Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, đơn vị này nhận được nhiều phản ánh từ khách hàng về việc bị dụ dỗ, tư vấn chuyển khoản để mua cổ phiếu, nhưng mất tiền ngay sau khi chuyển tiền cho đối tượng.
MBS lưu ý: Thông thường thủ đoạn lừa đảo sẽ được thực hiện qua 03 bước gồm: giả mạo thương hiệu MBS; lôi kéo nạn nhân đầu tư trên ứng dụng (App) giả mạo; nạn nhân sập bẫy và bị chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo MBS, để tăng tính thuyết phục, nhận được sự tin tưởng từ nạn nhân, đối tượng mạo danh thường sử dụng trái phép nhiều thông tin của MBS nhằm phục vụ mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Như là như mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên tư vấn chứng khoán của MBS để gọi điện giới thiệu, mời chào khách hàng tham gia các nhóm Zalo/ Telegram và tham khảo "tư vấn" từ các chuyên gia hàng đầu của MBS.
Thậm chí, các đối tượng này còn sử dụng các thông tin địa chỉ trụ sở, chi nhánh MBS; tên, vị trí chức danh của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao MBS để thuyết phục, gia tăng sự tin tưởng với khách hàng; Tinh vi hơn, chúng lập nhiều nick "ảo" sử dụng hình ảnh, tên tuổi, kinh nghiệm làm việc, tiểu sử của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao MBS để xưng "chuyên gia tư vấn" và đưa ra các khuyến nghị cho nạn nhân.
"Đây là các thông tin kẻ gian thu thập trên các bài báo phỏng vấn hoặc sự kiện của MBS hoặc trên website, fanpage chính thống của MBS, sau đó sử dụng trái phép nhằm mục đích lừa đảo nạn nhân. Các "thầy", "chuyên gia" giả mạo này sau đó nhắn tin (inbox) riêng cho nạn nhân để thuyết phục tham gia đầu tư chứng khoán hoặc đầu tư khác", MBS nêu.
Để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, MBS khuyến cáo khách hàng nên cảnh giác với các cuộc gọi từ đầu số điện thoại lạ; Luôn luôn bảo mật các thông tin cá nhân như: CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, mật khẩu, mã OTP, số điện thoại cá nhân.
"Khách hàng tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mã OTP, mã PIN cho bất cứ cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức nào qua website, email, số điện thoại. Không chuyển tiền đến các tài khoản cá nhân tự xưng là nhân viên công ty, tổ chức chứng khoán khi chưa xác định được chính xác các thông tin. Không truy cập, quét mã QR tại các đường link liên kết trong SMS/ Messenger/Zalo hoặc ứng dụng lạ, không rõ nguồn gốc để phòng tránh các hình thức lừa đảo", Công ty Chứng khoán MB khuyến cáo.
Chị T, một khách hàng có tài khoản 02600... của Công ty Chứng khoán MBS cho biết, chị thường xuyên nhận được nhiều cuộc điện thoại khác nhau, người gọi tự xưng là nhân viên công ty chứng khoán, trong đó có MBS mời tham gia đầu tư. Ngoài ra, tài khoản Zalo, Telegram của chị T. cũng bị add vào hết nhóm đầu tư này đến nhóm đầu tư khác để được tư vấn, "phím" hàng.
"Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc điện thoại mời gọi đầu tư chứng khoán, có ngày thậm chí 3-4 cuộc, bất kể giờ giấc, rất phiền phức, không rõ cuộc gọi nào là của nhân viên công ty chứng khoán MBS "thật", cuộc gọi nào là của đối tượng lừa đảo . Sự việc kéo dài vài năm rồi, nay mới thấy MBS khuyến cáo.
Tôi cũng rất lo lắng về công tác bảo mật thông tin khách hàng của MBS, băn khoăn không hiểu vì sao số điện thoại và tài khoản trên các nền tảng khác của tôi lại bị lọt, lộ cho các nhóm đối tượng này. Đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng, an toàn cho khách hàng của công ty chứng khoán", chị T nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận