70 năm truyền thống ngành GTVT

Những người mở đường thành Anh hùng

21/02/2015, 07:10

Tại đèo Pha Đin, có ngày địch thả 160 quả bom phá kết hợp bom bươm bướm, bom na-pan…

216
Ông Nguyễn Đình Thụ và Ông Trịnh Văn Huyền
217
Ông Cao Xuân Thọ và Ông Trần Văn Cam

Hàng chục lần đơn vị làm lễ truy điệu sống trước khi làm nhiệm vụ; hàng chục lần bị chôn sống…, nhưng họ vẫn lao vào mưa bom bão đạn, thực hiện nhiệm vụ phá bom, mở đường, góp phần bảo đảm thông suốt con đường huyết mạch vào chiến trường Điện Biên Phủ huyền thoại. Đó là chân dung bốn thanh niên xung phong (TNXP) vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trịnh Văn Huyền, Nguyễn Đình Thụ, Cao Xuân Thọ và Trần Văn Cam…

Con đường máu và lửa

Đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, đường ngầm Hát Lót, Tuần Giáo, đèo Pha Đin…, những địa danh gắn với con đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ - cũng là những điểm nóng ác liệt nhất. Tại đèo Pha Đin, có ngày địch thả 160 quả bom phá kết hợp bom bươm bướm, bom na-pan…

Nguyên Đội trưởng Đội phá bom, Đại đội 404, Đội 40 TNXP Điện Biên Phủ Cao Xuân Thọ nhớ lại: “Tốp máy bay này vừa rời đi, tốp khác đã kéo đến là chuyện thường. Trong lúc chúng tôi còn chưa phá xong loạt bom nổ chậm vừa rải, bom mới đã lại thả xuống. Bom chồng bom thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, núi rừng rung chuyển, đất đá văng tứ phía, hòa lẫn trong đó không ít máu, xương của các chiến sỹ TNXP mở đường”.

Tương tự, dù đã 60 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhớ về những ngày chiến đấu hào hùng ấy, biết bao kỷ niệm lại ùa về với cựu TNXP Nguyễn Tiến Thụ, nguyên Đội phó Đội phá bom, Đại đội 404. Đó là bầu trời Tây Bắc quanh năm mây mù ẩm ướt, ông và đồng đội hiếm khi được mặc bộ trang phục khô ráo, chân tay lúc nào cũng lở loét; là những đêm băng rừng vừa gánh gạo, thồ vũ khí đạn dược, vừa lo đốt đuốc xua hổ; là ngày nối ngày phá lối, mở đường, lấp hố bom, làm cọc tiêu cho xe qua; là những lần tiếp cận, chưa kịp phá thì bom nổ chậm bất ngờ phát nổ, bị đất đá vùi lấp; và đặc biệt là những lần tận mắt chứng kiến sự hy sinh anh dũng của những người đồng đội đã cùng mình vào sinh ra tử…

Phó chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam, Nguyễn Cao Vãng, cho biết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP tham gia 16 nghìn người, với hàng trăm công việc, như: Cáng thương binh, vận chuyển đạn, đào hào, hầm, ngụy trang, bảo vệ đường dây thông tin, đặc biệt là mở đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, đảm bảo giao thông chiến dịch trong mọi tình huống…

Trong quá trình đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, mưa bom bão đạn đó, 300 chiến sỹ đã hy sinh tại chiến dịch này. Năm 2010 lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND.

“Giữa tháng 2/1954, trời vừa nhập nhoạng tối thì máy bay địch thả hai quả bom nổ chậm, một quả đúng tim đường ngã ba Cò Nòi, quả thứ hai cách đó 100m. Tôi phân công hai đồng chí Nguyễn Văn Ngoạn, Nguyễn Sỹ Tạo cùng đội phá ngay quả bom giữa đường, tôi và đồng chí Nguyễn Ngọc Thụy phá quả bom còn lại. Nhưng ngay khi hai anh Thụy, Tạo vừa tìm thấy đầu ngòi, chuẩn bị đặt bộc phá thì quả bom phát nổ, anh Ngoạn bị thương nặng rồi hy sinh, anh Tảo bị bom hất tung, xé nát, chúng tôi chỉ có thể tìm thấy một vài mảnh nhỏ của cơ thể chôn cùng đất đá ngay sườn đồi…”, ông Thụ nghẹn lời.

Với Anh hùng Cao Xuân Thọ thì nhớ mãi lần cùng đồng đội Trần Văn Cam phá quả bom nằm dưới suối sâu cách đường ngầm Tà Vài 4m hồi tháng 3/1954.

Ông kể: “Đồng chí Cam lặn xuống thăm dò nhưng lạnh quá lại phải lên. Tôi chợt nhớ kinh nghiệm của người dân quê mỗi lần đi biển, liền chạy vào trung tâm chỉ huy xin vài lít nước mắm. Nhắm mắt nhắm mũi uống 2-3 bát, tôi lặn xuống lần mò một hồi thì phát hiện quả bom nằm vào khe đá.

Tôi lấy dây rừng buộc vào lưng trước khi lặn, thống nhất với anh em, khi tôi ốp được bộc phá vào ngòi, dòng dây cháy chậm xong sẽ giật dây ba lần để anh em kéo lên bờ. Sau 20 phút kích nổ, một tiếng nổ vang trời, cột nước cao tung tóe hàng chục mét. Cầu Tà Vài được thông đường, thông xe an toàn làm tôi nhanh chóng quên mất cái lạnh, quên cả hiểm nguy vừa trải qua, chỉ còn lại một niềm vui vô bờ”.

Ngoài những lần cùng đồng đội phá hàng trăm quả bom, Anh hùng Trịnh Văn Huyền vẫn nhớ như in ngày 26/4/1954, khi đang cùng đồng đội bảo đảm giao thông ở đèo Pha Đin thì phát hiện bốn chiếc máy bay Hen-cát của địch thay nhau lao xuống bắn xối xả vào khu vực đại đội ông phụ trách, khói đen bốc mù mịt không kịp xuống hầm trú ẩn, ông bị đạn bắn trúng bụng, tay, chân, mặt chỗ nào cũng dính máu. Nhưng phát hiện đoàn ô tô 10 chiếc chở đạn đại bác 105 ly của ta phục vụ mặt trận bị lộ và địch đang nhắm bắn, ông đã hạ lệnh cho hai đồng đội đi cùng: “Thà chết không để đạn bị cháy nổ”.

Sau khi bấm còi báo động cấp cứu, ba chiến sỹ lao vào bốc đạn trên các xe xuống đất, cất, sơ tán vào bên đường an toàn. Sau 9 giờ vật lộn căng thẳng, cái sống, cái chết trong gang tấc, các chiến sỹ TNXP đã cứu được 8/10 xe, 437 viên đạn đại bác, riêng ông vác được 19 viên. Và khi nhiệm vụ vừa hoàn thành cũng là lúc ông Huyền ngất trong tay đồng đội...

211

Bộ đội Đại đoàn 316 cùng lực lượng địa phương mở đường cơ động Tuần Giáo - Điện Biên Phủ trong Đông-Xuân 1953-1954

Bản hùng ca sau 60 năm

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Những người lính TNXP tham gia chiến dịch, người tiếp tục tham gia mở những con đường mới, người trở về địa phương với những công việc, cuộc sống bình dị.

Câu chuyện phá bom, mở đường được sống lại khi những người lính già gặp nhau, hay trong những câu chuyện kể cùng con cháu, những năm tháng hào hùng ấy tưởng như đã lùi xa, rất xa.

Bởi vậy, bốn TNXP năm xưa vô cùng bất ngờ, xúc động khi được phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân hồi tháng 7/2014, sau 60 năm tham gia chiến đấu thầm lặng, dẫu rằng, trong trái tim những người đồng đội, các anh luôn là anh hùng! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.