Xã hội

Những bài báo giúp chủ xe thoát cảnh vỡ nợ

20/06/2023, 06:19

Báo Giao thông đã trở thành cầu nối giúp hàng chục chủ xe, tài xế tại cửa khẩu phản ánh khó khăn, vướng mắc gặp phải tại cửa khẩu ở Lạng Sơn.

Lấy lý do hàng thối, hỏng do ách tắc cửa khẩu vì Covid-19, các chủ hàng giữ xe, giấy tờ của tài xế, chủ xe để trừ cước, đòi bồi thường hàng trăm triệu đồng.

Giữa lúc khó khăn nhất, họ phải cầu viện đến Báo Giao thông…

Từ cầu cứu của chủ xe

img

PV Báo Giao thông (bên phải) trong buổi phỏng vấn chủ xe bị giữ phương tiện, đòi tiền tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, nhiều khu vực tại cửa khẩu phải cách ly, phong tỏa, phương tiện vận chuyển nông sản xuất khẩu qua Lạng Sơn bị ùn ứ, ách tắc cục bộ khiến nhiều doanh nghiệp, nhà xe lâm vào cảnh thua lỗ.

Giữa tình cảnh trên, lấy lý do hàng thối, hỏng sau cả tháng vận chuyển, ách tắc, nhiều chủ hàng đã giữ xe, giấy tờ của tài xế để trừ cước, đòi nhà xe phải bồi thường hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử, trường hợp của anh Nguyễn Thanh Hồ (SN 1975, trú Biên Hòa, Đồng Nai) bị chủ hàng giữ 2 xe tại cửa khẩu để trừ tiền.

Giữa tháng 3/2022, anh có hợp đồng với vựa T.T., vận chuyển 2 xe xoài từ Sóc Trăng tới cửa khẩu Tân Thanh, thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn giao cho chủ hàng.

Hai chuyến hàng có tổng tiền cước là 230 triệu đồng, đã ứng trước 70 triệu đồng, còn 160 triệu đồng sẽ nhận khi hàng hóa đến Tân Thanh an toàn, không thiếu, hỏng. Sau 25 ngày vận chuyển, nằm chờ, ngày 12/4/2022, 2 container trên được đưa qua Trung Quốc giao hàng.

Đến ngày 3/5/2022, cả 2 container được trả về Việt Nam nhưng bị chủ hàng thông báo do hàng trên xe hỏng, chín, thối, bán lỗ, nhà xe phải nộp 150 triệu đồng/xe; đồng nghĩa mất gần như toàn bộ 160 triệu đồng tiền cước còn lại. Nếu không nộp tiền, chủ hàng giữ giấy tờ xe và container tại cửa khẩu.

Hơn 1 tháng bị giữ xe, anh Hồ đã nhiều lần liên hệ, thỏa thuận với chủ hàng nhưng đều không có kết quả nên gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Văn Lãng nhờ giải quyết. Sau đó, anh được cơ quan công an trả lại giấy tờ, đưa xe về quê nhưng riêng số tiền cước còn thiếu thì không được chủ hàng chi trả.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trên, PV Báo Giao thông đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Toàn bộ vụ việc sau đó đã được Báo Giao thông đăng tải trong bài viết: “Chủ xe xuất nông sản tự “mua dây buộc mình”, không chỉ phản ánh khách quan vụ việc, bài viết còn phân tích các tình tiết liên quan dưới góc nhìn pháp lý, theo nhận định của luật sư.

Chỉ vài tuần sau, PV đã nhận được điện thoại của chủ xe thông báo về việc, Công an huyện Văn Lãng đã vào cuộc giải quyết. Theo đó, chủ hàng đã chấp nhận hòa giải, trả hết số tiền cước còn nợ của 2 chuyến hàng trên.

“Tôi rất cảm ơn Báo Giao thông đã vào cuộc làm rõ, giúp vụ việc sớm được sáng tỏ, giúp tôi nhận được toàn bộ số tiền cước chính đáng được hưởng của mình. Số tiền này đã giúp tôi trang trải nợ nần, tránh được cảnh phá sản, phải bán xe trả nợ”, anh Hồ nói.

Không riêng trường hợp của anh Hồ, sau phản ánh của Báo Giao thông đã có gần 10 chủ xe bị chủ hàng giữ giấy tờ, trừ tiền cước cùng thời điểm trên đã được chủ hàng thanh toán sòng phẳng.

Nhiều trường hợp bị giữ xe, đòi tiền chuộc cũng đã được cơ quan chức năng tại cửa khẩu hỗ trợ đưa xe về.

Các chủ xe cho biết, qua bài viết của Báo Giao thông, họ cũng đã nhận thấy nhiều lỗ hổng lớn trong quá trình thương thảo, ký kết hợp đồng vận chuyển để kịp thời thay đổi, lường trước các trường hợp tương tự xảy ra.

Bịt nhiều lỗ hổng

img

Phương tiện vận chuyển nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Hay như tháng 1/2023, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nông sản về việc nhiều đối tượng lợi dụng mã số vùng trồng nông sản để xuất khẩu chui, PV Báo Giao thông đã vào cuộc tìm hiểu.

Sau đó, các tài liệu liên quan đến vụ việc đã được cung cấp cho các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn để kịp thời vào cuộc ngăn chặn.

Kết quả vụ việc đã được giao cho Công an tỉnh Lạng Sơn làm rõ, chỉ ra nhiều lỗ hổng liên quan. Thông tin vụ việc cũng được UBND tỉnh Lạng Sơn tổng hợp, báo cáo các Bộ Công thương, NN&PTNT để kịp thời điều chỉnh, ban hành chính sách kiểm soát, quản lý hiệu quả, không để tái diễn tình trạng tương tự.

Thời gian qua, Báo Giao thông đã trở thành cầu nối giúp hàng chục chủ xe, tài xế tại cửa khẩu phản ánh khó khăn, vướng mắc gặp phải tại cửa khẩu ở Lạng Sơn.

Trong đó, đã có hàng chục phương tiện vận chuyển dưa hấu, thanh long, xoài… bị chủ hàng giữ xe đòi tiền chuộc với lý do hàng thối, hỏng đã được cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết.

Hay như tình trạng nhà xe trình báo về việc bị mất cắp đồ đạc, hút trộm nhiên liệu trên xe xuất khẩu nông sản đã được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, làm giảm thiệt hại cho nhà xe; cảnh báo, ngăn chặn tình trạng “cò mồi”, “làm luật” thu tiền giá cao, gây bức xúc cho đơn vị vận tải nông sản xuất khẩu…

Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao những thông tin đã phản ánh, cung cấp của Báo Giao thông về những bất cập diễn ra tại cửa khẩu trong thời gian qua, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Quá trình giải quyết các vụ việc nêu trên, khi trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ rõ các lỗ hổng trong quản lý hoạt động vận tải, khai báo thủ tục hải quan; vận chuyển, xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu. UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cơ quan chức năng rà soát toàn diện các mặt hoạt động tại cửa khẩu.

Sau đó, tỉnh đã giao Cục Hải quan Lạng Sơn và các đơn vị liên quan vào cuộc, phối hợp với Bộ Công thương xây dựng chính sách quản lý để chuyên nghiệp, minh bạch hóa các hoạt động tại cửa khẩu.

Nhờ đó, đến nay, tại các cửa khẩu đã không còn tình trạng “cò mồi”, “nhà luật” chặt chém, chèn ép đơn vị vận tải như thời điểm trước. Các cửa khẩu qua Lạng Sơn cũng đã thông quan thuận lợi, không còn tình trạng ùn ứ, ách tắc nhiều ngày như thời điểm trước.

Đầu năm 2022, Báo Giao thông nhận được nhiều cuộc điện thoại cầu cứu của lái xe đường dài đang chờ xuất khẩu nông sản tại biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Vào cuộc điều tra, Báo Giao thông đã làm rõ phản ánh của các tài xế là chính xác: Tại các cửa khẩu từ lâu đã tồn tại nhiều loại “luật ngầm”, muốn xuất khẩu nông sản sang biên giới, tài xế, chủ hàng phải chấp nhận chung chi khoản tiền lớn cho “nhà luật”.

Loạt bài phản ánh của Báo Giao thông về tình trạng “luật ngầm”, mua bán “lốt” xe xuất khẩu tại biên giới đã được dư luận đánh giá cao. Sau đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.