Y tế

Những chiến sĩ áo trắng bên trong “thành trì” chống dịch

16/05/2021, 07:23

Bất ngờ trở thành tâm dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư buộc phải cách ly y tế, nhưng vẫn đều đặn tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19.

img

Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư chăm sóc các ca nhiễm Covid-19

Suy sụp vì lây bệnh cho cả nhà, may mà có y, bác sỹ

Tính đến nay, bệnh nhân Nguyễn Thị Hương (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nằm điều trị Covid-19 đã được chục ngày, sức khỏe cũng hồi phục nhiều sau chuỗi ngày liên tục sốt và ho.

Hương là một trong những nhân viên của một trung tâm chăm sóc sức khỏe bị lây Covid-19 từ người khách là chuyên gia Trung Quốc tại Vĩnh Phúc.

“Em không tiếp xúc trực tiếp với người Trung Quốc nhưng bị lây từ các bạn khác trong trung tâm. Ngày nhận thông tin nghi nhiễm và đưa đi cách ly, em vô cùng sốc vì chưa từng nghĩ có ngày mình lại trở thành bệnh nhân Covid-19”, Hương nói.

Những ngày đầu nhập viện, nỗi lo của Hương cứ nặng trĩu không chỉ bởi những cơn sốt, ho hành hạ mà còn bởi mình là nguồn lây nhiễm sang những người thân trong gia đình. “Em suy sụp thật sự, không ăn, không uống gì được khi cứ nghĩ đến điều đó. Chỉ ít ngày mà em sụt mấy cân”, Hương chia sẻ.

Và nỗi lo đó thành hiện thực khi Hương nhận tin lần lượt từng người thân trong gia đình phát hiện mắc Covid-19 phải nhập viện. Đến thời điểm này, gia đình Hương đã có 8 người được xác định mắc Covid-19, gồm cha mẹ, chị em và 4 đứa cháu mới 6, 7 tháng tuổi.

“Thương nhất là bố em vốn từng bị tai biến, giờ cũng đang điều trị tại đây, còn mẹ em thì khóc suốt. Giờ em lo mấy đứa cháu nữa cũng có thể nhiễm bệnh vì ngày 30/4, cả gia đình đã tụ họp cùng nhau. Em chính là nguồn lây, gieo họa cho cả nhà”, giọng Hương chùng xuống.

Mất hơn 1 tuần suy sụp, bỏ ăn và mất ngủ, Hương bảo, nếu không có các bác sĩ hàng ngày hỏi han, động viên và giải thích cặn kẽ về căn bệnh có lẽ em không đứng vững được.

“Mỗi ngày, việc duy nhất là lặng ngắm bên ngoài qua ô cửa sổ nhỏ, thấy thèm được ở bên chăm sóc cho người thân. Em hứa với bác sĩ sẽ chịu khó chăm sóc cho mình để tăng sức đề kháng, sớm khỏe, hết bệnh còn ra viện”, Hương cho hay.

Hương là một trong hơn trăm bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ nhiều tỉnh, thành được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư chăm sóc, điều trị và hầu như ai cũng mang trong mình nỗi lo sợ về dịch bệnh. Chính yếu tố tâm lý khiến công tác điều trị tại đây thêm nặng nề hơn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Đới Ngọc Anh, Khoa Viêm gan, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay: “Qua khám lâm sàng cho thấy, chủng virus lần này gây sốt nhiều hơn, suy hô hấp tiến triển nhanh nên luôn cần theo dõi sát sao. Và điều quan trọng là động viên các bệnh nhân, đó là liều thuốc tinh thần giúp họ thêm sức mạnh chống lại Covid-19”.

Gác chuyện riêng để “chiến đấu” với Covid-19

Vừa vào ca (khu điều trị bệnh nhân Covid-19) được nửa ngày thì BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 phải cách ly y tế vì phát hiện nhiều ca bệnh lây trong viện, BS. Đới Ngọc Anh tiếp tục ở lại trực chiến.

“Mình không quá bất ngờ vì làm nghề này là luôn xác định tinh thần sẵn sàng rồi. Đến cô con gái 3 tuổi cũng “hiểu chuyện” nên chẳng khi nào mè nheo mẹ, dù cả bố và mẹ cùng trực trong bệnh viện cách ly. Mà không chỉ riêng mình, anh chị em nào cũng có gia đình riêng nhưng vì công việc chung, vì dịch bệnh còn hoành hành nên đều chấp nhận “gác tình riêng”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Cùng cảnh hai vợ chồng phải cách ly vì Covid-19, chị Phạm Thúy Hạnh, điều dưỡng Khoa Cấp cứu cho hay, ngày BV cách ly cũng là ngày chị nhận “trực chiến”.

Và chỉ vài ngày sau, chồng chị cũng nhận lệnh cách ly khi đang đi công tác, hai đứa con đành gửi vội lại cho bà. Với đặc thù tại khoa cấp cứu tiếp nhận chủ yếu các bệnh nhân nặng, cần sự chăm sóc toàn diện, mọi việc từ hỗ trợ y tế đến ăn uống, sinh hoạt đều một tay nhân viên y tế thực hiện.

Và cũng ở đây, có những nhân viên y tế buộc phải cách ly khi mới trở lại công việc sau thời gian thai sản. Mẹ trong viện căng sữa buộc phải vắt bỏ, con thơ ngằn ngặt khóc vì thiếu hơi mẹ, khát sữa. “Vợ chồng, con cái chỉ “gặp nhau” qua điện thoại, nhớ đến quay quắt nhưng vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua đại dịch”, chị Hạnh chia sẻ.

Nói về công việc hàng ngày của mình, BS. Ngọc Anh cho hay: “Tại khoa điều trị trung bình 50 ca Covid-19 mỗi ngày. Trong số các bệnh nhân có những em bé chỉ 1 - 2 tuổi, rồi có cả người cao tuổi. Những bệnh nhân này đều là các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng…”.

Theo BS. Ngọc Anh, người bệnh Coid-19 thường có các triệu chứng sốt cao, mỏi cơ rất kinh khủng nhưng lại chưa có thuốc điều trị và thường chỉ điều trị triệu chứng nên nhiều khi rất dễ gây hiểu lầm.

“Nhiều bệnh nhân phàn nàn sao vào điều trị lại chỉ “uống hạ sốt, giảm ho”. Hoặc có những bệnh nhân xuất hiện cơn đau bụng và nhất định “đòi” được đi nội soi dạ dày, trong khi cái khó hiện nay chưa có quy trình chuẩn với nội soi dạ dày cho người mắc Covid-19. Với các bệnh này phải thăm khám lâm sàng kỹ càng, theo dõi chặt và giải thích kỹ để bệnh nhân hiểu và yên tâm điều trị…”, vị bác sỹ tâm sự.

Giữa tâm dịch, vừa cách ly y tế vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trách nhiệm với bản thân, với đồng nghiệp và với cả người bệnh được nhân lên gấp nhiều lần trên đôi vai những nhân viên y tế nơi đây.

Ở nơi mà khái niệm “ngày hay đêm”, thứ bảy hay chủ nhật được thay bằng giờ giấc của công việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, thăm khám cho bệnh nhân, mọi việc cứ đều đặn trôi với hết lượt bệnh nhân này sang bệnh nhân khác…

TS. BS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư chia sẻ, sau khi có bác sĩ được xác định dương tính với Covid-19, toàn thể thầy thuốc ở đây đều trở thành F1. Nhưng do lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính với Covid-19 phải điều trị, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng chống dịch theo các cách khác nhau.

“16 tháng nay, chúng tôi đã làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần. Cả bệnh viện và bệnh nhân đều mong muốn “giải phóng” bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng không mắc Covid-19 để nhận bệnh nhân mới từ các tỉnh, thành”, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.