Dù được công nhận là tuyến đường văn minh đô thị, tuy nhiên nhiều tuyến phố kiểu mẫu trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn tồn tại không ít bất cập, vi phạm làm xấu hình ảnh văn minh đô thị.
Hiện thực trái với “tên gọi kiểu mẫu”
Hàng loạt tuyến phố vừa được UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) công nhận là “kiểu mẫu”, “văn minh đô thị” như: Tôn Đức Thắng (phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam), Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam), Nguyễn Văn Cừ (phường Hòa Hiệp Bắc), đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Minh), đường Phạm Như Xương và Ngô Văn Sở (phường Hòa Khánh Nam)... Để được công nhận là tuyến đường “văn minh đô thị”, các tuyến đường này phải đạt 3 tiêu chí cơ bản: Văn minh đô thị, vệ sinh môi trường và trật tự đô thị, ATGT.
Tuy nhiên, những hình ảnh mà PV ghi nhận được dọc các tuyến phố này gần đây là sự ngổn ngang, nhếch nhác các biển hiệu quảng cáo; vỉa hè, lề đường bị xâm chiếm làm nơi buôn bán; vệ sinh môi trường không đảm bảo. Cụ thể, ghi nhận của PV trên các tuyến phố: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Cừ… vẫn còn phổ biến tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép làm nơi buôn bán hàng hóa; chiếm dụng lòng, lề đường làm nơi tập kết hàng hóa.
Tại các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô, chợ Hòa Mỹ… người dân thản nhiên xâm chiếm lòng, lề đường làm bãi giữ xe trái phép, bán hàng rong… gây mất trật tự ATGT, mỹ quan đô thị. Thậm chí, dù có quy định các thùng thu gom rác thải phải đặt trên vỉa hè đúng nơi quy định, nhưng trên các tuyến đường “kiểu mẫu”, thùng rác lại bỏ ngổn ngang dưới lòng, lề đường. Bảng hiệu quảng cáo được quy định trong phạm vi 100m phải cùng kích thước, màu sắc nhưng trên thực tế lại “muôn hình vạn trạng”. Đối với các nhà mặt đường có rèm bạt che chắn được quy định vươn rộng 1 - 1,2m nhưng trên thực tế lại “lồi ra, thụt vào” tạo nên hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn.
Điển hình tại số nhà 1, 3 (ngã tư đường Nguyễn Lương Bằng - Âu Cơ), cửa hàng buôn bán quần áo, sửa chữa xe máy xâm chiếm toàn bộ vỉa hè để hoạt động buôn bán, kinh doanh. Dù bạt, vật dụng đựng hàng hóa, xe đẩy “vây kín” vỉa hè không còn lối đi bộ. Tại số nhà 878 đường Nguyễn Lương Bằng, cửa hàng xe máy của Công ty Tân Hưng Yên chiếm dụng toàn bộ khu vực vỉa hè để trưng bày, buôn bán mô tô, xe máy.
Không những vậy, lòng, lề đường trước cửa hàng cũng bị xâm chiếm làm nơi tập kết, vận chuyển hàng gây cản trở giao thông. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại nút giao nhau giữa đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Sinh Sắc cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Như tại vị trí số nhà 555 Tôn Đức Thắng, toàn bộ chiều dài vỉa hè khoảng 20 - 30m bị chiếm dụng làm bãi giữ xe máy. Khu vực chờ đèn đỏ, lối đi trên vỉa hè để qua đường gần như bị “phong tỏa” toàn bộ, cản trở người đi bộ.
Lực lượng chức năng thiếu quyết liệt
Là một trong những phường được đánh giá có nhiều cách làm quyết liệt xây dựng tuyến đường “văn minh đô thị”, theo ông Đặng Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), đây là một nhiệm vụ rất gian nan. Theo ông Nhật, không riêng gì ở các tuyến đường “kiểu mẫu”, trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc có hơn 20 tuyến đường (trên tổng cộng khoảng 200 tuyến đường) có hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất, mật độ giao thông lớn.
Gọi là tuyến đường “văn minh đô thị” đảm bảo vệ sinh môi trường và trật tự đô thị, ATGT nhưng hiện còn khá ngổn ngang, nhếch nhác. Thực tế, cũng không có tiêu chí nào đạt để công nhận các tuyến đường trên là văn minh đô thị.
Ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu
“Để đảm bảo trật tự giao thông đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, 100% hộ dân có mặt tiền trên các tuyến đường đã ký cam kết thực hiện. Tuy nhiên, dù đã ký cam kết, nhưng không phải người dân nào cũng nghiêm túc thực hiện”, ông Nhật bày tỏ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, sau gần 2 năm triển khai chủ trương xây dựng tuyến đường “văn minh đô thị”, đến nay, 6 tuyến đường chính trên địa bàn quận Liên Chiểu đã được công nhận là tuyến đường “văn minh đô thị”. Dù có bộ tiêu chí rõ ràng, nhưng theo ông Nhường, rất khó thực hiện đầy đủ.
Cũng theo ông Nhường, nguyên nhân xảy ra thực trạng “chủ trương hay, thực hiện nửa vời” như hiện nay là do ý thực chấp hành của người dân chưa tốt, trong khi đó, các lực lượng chức năng xử lý chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận