Chậm làm cảng Liên Chiểu sẽ khó hút hàng hóa
Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên TGĐ Công ty CP Cảng Đà Nẵng, người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hải cho rằng, cảng Tiên Sa (CDN) hiện hữu có những thuận về địa lý như: tương đối kín gió, có đê chắn sóng, cơ sở hạ tầng tốt, nhân lực chuyên nghiệp, sản lượng tăng hàng năm 10 - 20%, riêng container năm 2019 tăng 30% so với 2018. Sản lượng container 2019 khoảng 480.000 TEUs.
"Tuy nhiên, cảng Tiên sa có nhược điểm khó khắc phục là diện tích kho bãi trong cảng hẹp (khoảng 27ha). Đặc biệt, cảng nằm trong lòng thành phố, việc kết nối giao thông với các phương thức vận tải khác gặp nhiều trở ngại do đường dẫn vào cảng xung đột với giao thông đô thị. Với 2 yếu tố đó, trong tương lai, cảng Đà Nẵng không thuận tiện cho mục tiêu phát triển dịch vụ logistics quy mô lớn", ông Sia nói.
Đối với cảng Liên Chiểu, theo ông Sia, báo cáo tiền khả thi cho thấy, cảng Liên Chiểu có diện tích khoảng 220ha, trong đó, 70% dành cho kho bãi, công suất của 3 giai đoạn lên đến 2 triệu TEUs, hàng tổng hợp khoảng 5 triệu tấn.
"Việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu có những lợi thế mà các cảng khác không có được như: Mặt bằng để làm kho bãi đáp ứng yêu cầu của bến cảng container. Theo kinh nghiệm các cảng container trên thế giới, cứ 100.000 Teus, cần 5ha hạ tầng phục vụ, gồm: đường nội bộ, hậu cần kỹ thuật và kho bãi. Tức là, khi cảng Liên Chiểu đạt sản lượng đạt 2 triệu TEUs (theo thiết kế), diện tích kho bãi cần 80 - 100ha, khu vực Liên Chiểu đáp tốt yêu cầu này.
Cùng đó, vị trí cảng Liên Chiểu có kết nối giao thông thuận tiện với sân bay Đà Nẵng, nhà ga đường sắt, đường bộ Bắc - Nam và đường thủy nội địa... Lợi thế này sẽ giúp chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa được giảm thiểu đáng kế, các cảng đối thủ khó đáp ứng điều kiện này. Hơn nữa, chỉ có vị trí Liên Chiểu mới dễ dàng tiếp cận các thị trường hàng hóa tiềm năng tại các vùng như: Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan,... cho hàng hoá container", ông Sia phân tích.
Cũng theo ông Sia, qua khảo sát địa chất, luồng lạch khu vực xây dựng cảng Liên Chiểu có thể nạo vét đến -14m, xây cầu tàu mớn nước -16m, khả năng tiếp nhận tàu container đến 6.000 TEUs , tàu hàng tới 100.000 tấn.
Với việc hội tụ các yếu tố như: mớn nước sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây và khu vực Trung Trung Bộ, khả năng Cảng Liên Chiểu là cảng trung chuyển khu vực Đông Nam Á trong tương lai là rất lớn.
"Nếu chậm xây dựng cảng Liên Chiểu, các cảng láng giềng (đối thủ cạnh tranh) như: Singapore, Thái Lan,… sẽ đua nhau làm cảng để phát triển logistics. Lúc đó, cảng Đà Nẵng sẽ gặp khó khăn về thu hút hàng hoá", ông Sia nói.
Cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng
Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu đã được đưa vào Nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030. Thời gian qua, các cơ quan liên quan của Đà Nẵng đã tích cực làm việc với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để đưa dự án vào kế hoạch đầu tư giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.
Theo đề xuất của TP Đà Nẵng, dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khởi động (năm 2022), khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEUs, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn/năm có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng. Phần vốn đầu tư của Nhà nước dự kiến là 3.426 tỷ đồng (hợp phần A); phần vốn đầu tư của tư nhân dự kiến là 3.951 tỷ đồng (hợp phần B, hai bến khởi động).
Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics kiểu mẫu của miền Trung, là cửa ngõ giao thương của khu vực và thế giới và giải quyết được tình trạng quá tải của cảng Tiên Sa, giảm thiểu TNGT trên trục Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn.
Gần đây, thông tin với báo chí tại buổi họp báo quý 3/2019, ông Thái Ngọc Trung, PGĐ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, mới đây, đơn vị tư vấn Singapore đưa ra 2 phương án để thành phố lựa chọn trong nghiên cứu quy hoạch chung: làm cảng Liên Chiểu hoặc tập trung đầu tư phát triển cảng Tiên Sa thay vì làm cảng mới.
"Theo tư vấn Singapore, nếu làm cảng Liên Chiểu, diện tích cảng phần lớn là lấn biển, ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan từ khu vực Nam Ô đến làng Vân. Khi cảng Liên Chiểu phát triển lên, phải tạo luồng cho các loại tàu thuyền đi vào, nguy cơ gây ô nhiễm vịnh Đà Nẵng", ông Trung cho hay.
Tìm hiểu cụ thể hơn, được biết, đơn vị tư vấn Singapore đã đề xuất không xây cảng Liên Chiểu vì có nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng bởi hai luồng tàu ra - vào cảng, ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh.
Cũng theo đơn vị này, việc hình thành cùng lúc hai cảng: Tiên Sa và Liên Chiểu tại Đà Nẵng là không cần thiết bởi nền tảng về công nghiệp sản xuất của Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận hiện rất mỏng. Mặt khác, Huế, Quảng Nam cũng có cảng biển riêng nên khách hàng có có tiếp tục sử dụng cảng Đà Nẵng để vận chuyển hàng hóa hay không cũng là điều cần cân nhắc.
Trường hợp Đà Nẵng tiếp tục nâng cấp mở rộng cảng Tiên Sa, theo đơn vị tư vấn, giao thông đường bộ sẽ không sử dụng đường Ngô Quyền để ra vào - cảng Tiên Sa mà sẽ kết nối giao thông cảng vào đường cao tốc và tuyến đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa (quận Hải Châu) nối vào đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê).
Về vấn đề phục vụ tàu du lịch tại cảng Tiên Sa, tư vấn đề nghị phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến cồn Mân Quang là bến tàu du lịch và sử dụng cầu Thuận Phước, đường Nguyễn Tất Thành để lưu thông du lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận