Nhan nhản clip ăn tươi nuốt sống trên mạng
Bắt đầu xuất hiện phổ biến tại Hàn Quốc từ năm 2010, mukbang trở thành trào lưu nở rộ trên mạng xã hội khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Từ mukbang xuất phát từ hai từ tiếng Hàn là muk-ja (ăn) và bang-song (phát sóng). Người tham gia sẽ ăn trực tiếp trước camera và tương tác với khán giả qua các nền tảng trực tuyến.
Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã bắt kịp xu hướng làm video ăn thực phẩm kỳ lạ, có số lượng lớn như: hải sản sống, thịt sống, đuông dừa… Đáng chú ý, các video này đều thu hút hàng triệu lượt xem.
Hình ảnh chụp từ một số video ăn uống của kênh TikTok "Tóc vàng hoe"
Điển hình như trên kênh TikTok có tên "Tóc vàng hoe" có hơn 1,6 triệu người theo dõi, thường xuyên đăng tải các video ăn uống thực phẩm tươi sống.
Từ mâm gỏi thịt bò, bạch tuộc sống cho đến 10 bộ óc heo, 20 quả trứng sống, tất cả đều được cô gái này ăn trong vòng 5-10 phút.
Khán giả có thể nghe rõ tiếng bốc, nhai, xì xụp, tiếng nuốt thức ăn của TikToker. Các video này hiện đều thu hút hàng triệu lượt xem trên nền tảng.
Trong một video, TikToker này còn cảnh báo khán giả: “Lưu ý không ăn quá nhiều vì dễ bị đầy bụng, tôi còn bị dị ứng do ăn 33 con đuông dừa trong thời gian ngắn”.
Video ăn thịt bò sống, bạch tuộc sống thu hút triệu lượt xem của chủ kênh "Spicy Kim"
Tương tự, kênh TikTok có tên "Spicy Kim" có hơn 2,5 triệu lượt theo dõi - cũng thường xuyên thực hiện các clip ăn mực, bò, trứng, tôm, cá... sống.
Điển hình,trong một video ăn bạch tuộc sống trộn ớt, chủ kênh TikTok này còn phải lưu ý mọi người cần nhai kỹ để tránh bị râu bạch tuộc bám vào vòm họng, gây nguy hiểm sức khỏe.
Ngoài 2 kênh TikTok nói trên, không khó để tìm ra các kênh đăng tải clip mukbang "ăn tươi nuốt sống". Từ khóa #mukbangdosong (tạm dịch: mukbang đồ sống) có đến hàng nghìn lượt nhắc đến trên TikTok.
Cùng với TikTok, các video này cũng được đăng tải lại trên nhiều nền tảng khác như YouTube, Facebook và thu hút hàng triệu lượt xem.
Bác sĩ cảnh báo hậu quả khó lường từ trào lưu "ăn tươi nuốt sống"
Trao đổi với Báo Giao thông, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia (Bộ Y tế) nhìn nhận, mukbang tồn tại những mặt tích cực như giảm căng thẳng, giúp tìm hiểu thêm về ẩm thực, tạo ra một cộng đồng trên mạng giúp những người ăn một mình cảm thấy không cô đơn.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia
Tuy nhiên về khía cạnh dinh dưỡng, bác sĩ Hưng cho rằng, mukbang là thói quen ăn uống không hề lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến người trẻ.
"Trong quá trình quay video, người tham gia mukbang có thể mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu của họ, gây lãng phí thực phẩm.
Người tham gia mukbang có thể ăn quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Với người xem, mukbang có thể khuyến khích họ ăn uống quá mức, gây hại đến sức khỏe.
Trào lưu này còn có thể ra một hình ảnh tiêu cực về cơ thể và ăn uống mukbang có thể tạo ra một hình ảnh tiêu cực về cơ thể và ăn uống, dẫn đến việc khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý của người xem", bác sĩ Hưng phân tích.
Vị bác sĩ khuyến cáo thêm: "Những người có vấn đề về tiêu hóa như mắc bệnh viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan, béo phì hoặc các vấn đề khác liên quan đường tiêu hóa tuyệt đối không tham gia trào lưu này.
Người mắc các bệnh tâm lý như rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề liên quan hành vi ăn uống nên tránh áp dụng trào lưu mukbang, để tránh tác động xấu đến sức khỏe tâm lý.
Đặc biệt với trẻ em đang trong phát triển cả về thể chất và tâm lý, việc xem mukbang thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ".
Nhãn hàng được, mất gì khi bắt tay với trào lưu mukbang?
Không phải ngẫu nhiên mukbang trở thành trào lưu và vẫn đang duy trì tại Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Bởi, mukbang không chỉ đơn giản là ăn và trò chuyện với mục đích giao lưu, mà người thực hiện video mukbang còn có cơ hội kiếm tiền bằng việc nhận quảng cáo, tiền tài trợ từ cách nhãn hàng,...
Tháng 9/2020, chủ kênh Hưng Vlog từng bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải clip ăn uống phản cảm
Theo khảo sát, trên kênh TikTok "Tóc vàng hoe" cứ 5 video mukbang đồ ăn tươi sống, có đến 4 video chủ kênh nhắc đến tên một sản phẩm đồ uống của các thương hiệu khác nhau như: Pepsi, trà gạo lứt Quê Việt, Cocacola...
Trên Thanh niên, chủ kênh TikTok "Spicy Kim" tiết lộ, có tháng thu nhập lên đến 100 triệu đồng. Nguồn thu này không chỉ từ TikTok mà còn ở công việc kinh doanh và tiền thù lao trên YouTube thông qua các video mukbang triệu view.
Chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn thừa nhận, khi trào lưu mukbang nở rộ, với biên độ tiếp cận người dung không giới hạn trên mạng xã hội, các thương hiệu liên tục tung ra các chiến dịch marketing kết hợp cùng mukbang influencer (người mukbang có ảnh hưởng).
Bà Hằng Nguyễn lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của Ad Week vào 2021, 49% người dùng TikTok đã mua hàng hóa hoặc dịch vụ của một công ty sau khi xem quảng cáo, khuyến mãi hoặc đánh giá trên ứng dụng.
"Tuy nhiên, nhãn hàng có thể gặp rủi ro khi chọn hợp tác với người có ảnh hưởng mà không tính toán, tìm hiểu rõ về phong cách sáng tạo nội dung hoặc không có điều khoản ràng buộc nội dung lành mạnh, văn minh.
Với những nội dung xấu, độc hoặc gây tranh cãi vì không phù hợp có thể dẫn đến hậu quả: hạ thấp giá trị công ty, gây mất niềm tin của cộng đồng với doanh nghiệp", vị chuyên gia nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận