Tài chính

Nữ doanh nhân hóa giải “lời nguyền” giúp nông dân

07/07/2024, 09:00

Thấu hiểu nỗi cực nhọc của người nông dân khi "được mùa mất giá, được giá mất mùa", doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty EcoNations (thôn Gò Sắn, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) quyết tâm tìm ra hướng đi mới cho nông sản Việt.

Trồng cây online, thu hoạch thật

EcoNations là nền tảng công nghệ bán nông sản trực tuyến như xoài, cam, mật ong... Nhưng khác với các kênh bán hàng truyền thống khác, nhà vườn tham gia hệ thống EcoNations bán cả cây. Những cây này đến từ nông trại do EcoNations trực tiếp liên kết trồng theo tiêu chuẩn sinh thái do EcoNations xây dựng.

Nữ doanh nhân hóa giải “lời nguyền” giúp nông dân- Ảnh 1.

Chị Lê Na tại vườn xoài thuộc HXT Du lịch nông nghiệp Làng Lúa - Ninh Hưng, Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Truy cập vào website của EcoNations trong vai một khách hàng, PV có thể tìm loại cây mong muốn với đầy đủ hình ảnh, clip và thông tin của cây như: Nguồn gốc, độ tuổi, chiều cao, vị trí cây, chế độ chăm sóc... chỉ qua một vài click chuột. Giá cây chào bán từ 600.000–700.000 đồng/cây/năm.

Tư vấn cho PV, chị Phan Thị Thanh Trang, phụ trách nông trại EcoNations tại tỉnh Khánh Hòa, cho biết khách hàng mua cây được ghim tên lên cây đã chọn, theo dõi quá trình chăm sóc, sinh trưởng, ra quả và thu hoạch. Quả chín, khách hàng có thể trực tiếp thu hoạch hoặc nhờ nhà vườn thu hoạch và gửi về tận nhà.

Nhân viên EcoNations sẽ cập nhật quá trình kết trái của cây từ lúc nó bắt đầu đơm hoa cho đến kết thúc. Khách hàng sẽ biết cây của mình ra hoa, kết trái như thế nào. Đồng thời, nhà vườn cam kết về số lượng, ví dụ như cây xoài, cam kết tối thiểu 20-25kg. Nếu số lượng sau thu hoạch không đủ, khách hàng được cấp bù số lượng từ cây khác. Nếu số lượng vượt kỳ vọng, khách hàng được hưởng.

Là chủ nhân của một cây xoài EcoNations, anh Huỳnh Anh Tuấn, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chia sẻ: "Đến đây trực tiếp, tôi thấy tin tưởng hơn nên sẽ mua số lượng cây lớn hơn".

Anh T, chủ nông trại xoài EcoNations tại Khánh Hòa khoe, nông trại này được mở bán từ cuối năm 2023, đến nay hơn 500 cây xoài đã được khách hàng đặt mua. Những trái xoài mùa đầu tiên đã đến tay khách hàng và nhận lại những phản hồi tích cực.

Anh T cho biết thêm, để tham gia mô hình EcoNations, anh phải chuyển sang canh tác theo hướng sinh thái, tốn nhiều công sức hơn mô hình canh tác khác. Nhưng đổi lại, anh được thỏa thuận giá cả từ đầu mùa, có thêm vốn sản xuất từ nguồn thu khách hàng trả trước, không phải lo đầu ra.

Đáp ứng nhu cầu sở hữu trang trại online

Vừa là người phát triển ứng dụng, vừa là chủ của nhiều nông trại, chị Lê Na cho biết, các chuỗi cung ứng truyền thống không dự báo trước thị trường. Do đó, khi được mùa, sản lượng nông sản lớn, cung vượt cầu dẫn đến giá bán thấp. Ngược lại, khi nhu cầu vượt cung, giá nông sản bị đội cao, đúng nghĩa "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Nữ doanh nhân hóa giải “lời nguyền” giúp nông dân- Ảnh 2.

Khách hàng mua cây được ghim tên lên cây đã chọn, theo dõi quá trình chăm sóc, sinh trưởng, ra quả và thu hoạch.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất thoát, hư hỏng nông sản sau thu hoạch 15-30%, phần thất thoát này đều tính vào giá bán nên giá nông sản đến tay người tiêu dùng cao. Nhưng ngược lại, giá người nông dân thu về vẫn rất thấp.

EcoNations đã giảm thiểu khâu trung gian, giúp người nông dân bán được giá cao hơn, có vốn sản xuất mà không cần vay ngân hàng. Người tiêu dùng mua được hàng tận gốc, sạch và giá rẻ hơn.

Chị Lê Na lấy ví dụ, 1kg xoài tại nông trại giá khoảng 4.000-5.000 đồng, thời điểm tăng lên mức 9.000-11.000 đồng, bán đến tay người tiêu dùng khoảng 40.000-50.000 đồng. Khi bán cả cây qua EcoNations, giá xoài đến tay người tiêu dùng khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, trong khi nông dân bán được giá cao hơn.

Hiệu quả thấy rõ ở vườn xoài Bẩy Chơn (Khánh Hòa). Trước đây 1 năm, vườn xoài cho thu hoạch 100 tấn. Với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg, một vụ thu khoảng 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ vườn thu về khoảng 200 triệu. Nhưng khi tham gia EcoNations, doanh thu đã đạt 1-1,5 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng hơn 500 triệu đồng.

Không tiết lộ về doanh thu, song chị Na cho biết, doanh nghiệp hiện có 20 nhân viên, chưa tính số lượng công nhân làm tại các nông trại. EcoNations đang đầu tư, xây dựng hệ thống tự động cập nhật thông tin thường xuyên cho khách hàng, mở rộng liên kết sản xuất hữu cơ với nhà vườn, hướng tới đa dạng loại cây và sản phẩm. EcoNations hướng tới mỗi khách hàng ở đô thị sẽ có một nông trại online với hai cây ổi, một cây táo, ba cây bưởi...

EcoNations hiện vẫn tham gia sản xuất trực tiếp tại các nông trại, trực tiếp cung ứng sản phẩm cho hệ thống, thu thập cơ dữ liệu để nhân rộng mô hình. Nhưng định hướng lâu dài, EcoNations sẽ vận hành nền tảng ứng dụng trung gian, hỗ trợ người nông dân xây dựng các chương trình bán hàng. Đổi lại, EcoNations có thể hưởng phí 20-30% giá trị đơn hàng.

Hóa giải "lời nguyền"

Chia sẻ câu chuyện bén duyên với nghề, chị Na cho biết, hơn 10 năm trước chị là nhà báo. Nhưng dần chị nhận thấy nghề nông còn nhiều khó khăn, thị trường nông sản chưa có nhiều đột phá, nhất là khâu làm thương hiệu yếu. Trong khi đó truyền thông, marketing lại là sở trường của chị. Vậy là chị quyết định chuyển nghề.

"Khi quyết định, gia đình tôi không ai ủng hộ. Cha mẹ cả đời làm nông nghiệp, không muốn con mình lại tiếp tục như vậy. May mắn là bây giờ tôi cũng đã chứng minh được lựa chọn của mình là đúng", chị kể.

Chia sẻ ý tưởng xây dựng EcoNations, chị Na cho hay, khoảng năm 2013, chị bắt đầu trồng cam song hành với hoạt động xây dựng hệ thống thương hiệu, truyền thông, marketing khá tốt. Nhiều người đến học hỏi mô hình của chị. Nhưng với người nông dân, họ không thể giỏi cả sản xuất lẫn truyền thông, điều này quá sức với họ.

Bản thân chị khi đó xây dựng thành công thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến, chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước, có mặt trong nhiều siêu thị lớn nhỏ với hàng nghìn tấn. Nhưng chị vẫn trăn trở, cảm thấy cách làm đó không bền và đau đáu suy nghĩ làm thế nào để có thể hỗ trợ người nông dân nhiều hơn.

Vì thế, với kinh nghiệm rút ra trong 10 năm sản xuất nông nghiệp, chị đã bắt đầu xây dựng nền tảng gọi vốn cộng đồng (Ecovi) lĩnh vực nông nghiệp, đằng sau là 1 hệ thống về chuỗi cung ứng. Nền tảng này giải quyết hầu hết các vấn đề cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp, giúp doanh nghiệp và người nông dân huy động được nguồn vốn sản xuất mà không phải vay mượn.

Trong khi đó, khách hàng mua được sản phẩm tận gốc với giá gốc. Người nông dân bán hàng được giá cao hơn, giảm trung gian, hóa giải "lời nguyền" được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, ông Nguyễn Công Hoàng Chương chia sẻ, mô hình EcoNations là bước ngoặt mới của nền nông nghiệp địa phương. Mô hình này giúp tăng thu nhập của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã nhà. Đây cũng là mô hình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.