm phối hợp rà soát, cập nhật của Bộ chuyên ngành, song, ông Phùng Tiến Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng thừa nhận, bộ định mức hiện nay còn thiếu.
"Đơn cử như định mức phun vỏ hầm giao thông trên 6 phân, sơn một vệt đường trong hầm gờ 60 ly chưa có. Định mức của đất đắp nền đường bằng đá, đào đá cấp 4 hiện cũng chưa có và là bất cập.
Về đường sắt, tất cả hệ thống thông tin tìm hiểu trên đường sắt hầu như cũng chưa đề cập trong Thông tư 12, trong quá trình thực hiện đang phải sử dụng định mức của Bộ Thông tin và truyền thông và chiếu theo Nghị định thì lại không đúng. Ở lĩnh vực hàng không cũng chưa có định mức khắt khe", ông Vinh dẫn chứng.
Cả chủ đầu tư và nhà thầu đều kêu khó
Đề cập đến đơn giá định mức xây dựng công trình hiện nay, điều khiến ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) trăn trở là định mức quản lý dự án ngành GTVT đang ở mức thấp dù có đặc thù trải dài theo tuyến.
"So sánh ra, định mức QLDA của ngành GTVT chỉ chiếm khoảng 81% của định mức của ngành xây dựng dân dụng và bằng 90% của ngành nông nghiệp.
Trong khi, các ngành đó chi phí QLDA tập trung, còn ngành giao thông trải dài. Bất cập này dẫn đến số liệu thực tế của công tác QLDA ngành giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế", ông Tuyên nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông Tuyên cho biết, theo tính toán, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có giá trị tổng mức đầu tư là 10.000 tỷ đồng, chi phí quản lý theo quyết định là 0,43% nhưng nhu cầu thực tế cần đến 0,81%.
Hay dự án cầu Mỹ Thuận 2, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ, hệ số là 0,8% so với chi phí đầu tư xây dựng, nhu cầu thực tế phải chi trả là 1,4%.
Với Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, thách thức lớn nhất với các nhà thầu hiện nay là phải dồn lực làm ngày, làm đêm đáp ứng tiến độ yêu cầu, kinh phí trả cho nhân công làm tăng giờ, làm đêm, làm ngày nghỉ phải tăng 200-300%. "Khó thay, những phát sinh này không thấy cơ quan nào bàn đến và chúng tôi lấy nguồn ở đâu để bù vào", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh giãi bày.
Cùng nỗi lo về nguồn lực để chi trả để giữ chân nguồn lao động chất lượng hiện nay, theo ông Đỗ Đức Long, Phó TGĐ Công ty CP tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long, để làm được giai đoạn 1, kỹ sư cần phải có chứng chỉ hạng 1 đồng nghĩa cần 8-10 kinh nghiệm.
"Nhưng ở nhiều vị trí, lương được trả thời điểm hiện tại chỉ khoảng 8 triệu đồng. Đơn vị đang nỗ lực tìm cách để theo kịp mức lương hiện tại nhằm thu hút nguồn lao động", ông Long nói và cho biết, thực tế, tỷ lệ đơn vị tư vấn nhận được trong một số dự án cao tốc còn quá thấp.
Với một số hợp đồng, đơn vị chỉ nhận tỉ lệ khoảng 0,55%. Hợp đồng 1.000 tỷ thì chỉ nhận về khoảng 5,5 tỷ trong khi thời gian thực hiện khoảng 2 năm, nhân sự khoảng 20 người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận