Chính trị

Những kỷ niệm và tình cảm của Bác Hồ với ngành GTVT

Bác rất quan tâm đến con người trong lĩnh vực GTVT. Tình yêu của Bác bao la, đặc biệt là với những người lao động dễ bị tổn thương trong xã hội.

img
Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì ngày 12/2/1956 (Ảnh tư liệu)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã đi nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, sử dụng đủ các loại hình giao thông từ đường bộ, đường thủy, hàng không… Từ những hành trình đó, Bác càng hiểu thấu tầm quan trọng của lĩnh vực GTVT và nhất là hiểu những con người trong ngành GTVT.

“Giao thông phải thông suốt, an toàn, liên tục...”

Năm 1946, một thời gian sau Tổng tuyển cử, Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Bác Hồ được bầu là Chủ tịch Chính phủ (lúc bấy giờ chưa có chức Chủ tịch nước nên chức Chủ tịch Chính phủ vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp).

Trước những hành động khiêu khích của thực dân Pháp muốn chiếm nước ta một lần nữa, ngày 5/11/1946, Bác viết bản Chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ đề cập các nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Bác nêu các công việc quân sự, kinh tế, chính trị.

Về giao thông, Bác cho rằng: “Mục này phải nói riêng, phải đặc biệt chú ý. Vì giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Những người có trí sáng và tâm lành thì thường nhận biết quy luật của tự nhiên và xã hội một cách đơn giản và đúng đắn. Nhận ra đúng quy luật, nói rõ quy luật và làm theo quy luật thì chắc chắn thành công.

Con người sẽ thế nào khi các mạch máu bị tắc nghẽn? Vậy, một trong những điều kiện tiên quyết để làm nên mọi thành công, không thể khác là GTVT của một đất nước phải thông suốt, kể cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã có cả hệ thống đường giao thông chủ yếu được mở bằng sức người, bảo đảm cho chiến trường rừng núi Điện Biên Phủ, kể cả những đường thồ cho xe đạp từ Thanh Hóa lên.

Trong kháng chiến chống Mỹ, điển hình chúng ta có con đường đã đi vào lịch sử quang vinh của đất nước mang tên Bác - Đường Hồ Chí Minh (đường bộ, đường biển, đường ống, đường quá cảnh hàng không…).

Con đường kỳ tích đó đã thành biểu tượng của ý chí và khí phách anh hùng quật khởi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh phi thực dân hóa trong thế kỷ XX của nhân loại.

Chất lượng giao thông vẫn luôn là nỗi canh cánh trong lòng Bác. Những lời giản dị, dân dã rút từ tâm can của Bác cho đến nay vẫn nguyên tính thời sự.

Bác cho rằng, trong thiết kế các công trình GTVT phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi; Trong giao thông, phải kiên quyết chống lãng phí; Phải chú trọng ba điều: Thông suốt, an toàn, liên tục; rằng lãnh đạo chính trị, kỹ thuật phải vững chắc, tổ chức công trường phải chặt chẽ, kế hoạch phải tỉ mỉ và đầy đủ để tránh lãng phí dân công, vật liệu và ngày giờ; tư tưởng phải thông suốt, từ cấp lãnh đạo đến anh chị em dân công…

Biết ơn những “phu làm đường”

Đặc biệt, Bác rất quan tâm đến con người trong lĩnh vực GTVT. Thường các bậc danh nhân hay biểu lộ cái tình người rất đậm, nói chữ thì đó là chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tình yêu của Bác bao la, đặc biệt là với những người lao động dễ bị tổn thương trong xã hội.

Năm 1942, khi bị giải đi các nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, Bác đã nhìn thấy cảnh cực nhọc của những người làm đường và đã cảm thông, chia sẻ lòng mình với họ thể hiện trong bài thơ “Phu làm đường” (Tập “Ngục trung nhật ký”): Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/Phu đường vất vả lắm ai ơi/Ngựa xe, hành khách thường qua lại/Biết cảm ơn anh được mấy người?”.

Sau này, Bác gọi những người lao động trong ngành GTVT nước nhà là những CHIẾN SĨ. Bác đã nhiều lần đến thăm và gửi thư cho các đơn vị cũng như các cá nhân có thành tích trong ngành, thăm hỏi và động viên anh chị em xây dựng và bảo đảm sự thông suốt mạch máu giao thông cho Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, lực lượng bảo đảm GTVT chủ yếu được giao cho Thanh niên xung phong đảm nhiệm.

Ngày 28/3/1951, tại khu rừng Nà Tu của tỉnh Bắc Kạn, Bác nói với anh chị em đơn vị Thanh niên xung phong 312 đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù trên đường từ Bắc Kạn đi Cao Bằng những câu bất hủ: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.

Sáng 25/3/1966 là một buổi sáng đáng nhớ đối với ngành GTVT khi Bác đến thăm Hội nghị Thi đua của ngành về bảo đảm giao thông chống Mỹ, cứu nước toàn miền Bắc.

Sau khi thông báo tin chiến thắng ở miền Nam, Bác đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ mời tất cả những cá nhân và đại diện tập thể điển hình vừa mới được tuyên dương lên sân khấu để Bác khen thưởng.

Bác biểu dương tinh thần dũng cảm, thông minh, sáng tạo trên mặt trận GTVT của cán bộ, công nhân trong ngành. Bác đưa hai tay vào túi áo rồi rút ra, mở xòe hai bàn tay không trước mặt mọi người, nói tiếp: “Bác nghèo quá! Thôi, thế thì Bác sẽ bắt tay mỗi người, coi như đây là lòng biết ơn của nhân dân và bộ đội đối với những công lao của các cô, các chú trên mặt trận bảo đảm giao thông, được chứ?”.

Phần thưởng của Bác là TẤM LÒNG yêu mến, thậm chí là biết ơn đối với những chiến sĩ trên mặt trận GTVT nước nhà đang ngày đêm đem sức mình, kể cả máu xương, tham gia tích cực vào sự nghiệp thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm hậu phương vững chắc miền Bắc cho sự nghiệp cách mạng. Tấm lòng đó là phần thưởng vô cùng quý giá, không có bất kỳ vật chất của cải nào có thể sánh được!

Hiện nay, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã làm biến đổi nhiều tư duy của con người về cách đo thời gian và không gian. Các phương tiện GTVT đã nhiều lên, đa dạng và chất lượng công nghệ cao hơn. Nhưng dù có biến đổi như thế nào thì nhu cầu đi lại của con người vẫn muôn năm cũ, đương nhiên là với yêu cầu chất lượng ngày càng cao. Số lượng và chất lượng GTVT là một trong những tiêu chí đo trình độ phát triển về mọi mặt của xã hội. Tinh thần của Bác những năm xưa vẫn đi với chúng ta trong thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo, đó là: Bảo đảm cho mạch máu giao thông luôn thông suốt, tăng cường chất lượng quản lý và nâng cao kỹ thuật giao thông…

(Bài viết có sử dụng bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG 2011 và một số tư liệu về ngành GTVT)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.