Tốt nghiệp ngành Y dược với tấm bằng loại ưu, song bác sỹ Lê Văn Minh lại không chọn công tác trong một bệnh viện chuyên nghiệp mà gắn sự nghiệp của mình cùng những ca cấp cứu ở “bệnh viện đặc biệt” trên những con tàu cứu nạn đầy hiểm nguy giữa biển khơi, bão gió…
“Bệnh viện đặc biệt” trên biển
Những ngày đầu năm mới 2019, chúng tôi tìm về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN khu vực I (HaiPhong MRRC). Tình cờ tại đây, chúng tôi gặp bác sĩ Lê Văn Minh - một trong những người có thâm niên công tác lâu năm nhất trong ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam.
Có chút bất ngờ với tôi khi bác sĩ Minh - người đàn ông chạc 50 tuổi không khoác trên mình bộ blouse trắng như những bác sỹ bình thường khác mà là bộ đồng phục màu cam đặc thù của “lính” cứu nạn. Nơi làm việc của anh cũng không phải ở văn phòng máy lạnh, bàn ghế khang trang, mà trên chính chiếc tàu cứu nạn SAR 411 đã cùng anh và các đồng nghiệp vượt sóng gió cứu hàng nghìn ngư dân gặp nạn trên biển mỗi năm.
“Tàu SAR 411, ngôi nhà thứ hai của cánh thuyền viên cứu nạn chúng tôi, chú nhìn có thấy nó hiện đại không?”, bác sỹ Minh chỉ vào con tàu SAR 411 và nói với tôi.
Bác sĩ Lê Văn Minh là người đặc biệt tận tụy, tâm huyết, luôn toàn tâm với công việc cứu người gặp nạn trên biển. Đã có nhiều người gặp nạn được cấp cứu kịp thời, được chữa lành vết thương trên biển từ bàn tay của bác sỹ Minh. Bác sỹ Minh cũng như các chiến sỹ cứu nạn hàng hải luôn sẵn sàng lao vào sóng gió với phương châm “Tính mạng con người là trên hết”, tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế, khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Vũ
Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải VN
Trưởng thành từ Trường Đại học Y Hải Phòng, được đào tạo chuyên sâu tại khoa hồi sức cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai, trước khi đến với nghề cứu nạn, bác sĩ Minh từng kinh qua rất nhiều vị trí như: Trình dược viên cho các hãng dược nước ngoài, Trạm trưởng Trạm cấp cứu Chữ thập đỏ Quán Toan. Đến năm 2004, HaiPhong MRRC được thành lập, qua lời giới thiệu của bạn bè, anh được mời về làm bác sĩ trên tàu SAR 411.
Bác sỹ Minh cho biết, hành nghề y trên tàu cứu nạn khác xa ở các bệnh viện. “Trong suy nghĩ của nhiều người, bác sĩ là những người mặc áo blouse trắng, tai đeo ống nghe thăm khám cho bệnh nhân trong những phòng bệnh đầy đủ tiện nghi. Nhưng với chúng tôi, bệnh viện là tàu cứu nạn, môi trường hành nghề giữa bão bùng biển khơi, cấp cứu người bị nạn trong tình trạng tàu rung lắc, bị những con sóng dữ vật như tơi tả từ bên này qua bên khác”, bác sĩ Minh chia sẻ.
“Những chuyến đi đầu tiên bị say sóng, vừa nôn, vừa cấp cứu ngư dân là chuyện cơm bữa. Cứ nôn lại tỉnh, rồi lại dồn hết tâm trí vào người bệnh. Có những sự cố trên biển, số lượng người chấn thương lên đến hàng chục. Trong khi bác sĩ chỉ có một. Những lúc ấy, mình lại lao vào như thiêu thân để băng bó vết thương và sơ cấp cứu cho nạn nhân, bỏ quên phía sau sự nôn nao đến cồn cào, mỏi mệt”, anh Minh kể.
Áp lực về chuyên môn là vậy, trong môi trường đặc biệt, mặn mòi của biển khơi, những bác sĩ tàu SAR còn luôn bị ám ảnh bởi những sự chia ly đau đến xé lòng. Với bác sĩ Minh cũng vậy, gần 15 năm bén duyên với nghề, khi nhắc về quá khứ, trong tâm trí anh vẫn nhớ như in những chuyến cứu nạn tiếp xúc với mùi tử thi, với bão bùng và những làn sóng dữ mà giờ đây anh vẫn gọi đó là những “cú sốc” ám ảnh cả cuộc đời.
Anh kể: “Ngày 9/5/2006, bão Chanchu xảy ra, một loạt tàu cá của bà con Đà Nẵng, Quảng Nam bị chìm ở vị trí cách bờ đến 500 - 600 hải lý, số người chết lên đến 18 người. Chúng tôi là lực lượng chốt chặn ở Hải Phòng nhưng được điều động vào Đà Nẵng trợ giúp. Tiếp cận các tàu cá, xác của những thuyền viên xấu số được úp trong những chiếc mủng, mở ra một cái, mùi từ những tử thi xộc thẳng lên, toàn bộ thuyền viên đều hoảng sợ bỏ chạy. Song nghĩ đến người thân họ đang mòn mỏi ngóng trông, tôi lại động viên anh em cùng đóng gói những nạn nhân, chuyển lên tàu cứu nạn đưa về đất liền”.
“Năm 2015, một chủ tàu Nam Định có con trai vừa tốt nghiệp Đại học Hàng hải, làm sỹ quan trên tàu của cha. Sau khi lấy than ở Quảng Ninh ra gần khu vực Bạch Long Vĩ thì gặp sóng to, tàu bị lật chìm, 7-8 người trên tàu gần như chết hết. Sau khi tàu cứu nạn được điều động tìm kiếm, chủ tàu cũng xin đi theo để tìm đứa con rơi xuống biển. Đến nửa đêm, xác người con trai được trục vớt, đưa lên tàu trong tiếng khóc nghẹn của người cha”, bác sĩ Minh nhớ lại.
“Cân não” giữa biển khơi
Hoạt động độc lập trên biển, thiếu thốn trang thiết bị hiện đại, trong một không gian nhỏ bé của chiếc tàu cứu nạn giữa biển khơi, sóng đánh quần quật, việc đo huyết áp hay nghe nhịp tim với các bác sĩ tàu SAR dường như không thể. Nhiệm vụ cấp cứu người bệnh càng khó gấp bội, buộc họ phải vận dụng kinh nghiệm của bản thân đưa ra kết luận “cân não” để giữ lại mạng sống cho ngư dân.
“Tôi còn nhớ mãi trường hợp của thuyền trưởng Toàn trên một chiếc tàu gặp nạn trong cơn bão Chanchu lịch sử năm 2006. Rơi vào tâm bão trong quá trình tránh trú trên biển, anh Toàn có dấu hiệu sùi bọt mép, huyết áp tụt, phản xạ cơ xương khớp gần như bằng không. Nhận thấy tình trạng nguy kịch, tôi nhanh chóng thăm khám và chẩn đoán anh bị tụt canxi huyết. Một mũi canxi lập tức được tiêm vào người thuyền trưởng Toàn cùng các động tác nghiệp vụ thủ công, ít phút sau, thể trạng anh dần ổn định và được chuyển lên tàu cứu nạn tiếp tục điều trị về đến bờ”, bác sĩ Minh kể và cho rằng, trong mỗi chuyến cứu nạn, hành động sơ cấp cứu ban đầu cực kỳ quan trọng. Đơn cử, nạn nhân chỉ cần gãy xương đùi, bác sĩ phải nhanh chóng cố định xương, để xương không chọc vào mạch máu, gây mất máu và liệt. Nếu trong điều kiện sóng gió không xử lý phần sơ cấp cứu kịp thời, đầu xương chọc vào mạch máu thần kinh hoặc nếu quá đau có thể sốc chết.
Thuyền trưởng tàu SAR 411 Nguyễn Mạnh Dũng vẫn không quên lần bác sĩ Minh đưa một thuyền viên từ “cửa tử” trở về khi bị tràn khí màng phổi.
“Khoảng năm 2011, trung tâm nhận được tin một thuyền viên bị cột trên tàu cá gãy xương sườn chọc vào phổi gây tràn khí màng phổi trong quá trình đánh bắt. Khi tàu cứu nạn ra, bệnh nhân đã được chuyển vào trong trạm quân dân y ở đảo Bạch Long Vĩ. Thiết bị y tế ngoài đảo thiếu thốn, không có máy hút chân không. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Minh đã dùng bơm kim tiêm to, nối dây ống chọc vào khe màng phổi cố định và liên tục hút khí để bệnh nhân tránh suy hô hấp. Việc làm ấy được bác sĩ Minh thực hiện tận đến khi tàu SAR 411 cập cầu cảng Hải Phòng để chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu tiếp”, anh Dũng nhớ lại.
Quyết bám biển làm chỗ dựa để ngư dân vươn khơi
Tròng trành giữa bao cơn sóng dữ, đối diện với bao tình huống hiểm nguy như “không có ngày về”, nhưng trước câu hỏi: “Nếu có một bệnh viện lớn trên đất liền mời anh về công tác, anh có rời tàu SAR?”, bác sĩ Minh quả quyết: “Không”.
“Công việc nào cũng có cái giá của nó. Cái tôi phải đối mặt là bão bùng, hiểm nguy, là những bữa bữa tiệc vui phải bỏ dở, nhưng sau mỗi chuyến tàu SAR trở về, tôi thấy nhẹ lòng khi giúp được ngư dân bình yên về với gia đình. Làm bác sĩ là để cứu người, không quan trọng làm việc đó ở đâu mà điều quan trọng là tôi giúp được bao nhiêu người thoát khỏi hoạn nạn”, bác sĩ Minh nói.
Ngoài công việc cứu nạn trên biển, những ngày sóng yên biển lặng, bác sĩ Minh lại “sắm vai” một thầy giáo trong những buổi tuyên truyền của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN tại các trường học. Những bài học về phòng chống đuối nước luôn được anh truyền đạt dễ hiểu. Anh không chỉ dạy các em học sinh cách cứu người bị đuối nước như thế nào mà còn hướng dẫn cho từng người kỹ năng thoát khỏi tình cảnh đuối nước ra sao bằng những bài thực hành sinh động, thú vị và vô cùng thực tiễn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận