Hà Nội vừa có ca tử vong đầu tiên vì sốt xuất huyết, đó là một nữ sinh Học viện Ngân hàng Hà Nội |
Ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết ở Hà Nội
Một nữ sinh Học viện Ngân hàng HN (đang thuê trọ tại phố Trung Liệt, Đống Đa) đã tử vong do hội chứng sốc Dengue. Được biết trước đó, bệnh nhân có dấu hiệu sốt và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm xác định mắc sốt xuất huyết Dengue, loại huyết thanh virus typs 1.
Sau khi bệnh nhân tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với phường Trung Liệt đã tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; phun hóa chất; truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu giám sát chặt chẽ tại khu vực ổ dịch để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tư vấn chăm sóc và điều trị, tránh xảy ra tử vong tại cộng đồng.
Theo báo cáo của Trung tâm, hiện trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 190 xã, phường ở 26 quận, huyện (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016).
Trước đó, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thực tế tại khu ký túc xá của Trường Đại học Luật Hà Nội - nơi có 11 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phát hiện có ổ bọ gậy trong bể nước đã không sử dụng từ lâu trong một phòng ở của sinh viên.
Phòng bệnh sốt xuất huyết thế nào?
Theo BS.Lê Xuân Thủy, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra.
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.
Để nhận diện sốt xuất huyết cần để ý đến các dấu hiệu như: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; và có thể nổi mẩn, phát ban. Bệnh trở nặng nếu đi kèm theo các dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp)… Khi đó, nếu bệnh nhân không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Do vậy, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, mỗi người dân cần chủ động trong công tác phòng bệnh, tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường.
Phòng chống muỗi đốt bằng cách diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận