36% người cao tuổi sẵn sàng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Theo Tổng cục Thống Kê, tỷ lệ người cao tuổi sống một mình đang tăng lên theo thời gian, từ 9,68% năm 2009 lên 13,74% vào năm 2019. Tỷ lệ người cao tuổi chỉ sống với vợ/chồng cũng tăng lên, từ 8,69% năm 2009 lên 14,09% năm 2019. Số lượng người cao tuổi phải đối mặt với các khó khăn trong hoạt động hàng ngày cũng như các khuyết tật về nhìn, nghe, vận động, nhớ hoặc tập trung và giao tiếp cũng tăng cao đáng kể.
Cùng với đó, định kiến về nhà dưỡng lão cũng đã dần thay đổi. Theo khảo sát Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổng cục Thống kê Việt Nam, khoảng 36% người cao tuổi cho biết họ và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Gần đây, nhiều ông lớn bất động sản đã mở rộng đầu tư, đón đầu nguồn khách này. Vingroup mới đây ký kết thỏa thuận hợp tác với Well Group (Nhật Bản), phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đẳng cấp quốc tế theo hai hình thức: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong ngày và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn (nhà dưỡng lão).
Sun Group cũng triển khai dự án Sun Urban City theo mô hình đô thị nghỉ dưỡng ngoại ô, trong đó có tích hợp khu dưỡng lão, bệnh viện chuyên biệt.
Hay Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) cũng đã việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, đề xuất đầu tư một số dự án trên địa bàn thành phố. Trong đó, Mikazuki có kế hoạch phối hợp với một bệnh viện của Nhật Bản để đầu tư thêm một khối nghỉ dưỡng tại khu vực bãi đỗ xe trong khuôn viên khách sạn Mikazuki đang hoạt động ở Đà Nẵng, kết hợp thêm chức năng tầm soát sức khỏe.
Không để bỏ hoang dự án
Thống kê hiện nay, cả nước có khoảng trên 400 viện dưỡng lão, với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư. Song, chưa đáp ứng được nhu cầu bởi tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con cháu đang ngày một giảm dần, ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Do đó, có nhiều đề xuất Nhà nước mở rộng chính sách thu hút đầu tư vào viện dưỡng lão. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động để giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp; khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp.
Đồng thời, Nhà nước khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính; cấp đất hoặc cho thuê đất dài hạn với giá ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà dưỡng lão; giảm hoặc miễn các khoản phí liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án xây dựng nhà dưỡng lão.
Đặc biệt, Nhà nước xây dựng quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch về tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động của nhà dưỡng lão, cho phép các doanh nghiệp tư nhân khai thác, vận hành các cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập sẵn có.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng Nhà nước cần kiểm soát hoạt động đầu tư để các dự án thực hiện đúng quy hoạch, tiến độ, đưa đất vào sử dụng hiệu quả. Không để tình trạng "ôm" đất bỏ hoang, bỏ rơi hạ tầng cơ sở, thậm chí trục lợi chính sách ưu đãi đầu tư.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già". Sự thay đổi nhân khẩu học này không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận