Xem - ăn - chơi

Nhạc sĩ Trần Tiến kể chuyện được công chúa Lào đặt tên

30/07/2016, 13:05

Sau chiến tranh biên giới: Trần Tiến kể chuyện công chúa Lào đặt tên, Phan Anh bật khóc trước cựu chiến binh Vị Xuyên.

TRB_3503

Giai điệu tự hào Tháng 7 mang chủ đề Chiều biên giới

Giai điệu tự hào Tháng 7 mang chủ đề Chiều biên giới sẽ được phát sóng vào 20h10 ngày 30/7 trên kênh VTV1. Đây là một chương trình đặc biệt, tôn vinh và chia sẻ những ký ức hào hùng những bài ca đi qua năm tháng của lịch sử dân tộc với cấu trúc ba phần: Biên giới hùng vĩ – Tình người biên giới – Chắc tay súng biên cương.

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 7 - Chiều biên giới đã tái hiện lại những tác phẩm âm nhạc: Chiều biên giới (nghệ sĩ Hà Vy và Thục Hiền), Cô gái Sầm Nưa (Tùng Dương - Trần Tiến), Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara (Hoàng Dũng, Anh Duy, Huy Toàn), Tình ca mùa xuân (NSND Thái Bảo - Vũ Thắng Lợi), Hãy yên lòng mẹ ơi (Quang Hào), Gửi lại em (Ngọc Khuê và Bảo Trâm), Hát về anh (NS Thế Hiển).

Được biết, Hội đồng bình luận chương trình bao gồm: Nhạc sĩ Minh Quang, Nhạc sĩ Trần Tiến, Nhạc sĩ Thế Hiển, Nhạc sĩ – Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, NSND Thái Bảo, Đạo diễn - NSƯT Việt Hương, Nghệ sĩ Hà Vy (Đoàn văn công Nghệ thuật Biên phòng), Nghệ sĩ Thục Hiền (Đoàn Nghệ thuật quân khu 2), Nhà báo Phạm Thục (Báo SGGP), GSTS - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc.

Phan Anh bật khóc trước cựu chiến binh Vị Xuyên

Ê-kíp GĐTH cùng nhiều nghệ sĩ quay trở về nghĩa trang Vị Xuyên thăm những người chiến sĩ đã nằm xuống, và hát thêm một lần nữa cho đồng đội nghe.

Được biết, trong 5 năm chiến đấu bảo vệ biên giới (1984 - 1989), Hà Giang là nơi đương đầu với cuộc chiến ngay từ đầu cũng là nơi ra khỏi cuộc chiến muộn nhất, chịu nhiều tổn thất. 5 năm ấy, chúng ta đã có hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương.

Chỉ tính riêng mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ, nơi được xác nhận là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc. Đến nay, Vị Xuyên vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường và chưa quy tập được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang, hàng ngàn ha đồi núi đến nay vẫn còn vật liệu nổ.

DSC_1850 (1)

Phan Anh bật khóc trước cựu chiến binh Vị Xuyên

MC Phan Anh xúc động chia sẻ về với cựu chiến binh Vị Xuyên trong khán phòng, anh đã không giấu nổi xúc động của mình: “Có một thời gian rất dài, câu chuyện biên giới của cha anh ở đâu đó đã bị quên đi. Còn người trẻ như chúng em có những câu chuyện mình đã không được biết, không được tiếp cận.

Hôm nay, ngồi ở đây được gặp các bác, vì ba mẹ em cũng là bộ đội. Và khi nghĩ về những chiến công thầm lặng đó nó khiến cho em có rất nhiều cảm xúc. Tôi muốn nói một điều với chính bản thân mình: "Con xin được xin lỗi các cô các chú, những người đã hy sinh, có những chiến công rất thầm lặng. Và chúng con đã có đôi lúc quên đi cái điều đó. Và con hiểu cho đến bây giờ con không được phép quên, và những thế hệ sau sẽ không bao giờ quên, chúng con hứa điều đó”.

Trần Tiến được công chúa Lào đặt tên

Trước thời điểm 27/7, chia sẻ với ê-kíp GĐTH, nhạc sĩ Trần Tiến đã nói: “Biên giới chỉ là một cột mốc, một con suối, một nửa con sông hoặc chỉ đơn giản là một khúc gỗ ghi chữ Việt Nam. Đôi khi cũng chẳng có giá trị kinh tế, chính trị gì, nhưng nó là danh dự một giống nòi - như bất cứ một sinh vật nào tự khẳng định chỗ ở của mình bằng một tiếng hót, tiếng hú, tiếng sủa hay thậm chí chỉ là một mùi hương.

Đó là bản năng sinh tồn. Đó là sự yên ổn và phát triển. Còn tranh chấp, còn mãi bất ổn. Song chúng ta luôn phải lo lắng vấn đề này vì quá nhiều kẻ dòm ngó nước Việt. Vì bởi, họ thường cậy là nước lớn và giàu hơn, mạnh hơn đòi bắt nạt chúng ta. Tiếc thay cho họ, người Việt chẳng có gì ghê gớm, chỉ có tính bất khất là vĩ đại. Đừng đùa với người Việt”.

TRB_3745

Trần Tiến được công chúa Lào đặt tên

Nhạc sĩ kể về chuyện sáng tác bài hát Cô gái Sầm Nư: “Sang Lào, chúng tôi ở chiến trường C ở chân núi Phu Then trong một cái hang, rồi đi hát và biểu diễn khắp các chiến trường. Hồi đó, chúng tôi được xem là lính tình nguyện Lào. Gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cũng ở đó.

Tôi cứ đi ra đi vào thì gặp công chúa Lào, cô ấy hình như hơn tôi 2, 3 tuổi gì đó nhưng rất đẹp. Tôi viết bài "Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp". Cô ấy thích rồi xin phép cha đặt tên cho tôi bằng tiếng Lào là Xổm Bun. Nghe thì nó ghê ghê nhưng khi được biết tiếng Lào có nghĩa là "Người được hạnh phúc vĩnh viễn" thì tôi thấy thích thú”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.