Chạy sai hành trình, tăng chuyến “vô tội vạ”
Thời gian qua, Báo Giao thông nhận phản ánh trên tuyến vận tải hành khách Thanh Hóa - Hà Nội, nhà xe Đức Phát liên tục sắp xếp xe chạy vào nhiều khung giờ ngoài lốt được cấp, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Chiều 4/8, tài xế xe BKS 36F-010.62 liền đưa xe về văn phòng ở khu vực đường Trần Thủ Độ để trả PV cùng nhiều hành khách khác.
Xác thực thông tin trên, trong các ngày 1-4/8, trong vai hành khách có nhu cầu đi Thanh Hóa, PV Báo Giao thông liên hệ với tổng đài 1900.86.68.86, nhân viên nhà xe Đức Phát cho biết, chuyến sớm nhất từ Hà Nội về Thanh Hóa lúc 5h30 sau đó đến 6h50, 8h40… gần như cứ 30 phút đến 1,5 tiếng sẽ có một chuyến xe chạy.
Nhà xe Đức Phát phụ thu tiền xe trung chuyển hành khách, tính vào giá vé sai quy định.
Giá vé niêm yết loại xe 24 cabin là 250.000 đồng/cabin, loại xe 34 giường là 220.000 đồng/giường, miễn phí trung chuyển trong bán kính 15km tính từ bến xe về điểm đón/trả khách. Với trường hợp của PV, “sau khi tra google maps, vị trí cách bến hơn 17km, nhà xe sẽ tính phụ thu trung chuyển 10.000 đồng/km kể từ Km16, do đó, giá vé là 270.000 đồng/cabin”, nhân viên tổng đài thông báo.
Sau khi chốt đi chuyến xe lúc 6h30, khoảng 6h kém ngày 1/8, PV được xe trung chuyển của nhà xe Đức Phát BKS 36A-899.48 đón và đưa ra bến xe Nước Ngầm.
Qua quan sát, xe trung chuyển này được dán logo thương hiệu xe Đức Phát kèm số hotline nhưng chưa đăng ký kinh doanh vận tải, chưa được Sở GTVT cấp phù hiệu theo quy định.
Đáng chú ý, lốt giờ 6h50 PV chọn đi không phải lốt giờ được cấp theo văn bản chấp thuận của Sở GTVT Thanh Hóa. Tuy nhiên, xe trung chuyển vẫn đưa khách vào phòng vé tại bến xe, lấy vé và lên xe giường nằm BKS 36F-010.62. Đúng 6h50 chiếc xe vẫn có lệnh xuất bến để ra khỏi cổng mà không gặp trở ngại nào.
Theo đăng ký, xe Đức Phát được cấp tuyến bến xe phía tây Thanh Hóa - Bến xe Nước Ngầm và ngược lại nhưng nhà xe Đức Phát lại cho xe về bến phía bắc Thanh Hóa để trả khách, sai hành trình quy định.
Đối với những phản ánh về vi phạm của nhà xe Đức Phát, đại diện nhà xe thừa nhận việc chỉ gửi đơn xin tăng cường xe đến hai đầu bến, không báo cáo Sở GTVT hai đầu tuyến; tăng cường xe vào ngày thường và cho xe hoạt động tại văn phòng ở đường Trần Thủ Độ là sai quy định.
“Từ ngày 5/8, đơn vị sẽ khắc phục, chỉ hoạt động đúng lốt giờ đã được cấp”, đại diện nhà xe nói và cho biết, sẽ nghiêm túc chấn chỉnh đội ngũ nhân viên tư vấn khách hàng, thu giá vé đúng niêm yết, không phụ thu đối với xe trung chuyển và yêu cầu tài xế cho xe đi đúng lộ trình được cấp phép.
Đồng thời, tới đây cũng sẽ đăng ký với Sở GTVT Thanh Hóa để được cấp phù hiệu xe trung chuyển đưa đón khách theo quy định pháp luật.
Dù đăng ký tuyến bến xe phía tây Thanh Hóa - bến xe Nước Ngầm nhưng tài xế lại đưa xe vào văn phòng tại bến bắc Thanh Hóa (sai hành trình) để trả khách, phân khách lên các xe trung chuyển (cũng hoạt động trái phép tương tự như ở Hà Nội) để đưa khách về nhà.
Với cách thức tương tự, khoảng 18h30 cùng ngày, PV tiếp tục đặt vé ở chiều ngược lại. Thay vì vào bến tây Thanh Hóa, chiếc xe trung chuyển BKS 36A-897.79 tiếp tục đưa PV về bến bắc để lên xe giường nằm BKS 36F-009.01 xuôi về Hà Nội.
Vẫn là một cung đường từ bến xe Nước Ngầm đến vị trí lúc sáng PV được xe trung chuyển đón, nhưng giá vé chuyến về lại lên đến 280.000 đồng (phụ thu 30.000 đồng so với giá niêm yết, nhân viên tổng đài cho biết, do khoảng cách đo trên google maps lúc này là gần 19km tính từ bến xe đến điểm trả).
Theo Nghị định 10/2020, vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến. Do đó, việc xe trung chuyển của nhà xe Đức Phát hoạt động khi chưa đăng ký, lại phụ thu thêm tiền là sai quy định.
Một trong những xe trung chuyển trái phép của nhà xe Đức Phát.
Cấp lệnh tăng cường trái quy định
Nghị định 10/2020 quy định: Để giải tỏa hành khách trên tuyến cố định, chỉ được tăng cường vào các dịp lễ, Tết và các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng hoặc vào các ngày cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật).
Khi có nhu cầu, doanh nghiệp phải xây dựng phương án tăng cường phương tiện, thống nhất với bến xe và phải có báo cáo đến Sở GTVT hai đầu tuyến.
Liên quan đến việc một số xe khách của nhà xe Đức Phát hoạt động vào những khung giờ không được cấp lốt, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, sau phản ánh của PV, bến xe đã rà soát cho thấy trong ngày 1/8, nhà xe này được cấp 8 lệnh vận chuyển ở mỗi đầu bến.
Hai ngày 22 và 24/7 nhà xe đã làm đơn gửi hai đầu bến xin tăng cường thêm chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân vào các ngày cao điểm trong tuần.
Kiểm tra đơn xin tăng cường thêm chuyến của nhà xe này, PV nhận thấy, đơn không ghi rõ ngày tăng chuyến, chưa kể thủ tục xin tăng cường chuyến xe sai so với quy định tại Nghị định 10/2020.
Tuy nhiên, nhà xe Đức Phát lại đưa xe tăng cường vào hoạt động cả ngày thường, chưa báo cáo đến Sở GTVT và thực tế nhu cầu hành khách không hề lớn bởi mỗi chuyến đi PV ghi nhận chỉ có khoảng 6-7 hành khách trên xe.
Khoảng 13h45 chiều 4/8, xe khách tăng cường sai quy định của nhà xe Đức Phát về tới văn phòng ở khu vực Trần Thủ Độ, xe trung chuyển ra vào nhộn nhịp để đón/trả khách.
Xác nhận việc đưa xe tăng cường vào hoạt động của nhà xe Đức Phát thời gian qua chưa đúng quy định, ông Lập cho biết đã lập tức chấn chỉnh đội điều hành, cương quyết từ chối các xe tăng cường (hoạt động không đúng lốt được cấp) vào bến đón/trả khách.
Tương tự, ông Lê Đình Lịch, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và khai thác bến xe Thanh Hóa cho biết đã nhắc nhở trưởng bến rà soát lại hoạt động của doanh nghiệp, tuyệt đối không cấp lệnh xuất bến cho xe tăng cường sai quy định.
Ngoài ra, PV Báo Giao thông cũng đã phản ánh hoạt động cũng như những vi phạm của nhà xe Đức Phát, limousine Ba Sáu, Đại Nam... đến Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Sở GTVT Thanh Hóa, lãnh đạo Phòng này cho biết đã tiếp nhận phản ánh và sẽ phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông sở kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (nếu có).
Cùng với đó, yêu cầu doanh nghiệp không được đưa xe tuyến Thanh Hóa - Hà Nội vào bến xe phía bắc Thanh Hóa hoạt động như phản ánh của PV Báo Giao thông.
Ghi nhận của PV vào chiều 4/8, dù lúc 11h, nhà xe này không có lốt hoạt động, xe BKS 36F-010.62 vẫn đón khách tại văn phòng ngay cổng bến tây Thanh Hóa.
Tuy nhiên, do bị bến Nước Ngầm từ chối tiếp nhận, khi về đến Hà Nội, tài xế đã cho xe đi vào văn phòng ở khu vực đường Trần Thủ Độ (cách bến xe Nước Ngầm chừng 1km) để trả khách.
Tại đây, hoạt động của các xe trung chuyển diễn ra nhộn nhịp để đón/trả khách, phía trong văn phòng, khoảng gần chục hành khách đang ngồi chờ đến giờ xe khác khởi hành từ Hà Nội về Thanh Hóa, biến văn phòng này trở thành “bến cóc” ngay cạnh bến chính.
Xe limousine Ba Sáu dù đăng ký xe du lịch nhưng lại xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách, tài xế trực tiếp thu vé lẻ từng người.
Xe du lịch trá hình tuyến cố định, biến văn phòng thành “bến cóc”
Bên cạnh tuyến cố định, PV cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về việc hàng loạt xe hợp đồng, du lịch đang hoạt động trá hình tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa như: Ba Sáu Travel, Đại Nam, Bình Hoài, Vĩnh Quang, Đại Thắng, Hồng Phúc, Linh Phương, Trung Thành, Mai Linh Willer, Hoàng Đồng…
Trong hai ngày 1/8 và 4/8, PV trực tiếp ghi nhận hoạt động của một số nhà xe trên, cho thấy đều chung một cách thức hoạt động khi sử dụng xe trung chuyển trái phép đưa khách từ nội thành đến các văn phòng để tập kết rồi chia khách đưa lên các xe limousine để từ Hà Nội về Thanh Hóa và ngược lại.
Khoảng 10h sáng 1/8, PV được xe trung chuyển 7 chỗ BKS 36A-889.82 của limousine Ba Sáu đón về văn phòng ở đường Dương Đình Nghệ, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa.
Ngay khi vừa xuống xe, tài xế limousine Ba Sáu BKS 29F-023.95 lập tức thu tiền của PV với giá 250.000 đồng/ghế. Xe rời văn phòng lúc 10h với ba hành khách, khi đến huyện Hà Trung (Thanh Hóa), xe đón thêm ba khách khác (trong đó có hai người lớn, một trẻ nhỏ).
Thậm chí, khi di chuyển đến thị xã Bỉm Sơn để đón một khách đã đặt vé từ trước, chiếc xe còn đón thêm một khách khác ngoài danh sách.
Xe trá hình, xe trung chuyển trái phép đỗ tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường khu đô thị Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, chỉ cách trụ sở công an phường chừng 100m.
12h05, xe limousine BKS 29F-023.95 về đến văn phòng tại khu đô thị Đồng Tàu (Hoàng Mai, Hà Nội), cùng lúc xe limousine BKS 29F-021.85 của nhà xe Tràng An (hoạt động trá hình tuyến Hà Nội - Ninh Bình mà Báo Giao thông đã từng phản ánh) cũng đang trả khách tại đây.
Hành khách ở hai xe này sau đó được chia ra đưa lên xe trung chuyển trái phép loại 7 chỗ BKS 30K-149.67, 30K-146.37, 30M-5885, 30K-147.30 để di chuyển về nơi ở trong nội thành.
Sau đó, chiếc limousine 29F-023.95 liền lao thẳng lên vỉa hè của khu đô thị đỗ tại đây chờ đón khách chuyến sau từ Hà Nội - Thanh Hóa.
Quan sát dễ dàng thấy mỗi khi xe limousine đón/trả khách tại đây, phía trước văn phòng trở nên nhộn nhịp, xe trung chuyển ra vào liên tục hệt như “bến cóc” bất chấp việc trụ sở của Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) chỉ cách đó hơn 100m.
Sau khi thu tiền từng hành khách tại văn phòng ở Hà Kế Tấn, tài xế cầm tờ danh sách đọc tên từng người đưa ra xe limousine Đại Nam trá hình tuyến cố định để từ Hà Nội về Thanh Hóa.
14h chiều cùng ngày, với cách thức tương tự, PV được xe trung chuyển BKS 29V-6319 của limousine Đại Nam đón về văn phòng tại đường Hà Kế Tấn (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tại đây, nhân viên văn phòng trực tiếp thu tiền hành khách với giá 230.000 đồng đối với ghế cuối và 250.000 đồng đối với ghế giữa.
15h, tài xế cầm tờ danh sách hành khách gọi tên từng người rồi đưa lên xe limousine BKS 29B-203.54, đủ khách, tài xế cho xe ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy thẳng về Thanh Hóa. Do trời mưa, chiếc xe này cũng trực tiếp trả khách về từng nhà ở nội thành TP Thanh Hóa thay vì về văn phòng để sang xe trung chuyển.
Vây bắt xe chạy sai hành trình, xử nghiêm xe trá hình
Chiều 3/8, khi phát hiện xe khách BKS 36F-010.71 của nhà xe Đức Phát xuất bến xe phía tây Thanh Hóa trễ gần 1 tiếng so với lốt giờ 14h30 được cấp, có dấu hiệu đi sai lộ trình khi di chuyển trên đường Trịnh Kiểm - Đại lộ Võ Nguyên Giáp để ra quốc lộ 1 thay vì đi đường Nguyễn Trãi theo hành trình quy định, PV Báo Giao thông lập tức thông tin đến tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ trên QL1 đón lõng kiểm tra.
Khoảng 15h20, tổ công tác phát hiện xe khách BKS 36F-010.71 đang di chuyển trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đã tiến hành dừng xe kiểm tra. Xe khách này sau đó đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với tài xế Lê Hồng Minh (SN 1980) do vi phạm lỗi: Không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định và tạm giữ GPLX tài xế Minh.
Nhận tin báo của PV Báo Giao thông, tổ công tác Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa đã đón lõng, kiểm tra và xử lý xe khách nhà xe Đức Phát chiều 3/8.
Tổ công tác cũng lập biên bản VPHC đối với Công ty TNHH Vận tải quốc tế Đức Phát do không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về hành trình chạy xe điểm đầu điểm cuối các tuyến, đồng thời tước phù hiệu xe tuyến cố định của xe khách BKS 36F-010.71.
Sáng 4/8, PV Báo Giao thông tiếp tục phối hợp cùng tổ công tác Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa tiến hành chốt chặn trên đường Văn Tiến Dũng (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa), tiến hành kiểm tra xe limousine Ba Sáu BKS 29F-023.52.
Tài xế Dương Tiến Tú cho biết xe chở khách hợp đồng du lịch tuy nhiên khi xuất trình danh sách hành khách lại thể hiện rõ việc thu vé từng người với giá vé 250.000 đồng/ghế.
Tổ công tác cũng đồng thời đấu tranh lấy xác nhận của hành khách về việc được nhà xe gom đưa đón về văn phòng, tài xế thu vé riêng lẻ từng người bằng hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản.
CSGT kiểm tra, xử lý xe limousine Ba Sáu trá hình tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa và ngược lại.
Với nhân chứng, vật chứng rõ ràng, tài xế buộc phải thừa nhận lỗi vi phạm: Điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng du lịch nhưng thực hiện xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, ký vào biên bản.
Tổ công tác tiến hành tạm giữ GPLX tài xế Tú, lập tiếp biên bản VPHC đối với Công ty Cổ phần Du lịch và dịch vụ quốc tế Hạ Long (chủ xe Ba Sáu) do vi phạm lỗi xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, tước biển hiệu xe vận chuyển khách du lịch của xe BKS 29F-023.52.
Sau khi ký biên bản, tài xế được tổ công tác nhắc nhở đề nghị đưa xe trá hình tuyến cố định vào bến hoạt động đúng quy định, nếu tái phạm sẽ tiếp tục xử lý nghiêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận