Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã dành thời gian tiếp đoàn, Thứ trưởng Doko Shigeru bày tỏ vui mừng khi hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lĩnh vực xây dựng ngày càng phát triển, trong đó các công trình, dự án giao thông đang được triển khai sôi động. Công nghệ Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Riêng lĩnh vực cảng biển, hai bên đã có các hợp tác sâu rộng. Có thể kể đến việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng bộ tiêu chuẩn kĩ thuật cảng biển; các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư khai thác bến số 1, số 2 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng)…
Thứ trưởng Doko Shigeru cũng đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc tại các dự án giao thông có sử dụng vốn ODA Nhật Bản như tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên…
"Bộ MLIT mong muốn được tiếp tục hợp tác với Bộ GTVT Việt Nam, thúc đẩy hợp tác hai bên thiết thực, hiệu quả, không chỉ lĩnh vực cảng biển mà ở các lĩnh vực giao thông khác", Thứ trưởng Doko Shigeru bày tỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cảm ơn Bộ MLIT trong nhiều năm qua đã hợp tác, hỗ trợ Bộ GTVT nói riêng, Việt Nam nói chung trong xây dựng, phát triển. Bộ MLIT đã ghi dấu ấn tại các công trình giao thông trong phạm vi cả nước.
Về tiềm năng hợp tác hai bên lĩnh vực cảng biển, Thứ trưởng Sang cho biết, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều đột phá quan trọng.
Khu vực Hải Phòng sẽ tập trung phát triển các bến cảng đáp ứng đón tàu trọng tải hơn 200.000 tấn. Từ nay đến năm 2030, bắt đầu triển khai các bến ở khu vực Nam Đồ Sơn, cho phép đón tàu trọng tải đến 250.000 tấn. Đặc biệt, có được các bến đón tàu lớn tại cảng Lạch Huyện hiện nay là hợp tác quan trọng giữa Việt Nam - Nhật Bản, khi mà khai thông tuyến luồng Lạch Huyện với sự giúp đỡ của JICA.
Khu vực miền Trung, tại Đà Nẵng, đang quy hoạch và bắt đầu triển khai dịch chuyển toàn bộ bến ở cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu để đón các tàu trọng tải đến 150.000 tấn.
Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, đang quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư khu vực Cái Mép hạ lưu với tổng chiều dài bến lên đến 25km, đáp ứng nhu cầu đến sau năm 2030. Ngoài ra còn có cảng Cần Giờ, cảng Trần Đề… cũng được đưa vào quy hoạch, kêu gọi đầu tư.
"Chủ trương của Việt Nam và Bộ GTVT là Nhà nước chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng, còn lại các hạ tầng khác như bến cảng sẽ kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Đây là cơ hội, tiềm năng để các doanh nghiệp, hãng tàu Nhật Bản hợp tác, đầu tư", Thứ trưởng Sang nói.
Về các vướng mắc tại các dự án ODA Nhật Bản, Thứ trưởng cam kết, Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ MLIT để tháo gỡ, giải quyết sớm.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ MLIT, cũng như sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực GTVT Việt Nam trong thời gian tới. Với Bộ MLIT, Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn, công nghệ mà còn về nghiên cứu, đào tạo nhân lực…
Tại buổi làm việc, hai Thứ trưởng đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong xây dựng tiêu chuẩn hạ tầng cảng biển tại Việt Nam giữa Viện Khoa học & Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) và Cục Cảng biển, Bộ MLIT. Đây là Biên bản ghi nhớ quan trọng, nhằm tiếp tục những hỗ trợ của Bộ MLIT trong phát triển bộ tiêu chuẩn hạ tầng cảng biển cho Việt Nam từ năm 2010 tới nay.
Ông Trần Bảo Ngọc, Viện trưởng Viện Khoa học & Công nghệ GTVT cho biết, những năm qua, Viện Khoa học & Công nghệ GTVT đã phối hợp với Viện Quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng quốc gia Nhật Bản (NILIM), Cục Cảng biển Nhật Bản (PHB) xây dựng và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ban hành được 10 tiêu chuẩn kĩ thuật cảng biển. Các tiêu chuẩn kĩ thuật này đã đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển ở Việt Nam.
Để tiếp tục triển khai hoạt động xây dựng tiêu chuẩn kĩ thuật cảng biển đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam, Viện và PHB đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về biến đổi khí hậu và cắt giảm phát thải khí nhà kính cho tiêu chuẩn cảng biển. Hai bên thống nhất ký biên bản ghi nhớ, là cơ sở để triển khai hai nội dung này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận