Để có cánh rừng này, công sức của nhiều thế hệ những người dân ở đây là rất lớn.
Các thành viên tổ giữ rừng họp bàn để nâng cao hơn nữa công tác giữ rừng
Nguyên Bí thư huyện ủy dựng lán giữ rừng
“Có đoàn khoa học về dùng máy khoan kiểm tra rồi kết luận rừng săng lẻ này từ độ 300 - 350 năm tuổi.
Nói thế mới thấy được cái tâm, cái tầm của chú Nghĩa và những người đi trước”, ông Vi Võ Tuấn, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương kể.
Dù đã về với tổ tiên vào năm 2015, nhưng những ý nghĩa việc làm mà cố Bí thư Huyện ủy Vi Chính Nghĩa để lại cho chính quyền và nhân dân địa phương là rất lớn.
Đó chính là cánh rừng săng lẻ với hàng triệu cây có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của địa phương. Ngoài ra, ông còn để lại bài học, ý thức và trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ rừng nói riêng và bảo vệ thiên nhiên nói chung.
Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình
Rồi ông Tuấn đi đến mấy cây gần đường cái kể tiếp: “Ngày xưa, tuyến QL7 chưa mở rộng như thế này mà còn hẹp lắm.
Mấy cái cây này là chỗ chú Nghĩa dựng lán để giữ rừng. Lúc bấy giờ cũng có người nói này nọ, người ta bảo rừng là của trời đất, ai cho ông giữ.
Rồi có người hỏi tiền công thì ông nói có thì càng tốt, không có cũng làm…”.
Hỏi ra mới biết, không chỉ những người thân, họ hàng mới biết chuyện ông Nghĩa giữ rừng săng lẻ.
Mọi người kể, năm 1964, Lâm trường Tương Dương xin UBND tỉnh Nghệ An khai thác rừng săng lẻ. Bấy giờ, ông Vi Chính Nghĩa đang là Bí thư Huyện ủy Tương Dương.
Vì không muốn mất đi cánh rừng đã gắn liền với quê hương, ông Nghĩa đã viết đơn xin giữ lại cánh rừng. Nguyện vọng chính đáng của ông và bà con nơi đây đã được tỉnh đồng ý.
Hết nhiệm kỳ công tác, ông Nghĩa được tổ chức phân công về làm Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Dù công tác ở xa nhưng trong ông vẫn đau đáu về vận mệnh của hơn 70ha rừng săng lẻ.
Mỗi lần công tác qua hay về quê, ông lại động viên bà con phải ra sức giữ lấy cánh rừng.
Năm 1988, về hưu theo chế độ, ông Nghĩa sống với gia đình ở bản Quang Thịnh, xã Tam Đình.
Nhìn cánh rừng săng lẻ bị lâm tặc chặt hạ không ít mà lòng ông đau như cắt. Không cam chịu, ông lên xin xã, huyện cho mình được giữ rừng.
Nói là làm, ông Nghĩa xin huyện một khoảnh đất nhỏ giữa rừng, cạnh QL7 để dựng chòi. Hàng ngày, ông đi bộ trong rừng để tuần tra từng gốc cây.
Thời gian đầu có một vài trường hợp vi phạm bị ông phát hiện trình báo cho kiểm lâm xử phạt rất nặng. Lâm tặc thấy vậy cũng “khiếp vía”, không dám bén mảng.
Ông Nghĩa còn tới những gia đình trong bản vận động, tuyên truyền để mọi người dân tự nâng cao ý thức cùng nhau bảo vệ rừng.
Chính nhờ những thông tin kịp thời từ ông Nghĩa và nhân dân, công an và kiểm lâm đã truy quét, đẩy đuổi lâm tặc ra khỏi cánh rừng.
Nhờ vậy, từ đó đến nay, hàng chục triệu cây săng lẻ ở nơi đây vẫn còn nguyên vẹn, ngày một xanh tươi.
Cũng theo người dân nơi đây, không chỉ ông Nghĩa, mà đồng bào Thái ở xã Tam Đình (đặc biệt là bà con bản Quang Thịnh) từ lâu cũng đã có truyền thống giữ rừng.
Bằng chứng là từ năm 1989, bản Quang Thịnh đã có hương ước với những quy định, những điều cấm để bảo vệ cánh rừng.
Rồi vào năm 2007, khi người dân đốt nương làm rẫy gây ra vụ cháy rừng, ngọn lửa có nguy cơ lan sang khu rừng săng lẻ, tất cả người dân bản Quang Thịnh, không kể già trẻ, gái trai đều kéo nhau lên núi dập lửa cả đêm…
Tiếp bước cha ông, giữ rừng cho con cháu
Một nhóm của tổ giữ rừng trên đường tuần tra ban ngày
Sau đúng 20 năm sống trong rừng để giữ rừng, do tuổi cao sức yếu, khó khăn trong việc tuần tra nên ông Nghĩa xin bàn giao công việc lại cho chính quyền địa phương. Lúc bấy giờ, xã Tam Đình đã giao nhiệm vụ này cho Trưởng ban lâm nghiệp xã.
Với những cây cổ thụ mà theo các nhà khoa học về khảo sát là có tuổi thọ hơn 300 năm tuổi thì phải 3 người lớn ôm mới xuể (đường kính khoảng hơn 1m).
Những cây này phải cao đến hơn 20m và ước tính phải lên đến 10 khối gỗ, theo giá thị trường như hiện nay thì phải hơn 50 triệu đồng. Loại này có ít, còn với những cây khoảng 5 khối gỗ thì nhiều, đếm không hết.
Gỗ săng lẻ thuộc gỗ nhóm III – nhóm gỗ nhẹ và mềm, dẻo dai, có độ bền cao, được sử dụng được vào nhiều mục đích, như: nội thất, gia đình, gia dụng…
Ông Vi Võ Tuấn, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng săng lẻ
Tuy nhiên, diện tích quá lớn nên một mình trưởng ban không quán xuyến hết được. Một năm sau, xã giao về cho bản, bản chọn ra 2 người có tâm huyết nhất hàng ngày tuần tra bảo vệ.
Cũng trong thời gian này, rừng săng lẻ ở Tam Đình được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng.
Từ diện tích ban đầu là hơn 70ha, rừng được mở rộng lên thành 241ha. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 53,85ha, phân khu phục hồi sinh thái rộng 141,82ha và vùng đệm là 45,93ha.
Chính vì diện tích được mở rộng, năm 2016, bản Quang Thịnh đã quyết định thành lập tổ bảo vệ rừng săng lẻ. Tổ gồm 11 thành viên được chọn ra từ những người yêu rừng, giữ rừng.
Tổ chia thành từng nhóm 3 người, ngày cũng như đêm đi tuần tra bảo vệ rừng. Nếu rừng bị xâm hại thì nhóm trực ngày hôm đó phải chịu trách nhiệm.
Ông Vi Võ Tuấn (cháu ruột của ông Vi Chính Nghĩa) cho biết: “Tuần tra, bảo vệ rừng ngày thường đã vất vả, ngày mưa bão còn cực nhọc hơn.
Đường rừng núi trơn trượt nhưng vì sự an nguy của cánh rừng mà ông cha để lại, anh em lại động viên nhau, rồi bấm ngón chân xuống đất mà đi”.
Rất nhiều du khách chọn cánh rừng săng lẻ làm điểm dừng chân để hít hà không khí trong lành và thưởng thức ẩm thực của đồng bào Thái ở Tương Dương
Rồi những hôm mưa bão, cây ngã xuống chắn ngang QL7, mọi người trong tổ lại phải chặt cây cả đêm để thông đường, thông xe.
Hay như nhiều hôm lo tuần tra, đến khi về nhà nhìn xuống bắp chân thì đã dày kín vắt, con nào cũng bụng căng tròn máu.
“Công việc giữ rừng tuy vất vả nhưng bù lại là ý thức người dân ngày một nâng cao, không còn ai nghĩ đến chuyện chặt phá rừng. Bà con ai cũng bảo nhau giữ rừng cho con cháu”, ông Tuấn nói.
Gần đây, trước vẻ đẹp và sự hùng vĩ của cánh rừng săng lẻ, huyện Tương Dương đã quyết định xây dựng trạm quan sát cảnh quan, đường đi bộ xuyên rừng để du khách tham quan. Các công trình đều không có tác động đến những cây săng lẻ.
Bên cạnh đó, bà con Tam Đình cũng xin được chôn cột đèn hai bên đường qua rừng săng lẻ, dựng trạm dừng nghỉ, ở đó giới thiệu sản vật ẩm thực, thổ cẩm từ những bàn tay phụ nữ Thái đảm đang, tài hoa.
“Cách làm này vừa giúp bà con có thêm thu nhập vừa giữ rừng rất hiệu quả. Bởi khi có nhiều người dân dừng chân, lâm tặc và kẻ xấu sẽ không dám vào rừng làm bậy.
Sự có mặt của người dân cũng là cách giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của tổ giữ rừng và các lực lượng chức năng địa phương”, ông Tuấn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận