Sau khi hoàn thành thí điểm, các đơn vị liên quan sẽ tổng kết đánh giá, làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai với toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.
Dù mới khai trương nhưng có thể thấy, người dân đón nhận khá hào hứng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi sự tiện lợi mà thẻ vé liên thông mang lại so với vé truyền thống.
Từ trước tới nay, việc khai thác hệ thống này vẫn chủ yếu được thực hiện thông qua sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt.
Không chỉ tiện lợi cho hành khách, việc sử dụng vé điện tử còn giúp tiết giảm kinh phí ngân sách đáng kể vì không sử dụng nhân viên phục vụ.
Tính riêng 132 tuyến buýt trợ giá với 2.034 xe, với lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng mục tiêu cao hơn, việc triển khai thí điểm thẻ vé buýt liên thông sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai đồng bộ hệ thống thẻ vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng nói chung.
Hiện Hà Nội đã có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và sẽ có thêm nhiều tuyến nữa. Nếu hệ thống vé điện tử vẫn vận hành độc lập, có các công nghệ thẻ vé khác nhau sẽ không thể liên thông, rất lãng phí.
Khi đã có hệ thống thẻ vé điện tử liên thông, cơ quan chức năng cũng sẽ tính toán được sản lượng, doanh thu, tăng khả năng tiếp cận, thu hút người dân tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân khi đã hình thành thói quen đi xe buýt, tàu điện.
Nhìn tổng thể, thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng trong một thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông công cộng.
"Phát triển thành phố thông minh" cũng là nội dung hội thảo mà Hà Nội vừa tổ chức, trong đó nhấn mạnh nội dung thực hiện chuyển đổi số, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, trong đó có giao thông. Trong đó, mục tiêu lấy người dân làm trung tâm sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Từ cách thức mua, sử dụng vé, hình thức thanh toán cho đến giá vé, thời gian di chuyển… đều tạo thuận lợi tối đa cho hành khách.
Đó cũng là kinh nghiệm để không chỉ Hà Nội mà các đô thị lớn khác tham khảo, áp dụng. Đến giờ chúng ta mới bắt đầu thí điểm là muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Hãy thử hình dung, một ngày không xa, với sự phát triển của hệ thống vận tải công cộng, với tư duy đặt người dân là trung tâm phục vụ, hành khách đi xe buýt hay tàu điện chỉ cần một chiếc thẻ vé liên thông lưu trên điện thoại, sử dụng ứng dụng là có thể di chuyển trên bất cứ phương tiện công cộng nào, được chỉ dẫn đến đâu thì chuyển sang đi xe gì, cách bao nhiêu km có trạm xe đạp miễn phí, đến đâu có chuyến buýt kết nối…
Khi đó, chắc chắn người dân sẽ chỉ sử dụng phương tiện cá nhân khi thực sự cần thiết. Lựa chọn hàng đầu của họ sẽ luôn là phương tiện công cộng.
Và có khi, cơ quan quản lý cũng không cần phải đau đầu nghĩ cách hạn chế xe cá nhân bằng cách cấm đoán hay thu phí vào nội đô làm gì nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận