Gần hai năm qua kể từ ngày khởi công gói thầu XL10 cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, “U Mai” và “U Quyên” là hai cái tên thân thương hàng trăm công nhân của nhà thầu Xuân Trường dành cho hai người phụ nữ phụ trách hậu cần tại lán trại. |
Đón PV vào lúc tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều nhưng U Quyên (57 tuổi, trú tại Nho Quan, Ninh Bình) vẫn nở nụ cười tươi rói. Cầm trên tay khay cơm đang chuẩn bị dở, U Quyên cho biết, thời gian “đầu quân” cho nhà thầu đến nay là 5 năm, 2 năm trong đó gắn bó với đại công trường cao tốc Bắc - Nam. |
Cách khu vực công trường 15 km, hàng ngày, U Quyên vẫn đều đặn di chuyển về nhà vào mỗi buổi chiều tối kết thúc ca làm việc. “Có cô Mai san sẻ, mình được về sớm. Nếu chỉ có một mình, U sẽ làm thông đến 23h”, U Quyên nói và cho biết, hàng ngày, 5h sẽ thức giấc, sau đó chạy ra mua đồ ăn cho công trường ở khu chợ gần nhà. “Mình là người bản địa, mua bán đồ ăn rẻ hơn, cùng là 20.000 đồng/suất nhưng có thể xoay xở được để anh em ăn được nhiều hơn, ngon hơn”, U Quyên chia sẻ. |
Cũng theo U Quyên, việc bố trí đồ ăn tại công trường được thay đổi liên tục. Một vài ngày trước ăn thịt, một vài ngày sau ăn cá. Để bữa cơm mình làm ra không nhàm chán, mỗi lúc công nhân ngồi ăn, U lại hỏi han xem bữa sau thích ăn gì thì làm cái đó trong khoảng tiền cho phép. |
Trung bình mỗi ngày, U Quyên sẽ cùng U Mai chuẩn bị khoảng 120 suất cơm bữa chính. Trong đó, khoảng 80 suất cơm trưa, 40 suất cơm chiều. “Với hai chị em, khối lượng công việc có hơi vất vả vì việc phục vụ cơm nước theo từng ca, giờ ăn thường vào các khung 10h, 11h, 15h30 - 16h, 19h, cả ngày thường chỉ tranh thủ nghỉ được 1 tiếng buổi trưa. Thế nhưng, mỗi lúc nhìn thấy mọi người đi về mệt, ăn miếng cơm ngon mình cũng thấy vui lòng”, U Quyên nói. |
Nhắc tới chuyện gia đình, U Quyên nhẹ nhàng tâm sự: Bố mẹ và chồng mất cả rồi. Giờ chỉ có U và hai thằng con trai. Đứa lớn mở cửa hàng sửa chữa xe máy ở nhà. Con trai thứ hai lái xe cho Xuân Trường. “Cũng chưa có thằng nào lấy vợ nên U cũng chưa vướng bận cháu chắt, vẫn toàn tâm toàn ý cho cao tốc được. Lương tháng không cao, chỉ được hơn 5 triệu nhưng có nhiều niềm vui nhỏ chẳng thể kể hết bằng lời”, miệng nhoẻn cười, U Quyên nói. |
“Bạn đồng hành” trong chuyện bếp núc tại khu lán Xuân Trường với U Quyên là U Mai (63 tuổi, quê ở Phú Thọ). Khác với “đồng nghiệp” của mình, U Mai mang dáng dấp vất vả, sương gió và khắc khổ hơn. |
“Đóng vai” thường trực tại công trường, công việc của U Mai hàng ngày là 5h sáng dậy nấu nước cho anh em công nhân pha mỳ ăn, dọn dẹp văn phòng và chuẩn bị 3 nồi nước đun sôi (2 nồi nấu cơm, 1 nồi nấu canh). |
“Công nhân ăn xong lại quay về nhà ăn dọn dẹp bát đũa. Khoảng 8h, U Quyên sẽ cho gạo vào nấu cơm, mình lại quay ra nhặt rau. Trong khoảng 2 tiếng, đến 10h phải đảm bảo xong cơm lên khay để công nhân làm ca 11h kịp giờ ăn. Tất bật xong cơm bữa chính cho ca làm cuối cùng (19h), 23h mọi người đi làm về, dù chẳng yêu cầu, song, U vẫn dậy cắm ấm nước để họ pha mỳ ăn đêm”, U Mai tâm sự. |
Cầm trên tay rổ rau tầm bóp vừa hái được gần khu lán trại, U Mai thổ lộ: “Biền biệt với công trường Bắc - Nam, mỗi năm chỉ về 1 - 2 lần. Xa nhà, xa con, xa gia đình, nhiều khi cũng buồn đến mất ngủ, song ở quê cứ bám vào mấy sào ruộng cũng chẳng được là bao, chăn bò, chăn bê cả năm cũng chỉ được hơn chục triệu/năm. Cái khó đó giúp U bền bỉ hơn với công trường”. |
Các món cơ bản: trứng, thịt, rau, dưa cà,… được U Mai và U Quyên chuẩn bị nhanh chóng trong khoảng hai tiếng đồng hồ. |
Việc tổ chức ăn uống tại lán trại cũng được “hai chị nuôi” sắp xếp linh hoạt. Đồ ăn sẽ được lên khay với những người làm ca về lẻ tẻ. |
Với những nhóm kỹ sư, công nhân đông hơn, U Mai và U Quyên sẽ dọn theo mâm để mọi người quây quần rôm rả sau những giờ làm việc mệt nhọc. |
Nhiều tháng qua, tại công trường hầm Trường Vinh nhắc nhiều đến sự xuất hiện của “chị nuôi” Lê Thị Vinh cùng chồng tham gia cống hiến làm hầm cao tốc. Bên căn bếp công trường, chia sẻ về sự “bén duyên” của hai vợ chồng với cao tốc Bắc - Nam, chị Vinh, người phụ nữ mang dáng vẻ “sương gió”, già dặn hơn cái tuổi 41 của mình cho biết, bản thân bắt đầu đến với hầm Trường Vinh từ tháng 10/2021. |
“Trước khi đến công trình, chồng đi lái máy thu nhập được 9 - 10 triệu đồng/tháng, tôi bán hàng ăn sáng đủ đồng ra đồng vào cho con cái ăn học và các vấn đề sinh hoạt của gia đình. Thế nhưng, từ tháng 4/2021, dịch Covid-19 ập tới, hàng ăn phải đóng cửa, thu nhập lái máy của chồng chưa được 3 triệu đồng/tháng. Đúng lúc ấy biết được tin Đèo Cả tuyển người làm công trình hầm, sẵn nghề hàng ăn mình xin vào làm cấp dưỡng, hai tháng sau đó (1/2022) rủ chồng cùng vào. Việc con cái lại nhờ ông bà nội đỡ đần”, chị Vinh kể. |
Tất bật cùng tổ cấp dưỡng phục vụ ăn uống cho cả trăm người nên dù nhà chỉ cách công trường có 2 km, cả tuần cũng chỉ xin chỉ huy công trường về thăm các con tranh thủ. "Môi trường này khó tránh khỏi áp lực nhưng mỗi ngày thức dậy hoặc đi trước giờ đi làm, hai vợ chồng ngồi với nhau ăn bữa cơm, mọi khó khăn đều tan biến và cũng tự hào khi được đóng góp một phần công sức vào công trình trọng điểm”, chị Vinh nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận