Nở rộ xe trá hình tuyến Hà Nội - Sapa
Gom khách lẻ chạy tuyến cố định
"Em chốt đặt cho anh một cabin đơn tầng một và một cabin đơn tầng hai chuyến 23h30 xuất phát tại 63 Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội – PV) và về chuyến 16h hai cabin đơn tầng hai. Tổng số tiền 1,6 triệu đồng. Anh vui lòng thanh toán qua tài khoản ngân hàng, nội dung chuyển khoản ghi tên và số điện thoại", nhân viên tư vấn nhà xe G8 Sapa Open Tour trao đổi với PV Báo Giao thông.
Dù đăng ký kinh doanh vận chuyển khách du lịch, G8 Sapa Open Tour ngang nhiên gom khách lẻ chở tuyến cố định từ Hà Nội đi Sapa và ngược lại với hàng chục chuyến mỗi ngày.
Sau khi chuyển tiền, PV được nhân viên này gửi cho 2 thẻ lên xe (bản điện tử) chiều đi và chiều về tuyến Hà Nội - Sa Pa, trên thẻ ghi rõ loại xe limousine giường phòng 24 chỗ, tên người đi, số điện thoại khách hàng, ngày giờ khởi hành, nơi đi - nơi đến và vị trí ghế ngồi.
Theo lịch hẹn, 23h ngày 18/8, PV có mặt tại văn phòng nhà xe ở 63 Nguyễn Văn Huyên, rất đông hành khách đang ngồi chờ, phía trước, một chiếc xe cabin giường nằm BKS 29F - 034.32 đang đỗ xếp khách lên xe.
Tại bàn tư vấn, PV ngỏ ý muốn xin vé xe để làm thủ tục thanh toán công tác phí, nhân viên nhà xe cho biết trên thẻ lên xe không thể hiện giá tiền, nếu khách hàng cần sẽ xuất phiếu thu vào ngày hôm sau.
23h15, xe BKS 29F - 034.32 rời đi và chỉ chừng 10 phút sau, một chiếc xe cabin khác BKS 29F - 034.30 đi tới đỗ trước văn phòng đón tiếp lượt khách khác để di chuyển lên Sapa.
Chuyến xe chở PV đi từ Hà Nội lên Sapa xuất phát tại văn phòng này lúc 0h00 ngày 19/8, mang BKS 29F - 054.52, khi đến công viên Hoà Bình và sân bay Nội Bài, tài xế dừng xe đón thêm khoảng chục khách khác rồi chạy thẳng về Sapa.
Nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã nêu rõ hành vi bị cấm trong kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng gồm: Gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng; xác nhận đặt chỗ, bán vé, thu tiền từng hành khách đi xe; ấn định hành trình, lịch trình cố định.
Như vậy, chỉ trong một tiếng có đến ba chiếc xe cabin của nhà xe này đón khách từ Hà Nội đi Sapa, tần suất dày đặc. Đáng nói dù chạy đêm với hành trình hơn sáu tiếng đồng hồ, những chiếc xe này chỉ có duy nhất một tài xế (không có cả phụ xe), dù dừng nghỉ hai lần dọc đường (từ 15-30 phút) nhưng vẫn khiến nhiều hành khách lo lắng về sự an toàn.
6h20 ngày 19/8, xe đến thị xã Sapa, thay vì trả khách tại văn phòng 411 đường Điện Biên Phủ theo hành trình ghi trên thẻ lên xe, tài xế lại cho xe dừng trước văn phòng 363 Điện Biên Phủ. Hành khách xuống xe lập tức được đưa sang xe trung chuyển BKS 29B – 600.42 di chuyển đến các điểm đến trong thị trấn.
Theo quan sát, dù đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách du lịch nhưng trên biển hiệu văn phòng, hãng xe G8 Sapa Open Tour ngang nhiên quảng cáo chuyên tuyến Sapa – sân bay Nội Bài - phố cổ Hà Nội không khác gì tuyến cố định.
22h30 cùng ngày, theo lịch hẹn, PV có mặt tại văn phòng 411 Điện Biên Phủ để xuất phát về Hà Nội, chiếc xe cabin giường nằm 29F - 034.36 đã đỗ chờ từ hơn một tiếng trước đó, gây cản trở giao thông nhưng không hề được nhắc nhở, xử lý.
Mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng chiếc xe BKS 29F - 014.12 của Sapa Express lại xác nhận đặt chỗ, thu vé lẻ từng người để chở khách từ Hà Nội đi Sapa và ngược lại.
Nở rộ xe trá hình tuyến Hà Nội - Sapa
Không chỉ riêng hãng xe G8 Sapa Open Tour đang hoạt động trá hình tuyến cố định, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên tuyến Hà Nội - Sapa thời gian vừa qua xuất hiện hàng loạt nhà xe khác với cách thức hoạt động tương tự, trong đó, đa số sử dụng xe giường nằm, cabin hoặc xe limousine 11 chỗ.
Đơn cử như: Sapa Express, Sapa Group Bus, Sapa Explore, Ecosapa Limousine,…
Tiếp tục mục sở thị hoạt động của những nhà xe này, ngày 22/8, PV gọi điện đến số hotline của nhà xe Sapa Express đặt 1 vé từ Hà Nội đi Sapa vào sáng 23/8, nhân viên cho biết, ban ngày chỉ có xe ghế ngả còn muốn đi xe cabin phải đi vào ban đêm.
Đặt 1 vé ghế ngả với giá 400.000 đồng, PV được nhân viên yêu cầu chuyển khoản tiền vé để giữ ghế qua số tài khoản cá nhân của một người tên Lê Việt Hùng. Theo tìm hiểu, đây chính là người đại diện của Công ty cổ phần vận tải và du lịch xanh (chủ hãng xe Sapa Express).
6h45 sáng 23/8, PV có mặt tại văn phòng nhà xe ở 70 Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội), lúc này đã có nhiều nhóm hành khách người nước ngoài ngồi chờ đến giờ lên xe. Nhân viên nhà xe cho biết không cần vé rồi thông báo vị trí ghế ngồi cho từng người.
Chờ thêm nhiều hành khách khác được đưa về văn phòng bằng xe trung chuyển limousine BKS 29B - 625.33, 7h05, tài xế cho chiếc xe 29 ghế ngả BKS 29F-014.12 di chuyển qua một khách sạn trên phố Lò Sũ đón thêm 2 hành khách khác rồi chạy thẳng, hướng về phía cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trước khi vào đường cao tốc, chiếc xe đón thêm một người không đặt vé trước có nhu cầu về TP Việt Trì (Phú Thọ), trực tiếp thu tiền trên xe với giá 80.000 đồng.
Không chỉ lập trang web bán vé, những nhà xe này còn tận dụng nhiều kênh mạng xã hội như Facebook, Tiktok quảng cáo, mời chào hành khách đặt vé lẻ tuyến Hà Nội - Sapa và ngược lại một cách công khai.
Đơn cử như, hãng xe Ecosapa Limousine quảng cáo giá vé Hà Nội - Sapa dao động từ 350 - 550 nghìn đồng/ghế tuỳ từng vị trí trên xe, thậm chí còn ưu đãi cho khách hàng đặt vé khứ hồi.
Hay Sapa Group bus dù là xe hợp đồng nhưng quảng cáo xe khởi hành hàng ngày từ Hà Nội đi Sapa với 5 chuyến và từ Sapa về Hà Nội với 7 chuyến, công khai giá vé 400 nghìn một cabin cho một người và 650 nghìn đồng một cabin nếu hai người nằm.
Tại Hà Nội, nhà xe này gom khách khắp nội thành với các điểm đón như: Aeon Mall Long Biên-Cổ Linh; 160 Trần Quang Khải; 463 Minh Khai (Times City); 120 Trần Quốc Hoàn; 63 Nguyễn Văn Huyên; 4 Khuất Duy Tiến; 72 Trường Chinh; Công Viên Hoà Bình Thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh) và Nội Bài.
Để qua mặt lực lượng chức năng, cả 2 nhà xe G8 Sapa Open Tour và Sapa Express đều tự lập hợp đồng vận chuyển khống.
Đủ chiêu trò qua mặt lực lượng chức năng
Mang phù hiệu xe hợp đồng, biển hiệu xe vận chuyển khách du lịch nhưng lại trá hình chở khách tuyến cố định Hà Nội - Sapa, để qua mặt lực lượng chức năng khi kiểm tra trên đường, các nhà xe trên đều tự lập khống hợp đồng vận chuyển hành khách.
Tối 19/8, trước cửa văn phòng 411 đường Điện Biên Phủ (thị xã Sapa) của G8 Sapa Open Tour, PV Báo Giao thông tận mắt chứng kiến màn tạo hợp đồng nhanh như chớp của nhân viên nhà xe này.
Trong lúc hành khách vận chuyển hành lý lên xe BKS 29F - 034.36, nữ nhân viên cầm bản hợp đồng vận chuyển hành khách in sẵn, ghi rõ bên vận chuyển: Công ty CP TM& DV Quốc tế G8, Tổng giám đốc Ngô Văn Công, nhanh tay điền ngày vận chuyển 19/8 vào bản hợp đồng rồi tìm đến một khách quen nhờ người này cho biết họ tên và số điện thoại để điền vào hợp đồng. Xong xuôi, nữ nhân viên đưa hợp đồng cho lái xe để sử dụng trên đường, đính kèm với bản danh sách hành khách mà nhà xe tạo sẵn trong quá trình hỏi thông tin khách hàng lúc đặt vé.
Khác với G8 Sapa Open Tour, trong chuyến đi từ Hà Nội – Sapa của PV trên xe của Sapa Express, nhân viên nhà xe lại tự để hành khách ghi tên, năm sinh, địa chỉ vào bản danh sách trống và sử dụng để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra trên đường di chuyển.
Đáng chú ý, hầu hết các hãng đều không thu tiền trực tiếp hành khách trên xe, thay vào đó là chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hoặc thu tiền tại văn phòng, tuyệt nhiên cũng không chủ động xuất vé có in giá tiền cho khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận