Một bước thành sao
Đầu tháng 3/2022, làng cung Việt Nam được phen dậy sóng khi nữ cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi thi đấu chói sáng, giành tới 5 HCV tại Giải các tay cung mạnh toàn quốc 2022.
Đáng nói hơn, bại tướng của Thanh Nhi không ai khác chính là Đỗ Thị Ánh Nguyệt, nữ cung thủ số 1 Việt Nam, vận động viên từng dự Olympics Tokyo 2020.
Nữ cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi luyện tập để chuẩn bị cho SEA Games 31. Ảnh: Tạ Hải
Các nhà chuyên môn đánh giá Ánh Nguyệt không đạt phong độ cao nhưng phải thừa nhận Thanh Nhi đã chơi cực ổn định, bản lĩnh.
Tôi cảm thấy áp lực trong lần đầu góp mặt tại một sân chơi lớn như SEA Games. Đối với bắn cung, tâm lý cần phải ổn định, như vậy mới bắn đúng khả năng. Rất may tôi được thi đấu cùng các anh chị giàu kinh nghiệm, mọi người chỉ dạy cho tôi khá nhiều nên hy vọng tâm lý thi đấu sẽ được cải thiện.
VĐV Nguyễn Thị Thanh Nhi
Theo như lời ông Phan Trọng Quân, Trưởng Bộ môn bắn cung, Tổng cục Thể dục Thể thao, đây có thể là lần đầu tiên một vận động viên giành 5 HCV ở các nội dung cá nhân. Thành tích này hiếm có trong lịch sử các giải đấu quốc gia.
Càng đáng nể hơn, trước khi tạo ra cú bứt phá ngoạn mục trên, Thanh Nhi gần như không được biết tới.
Thậm chí, cô còn chưa từng dự bất kỳ giải đấu quốc tế tầm cỡ nào.
Cô gái vô danh bỗng dưng trở thành ngôi sao và đương nhiên chiếm một suất tranh tài tại SEA Games 31 trên sân nhà.
Theo tìm hiểu, cô sẽ thi đấu ba nội dung gồm: Cá nhân, đồng đội nữ và hỗn hợp nam nữ.
Nói về mục tiêu khi tham dự SEA Games, cô gái đất cố đô tỏ ra rất khiêm tốn: “Tôi vẫn đang nỗ lực tập luyện để có thể hoàn thành giáo án hàng ngày và có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 31.
Thành tích tại Giải các tay cung mạnh toàn quốc tiếp thêm động lực cho tôi. Tuy vậy, tôi không đặt mục tiêu huy chương. Tôi chỉ dám hứa sẽ cố gắng chiến thắng bản thân và thi đấu hết sức, nghiêm túc”.
Đây cũng là suy nghĩ của ông Lại Đăng Quang, Trưởng bộ môn bắn cung Thừa Thiên - Huế, người thày trực tiếp dìu dắt Thanh Nhi từ những ngày chập chững theo nghiệp thể thao: “Nhi vốn có tâm lý khá ổn định, kỹ thuật tốt. Tôi cho rằng việc được tập luyện cùng những vận động viên giỏi ở đội tuyển sẽ giúp em trưởng thành hơn cả về tâm lý lẫn chuyên môn”.
Khi được hỏi về kỳ vọng dành cho học trò ở kỳ Đại hội trên sân nhà, ông Quang bộc bạch: “Thi đấu đương nhiên ai cũng muốn thành tích nhưng trong thể thao có rất nhiều thứ chi phối. Vì vậy, tôi không coi những tấm huy chương là mục tiêu cao nhất, quan trọng hơn cả là Nhi chiến thắng được bản thân mình”.
Tập dây chun thay cung
Cung thủ Thanh Nhi cùng thầy Lại Đăng Quang
Vươn lên mạnh mẽ, trở thành niềm hy vọng vàng của bắn cung Việt Nam trước thềm SEA Games 31 nhưng ít ai biết rằng, nữ cung thủ xứ Huế từng phải trải qua giai đoạn dài tập luyện trong sự thiếu thốn đến khó tưởng tượng.
Năm Nhi học lớp 8, Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Thừa Thiên - Huế có đợt tuyển quân ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Cô được chọn vào môn bắn cung, một môn lạ lẫm với người dân cố đô. Ông Lại Đăng Quang tuy đảm nhận vai trò Trưởng bộ môn nhưng xuất thân từ dân quần vợt.
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản bắn cung giống như trò chơi nên muốn tập thử. Bố mẹ lúc đầu cũng băn khoăn nhưng vì chiều con gái nên đã đồng ý để tôi theo nghiệp thể thao. Nhưng rồi thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều, nó từng khiến tôi có ý nghĩ từ bỏ.
Lúc mới vào đội, phải tập nặng để rèn thể lực, tôi mệt như muốn rụng rời chân tay rồi chỉ biết khóc tu tu. Ở nhà tôi là con út vốn chẳng phải động tay động chân vào việc gì”, nữ vận động viên 21 tuổi tâm sự.
Khi đã bắt nhịp được với cường độ tập luyện thì khó khăn khác lại thử thách Nhi và các đồng đội trẻ. Bộ môn bắn cung Thừa Thiên - Huế thời điểm những năm 2015, 2016 chỉ có 3 bộ cung đầy đủ.
Cung này chỉ dành cho các vận động viên lứa đầu. Thiếu dụng cụ tập luyện, cô gái sinh năm 2001 và các bạn cùng lứa phải tập bằng… dây chun, kéo lên rồi hạ xuống.
Khó khăn trăm bề nên các đàn chị của Nhi lần lượt rời đội. Nhờ thế cô mới được tập với cung thật thay vì dây chun. Ngặt nỗi, cung cũng không đạt chuẩn, thày trò phải động viên lẫn nhau để cố gắng.
Năm 2018, ông Quang liên hệ mượn cung của đội tuyển trẻ quốc gia nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Mãi tới năm 2019, nhờ tấm HCV ở Giải bắn cung trẻ toàn quốc, Nhi được đầu tư cây cung trị giá 100 triệu đồng.
Với thày trò ông Quang, cây cung này chẳng khác nào báu vật. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho một tài năng trẻ trưởng thành rồi tìm được chỗ đứng trong làng bắn cung Việt Nam.
Một điều chắc chắn, để đi đến được ngày hôm nay, cô gái đất cố đô phải hy sinh nhiều thứ. Một trong số đó là nỗi day dứt vì không thể nhìn mặt ông nội lần cuối.
“Đầu năm 2019, tôi tập luyện tại Cần Thơ, yêu cầu của khóa huấn luyện là không sử dụng điện thoại cá nhân. Cuối tháng 3, ông nội lâm bệnh nặng qua đời. Trước khi ông ra đi nói muốn gặp tôi, bố mẹ không liên lạc được và tới khi gọi được cho thầy Quang thì ông đã không thể đợi.
Thầy cho tôi về nhà chịu tang ông nhưng tôi cảm thấy dằn vặt bản thân vì lúc sinh thời, tôi là đứa cháu ông thương nhất”, nhà vô địch quốc gia bộc bạch.
Cú sốc lớn khiến cô gái Huế tiếp tục có ý nghĩ từ bỏ bắn cung bởi trong tâm niệm của cô, gia đình là điều quan trọng nhất. Nhưng rồi nhờ sự động viên của bố mẹ, họ hàng, cô lại xách ba lô bước tiếp hành trình chinh phục con đường thể thao nhiều chông gai…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận