Kỳ nghỉ 30/4, 1/5 kéo dài; nhu cầu du lịch, lưu trú, ăn uống tăng, có thể kéo giá nhóm hàng này tăng theo. Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 4 đạt 350.542 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,54% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, du lịch, ăn uống, lưu trú (tăng trên 12%).
Vụ Thị trường trong nước cũng chỉ rõ, trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến nay là gần 1.400.000 tỷ đồng (tăng 9,85% so với cùng kỳ năm 2017) thì đáng lưu ý nhất là nhóm du lịch có mức tăng mạnh 26,1%; trong khi các nhóm khác chỉ tăng 3- 12%.
Theo phân tích của Vụ Thị trường trong nước, nhóm du lịch có mức tăng mạnh là do kinh tế phục hồi, nhu cầu cho các dịch vụ này tăng, cùng với sự gia tăng của các tour du lịch nước ngoài vào Việt Nam.
Ngoài du lịch, một nhóm hàng tăng mạnh là thịt lợn. Giá mặt hàng thịt lợn hiện đã ở mức cao (40.000 đồng/kg lợn hơi) do bài học từ đợt khủng hoảng thừa năm trước nên quy mô chăn nuôi giảm mạnh cùng với hoạt độnh xuất khẩu qua biên giới Tây Nam làm tăng giá lợn.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện quy mô chăn nuôi của Trung Quốc (thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam) năm nay tăng, giá tương đối thấp nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tương đối ít. Do đó, Bộ Công thương khuyến cáo cũng các địa phương theo dõi sát hoạt động chăn nuôi và giám sát việc tăng quy mô đàn, tránh tình trạng dư cung mà giá giảm mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận