Đường bộ

Nhiều vướng mắc khiến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khó bứt tốc

13/03/2023, 12:10

Hơn 2 tháng từ ngày khởi công, vướng mắc mặt bằng, vật liệu khiến công tác tổ chức thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn chưa được như kỳ vọng.

Thời tiết mưa nhiều, mặt bằng xôi đỗ

Thông tin về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện Ban điều hành thuộc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, ngay sau khởi công, nhà thầu tập trung thực hiện các công tác chuẩn bị: Xây dựng khu nhà điều hành, nơi ăn ở cho cán bộ công nhân, văn phòng cho tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án, phòng thí nghiệm chất lượng, huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công khi được bàn giao mặt bằng.

img

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả (thứ hai từ phải qua) làm việc với các đơn vị liên quan

Tính đến nay, nhà thầu đã triển khai 14/20 mũi thi công với 400 nhân sự, hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục đường găng như: Hầm số 1, số 2 và số 3; cầu sông Vệ; cầu TL624, các nút giao và một số đoạn cần xử lý đất yếu.

“Sau ngày khởi công thời tiết mưa nhiều, song, Ban điều hành dự án đã tổ chức thi công cào bóc hữu cơ toàn tuyến, tạo đường ranh giới, phạm vi thi công ngay sau nhận bàn giao mặt bằng từ địa phương.

Tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, liên danh nhà thầu đã tiên phong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nâng cao quản lý dự án thông qua việc sử dụng các thiết bị LiDAR và 3D-Laser Scanning, kết hợp mô hình BIM trên điện toán đám mây.

Các công nghệ này sẽ số hóa hiện trạng dự án, lập mô hình 3D, hỗ trợ đơn vị thi công kiểm tra tính đúng đắn bản vẽ đã thiết kế, tính khối lượng đào đắp, giám sát khối lượng thực tế thuê bên nhà thầu, xem trực quan công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá trực quan toàn cảnh dự án sau từng giai đoạn thi công, kiểm soát chuyển vị của công trình...

Đồng thời để kiểm soát thi công trên toàn tuyến, liên danh nhà thầu đang triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát dọc tuyến.

Công tác trình duyệt các hồ sơ nội nghiệp như: Thiết kế bản vẽ thi công, tiến độ thi công tổng thể, kế hoạch huy động thiết bị máy móc, nhân sự và biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường,… cũng được tiến hành đồng thời đảm bảo đầy đủ các điều kiện thi công hiện trường theo quy định”, đại diện Ban điều hành dự án thông tin.

Riêng về vấn đề mặt bằng, theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, với sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, mặt bằng đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi đã được địa phương bàn giao gần 51/60,3km đạt 84,4%.

Tuy nhiên, một số vị trí còn tình trạng “xôi đỗ”, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38,88km, hơn 4km đã có mặt bằng nhưng chưa thể thi công bởi nhiều nguyên nhân như: Chưa có đường tiếp cận; Một số vị trí vướng nhà dân tái định cư chưa di dời; Một số đoạn tuyến khác đã được đền bù xong nhưng người dân mong muốn khai thác xong nông sản mới bàn giao…

“Riêng một số vị trí đường găng tiến độ như: Cầu sông Vệ, cửa Bắc hầm 1, hầm 2, hầm 3… dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng để đảm bảo tiến độ, nhà thầu đã chủ động huy động máy móc thiết bị đến công trường và đàm phán thuê đất của người dân để tiếp cận công trường, triển khai thi công dự án nhằm đáp ứng tiến độ”, ông Nguyễn Quang Huy, Phó TGĐ Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, đồng thời, kiến nghị UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện khẩn trương bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu, ưu tiên bàn giao mặt bằng các vị trí đường găng tiến độ trước 30/3/2023 và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho nhà thầu trước 30/6/2023 theo yêu cầu.

img

Thời gian qua, nhà thầu đã nỗ lực huy động máy móc, thiết bị vào hiện trường, song, việc tổ chức thi công vẫn chưa được như kỳ vọng bởi vướng mắc mặt bằng - Ảnh minh họa

Chậm thủ tục cấp mỏ do địa phương vừa làm, vừa chờ

Đề cập đến vấn đề vật liệu thi công dự án, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, đối với các vật tư, vật liệu như: Sắt, thép, xi măng, nhựa đường... nhà thầu đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để ký hợp đồng thương mại, bình ổn giá. Nhà thầu cũng đồng thời triển khai đầu tư các trạm nghiền trên cơ sở tận dụng đá đào hầm để làm vật liệu phục vụ thi công dự án. Hiện, nhà thầu đã thuê mặt bằng, tổ chức san ủi và xây dựng, lắp đặt trạm sản xuất vật liệu.

Riêng với 12,6 triệu m3 đất đắp, khoảng 1,3 triệu m3 cát xây dựng phục vụ thi công toàn tuyến, nhà thầu đã chủ động thực hiện công tác khảo sát và trình hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác mỏ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu thi công dự án.

Mặc dù vậy, quá trình thực hiện, một số vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, đối với các mỏ đất đã được quy hoạch giao cho nhà thầu thi công dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) đã hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác. Tuy nhiên, hướng dẫn lại chưa cụ thể dẫn tới các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai, chưa thể rút ngắn thời gian, thủ tục hồ sơ theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ.

Các địa phương cũng vừa làm, vừa chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ TN-MT theo chỉ đạo tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 19/2/2023 của Chính phủ.

“Khó khăn hơn nữa khi nhà thầu phải tự thỏa thuận đơn giá mặt bằng mỏ vật liệu với người dân dẫn đến tình trạng bị ép giá, khiến đơn giá khai thác đất tại mỏ cao hơn nhiều so với đơn giá tính trong dự toán.

Nhằm đáp ứng khối lượng vật liệu thi công dự án, nhà thầu đã khảo sát các mỏ đất thương mại để phục vụ thi công giai đoạn đầu, nhưng đa số các mỏ trữ lượng ít, công suất khai thác thấp và đang cung cấp cho các dự án của tỉnh, khả năng cung cấp cho dự án bị hạn chế”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay.

Một vướng mắc khác cũng được nhà thầu đề cập là tình trạng hệ thống mốc mạng bị sai số lớn, vượt quá sai số cho phép, không đảm bảo để thi công nên giai đoạn ban đầu nhà thầu chỉ triển khai được công tác đào vét hữu cơ. Các công tác liên quan đến công trình cầu, cống, hầm... cần độ chính xác cao phải chờ sự thống nhất số liệu giữa Ban QLDA, Tư vấn thiết kế kỹ thuật và nhà thầu thì mới có đủ cơ sở triển khai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.