Chuyên gia phong thuỷ Lương Ngọc Huỳnh cho biết, theo quan niệm của người xưa, lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch là để gạt đi những muộn phiền năm cũ và đón một năm mới với một tâm trạng mới hân hoan, lạc quan hơn.
Theo đó, nghi thức chuẩn bị giao thừa gồm có mâm lễ được sửa soạn cúng ở giữa sân. Nếu không có sân thì cúng giữa nhà, có thể làm lễ trên sân thượng, nơi thoáng mát, sạch sẽ trong phạm vi đất ở nhà mình.
Hướng đặt mâm lễ là hướng Bắc hoặc hướng Đông tuỳ theo vị trí và thế nhà của từng gia đình.
Một chiếc lọng màu vàng để che trên đàn lễ, một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ với gà trống đỏ hoặc gà trống trắng, xôi đỏ, bánh chưng xanh, các loại sơn hào hải vị tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình. Cùng 9 chén rượu, trong đó 3 chén rượu trắng, 3 chén rượu đỏ, 3 chén rượu vàng, có thể dùng rượu vang; 9 chén nước trà với 9 loại hương vị trà khác nhau như trà sen, trà nhài, trà bưởi, trà xanh...
Một mâm hoa quả " ngũ quả" đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ; vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá mỗi loại tối thiểu là 99 nén.
Tiếp đến, thắp 9 ngọn nến đỏ trên đàn lễ hoặc 9 cây đèn dầu phía trước đàn lễ (có thể thắp nhiều nến xung quanh đàn lễ sao cho trang trọng uy nghi và đẹp mắt).
Sau khi đã chuẩn bị xong mâm lễ trước 12 giờ đêm, vào đúng thời khắc giao thừa thì người lớn nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề súc miệng rượu thơm bắt đầu hành lễ.
Ông Huỳnh cũng lưu ý: “Không đốt tiền âm phủ trong lễ đón giao thừa để tránh các vong âm lai vãng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận