Tại buổi tọa đàm “Hàng gian, hàng giả thách thức của sự phát triển bền vững” do Tạp chí Người Làm Báo phối hợp với Công ty Truyền thông Kim tổ chức, ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN cho biết: “Nhiều DN thương hiệu Việt Nam có sản phẩm bị làm nhái nhưng ngại công khai trước truyền thông vì phí đi kiểm định hàng thật-hàng giả rất cao, không phải DN nào cũng đủ khả năng tài chính. Nếu công bố họ sợ doanh thu bán hàng bị giảm xuống”.
Trong khi đó, đại diện nhiều DN cho rằng, người dân đang mất lòng tin vào các sản phẩm bày bán trên thị trường. Họ không biết đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng khi mà cùng với mẫu bao bì sản xuất giống hệt nhau. Chỉ có người bán (người sản xuất) mới phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, nhưng họ lại ngại đấu tranh với hàng nhái, hàng giả.
Theo Cục Quản lý thị trường, năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 16.826 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, trị giá hàng vi phạm 191,7 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện tăng 4.115 vụ, tăng 32,4%.
Cũng trong năm 2014, doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của TP Hồ Chí Minh đạt 655.365 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2013. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, những vụ hàng gian, hàng giả, hàng chiếm dụng quyền sở hữu công nghiệp trái phép đã bị bắt giữ trong năm qua đem so với tình hình thực tế đang diễn ra ngoài thị trường thì các con số này là rất nhỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận