Xã hội

Nữ trông trẻ 16 năm nuôi con chủ cũ

22/02/2020, 15:56

16 năm qua, người đàn bà nghèo khó làm nghề giúp việc quần quật làm lụng, dành dụm từng miếng cơm, manh áo nuôi nấng con của chủ cũ bị bỏ rơi.

img
Dù không phải “máu mủ” của mình nhưng bà Bình vẫn nuôi dạy Thương suốt 16 năm qua

Từ giúp việc thành bà nuôi

Ngày 19/2, PV Báo Giao thông tìm đến thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, hỏi thăm “bà Bình trông trẻ” và được chỉ dẫn tận tình. “Bà Bình không ở nhà của bà ấy đâu, bà Bình ở nhà người ta đang thuê bà ấy trông trẻ”, bà Tân, một người dân làng cho biết.

Trong căn nhà của người chủ mới, bà Đặng Thị Bình (SN 1955, Văn Lâm, Hưng Yên) đang tất bật với việc chăm sóc một bé trai khoảng hơn 1 tuổi. Khuôn mặt đôn hậu, nụ cười hiền lành, bà cho biết, bà gắn bó với công việc trông trẻ đã gần 20 năm nay. “Trông trẻ con cũng mệt lắm, nhưng vui. Các con tôi giờ trưởng thành, có gia đình riêng hết rồi, các con cũng muốn tôi nghỉ, nhưng tôi còn sức, và tôi còn phải nuôi con bé Thương”, bà Bình cho hay.

“Con bé Thương” mà bà Bình trìu mến nhắc tới, chính là cháu Hoàng Huyền Thương (SN 2004), cô con gái của người chủ cũ thuê bà trông nom con rồi bỏ đi biệt tích.

Bà Bình vẫn nhớ, năm 2002, do cảnh nhà nghèo khó, làm ruộng không đủ tiền nuôi con ăn học, bà bươn bả khăn gói lên Hà Nội nhận trông trẻ thuê cho các gia đình.

Đầu năm 2004, bà Bình nhận trông bé Thương trong một căn nhà của khu trọ. Khi bà nhận trông, bé Thương mới 5 tháng tuổi. Ngay từ khi gửi con, mẹ bé Thương cũng vẫn thi thoảng đi qua đêm, có đợt đi qua đêm vài ngày, với lý do đi chữa bệnh. Những lúc ấy, bé Thương khát sữa mẹ quấy khóc, nhưng thấy mẹ bé Thương đơn thân nuôi con, vả lại vốn bản tính yêu và khéo chăm trẻ, bà Bình tìm mọi cách chăm cháu, dù rất vất vả.

“Mẹ bé Thương có lần đã nói, may gặp được bà trông con bé, cháu yên tâm lắm. Đến mãi nhiều năm sau, khi bắt đầu tin rằng cô ấy không quay lại tìm con bé, tôi mới hiểu ý sâu xa ấy”, bà Bình trầm ngâm kể.

Bà Bình vẫn nhớ, ngày bé Thương đứt hẳn liên lạc với mẹ đẻ là 22/2/2005, khi đó bé mới được hơn 1 tuổi. “Hôm đó là ngày con gái tôi có người vào đặt vấn đề ăn hỏi nên tôi nhớ rất rõ. Tôi điện cho mẹ cháu Thương để thông báo nhà tôi có việc nên không trông được, nhưng không thấy mẹ bé Thương về trông con. Sau đó nhiều ngày, tôi liên tục điện thoại mà không được. Ban đầu tôi cứ nghĩ cô ấy ốm đau, nằm viện nên cố gắng chờ đợi. Tuy nhiên, 1 tuần, 2 tuần trôi qua vẫn không thể liên lạc”, bà Bình kể lại.

Công sinh không bằng công dưỡng

img
Những tấm giấy khen của Thương là sự đền đáp đối với công dưỡng dục và sự hy sinh vô bờ ấy của bà Bình

Thời gian đầu, bà Bình vẫn nuôi hy vọng sẽ tìm lại được người mẹ cho đứa cháu tội nghiệp. Cứ ở đâu có tin tức mọi người thông báo, bà lại tìm đến tận nơi hỏi thăm tình hình. Thấy bà nghèo khó, nên nhiều người khuyên bà nên cho đứa bé vào trại trẻ mồ côi để bớt gánh nặng nhưng người phụ nữ này không đồng ý.

Tâm sự với PV Báo Giao thông, Thương cho biết: “Động lực từ tình thương của bà đã giúp con cố gắng. Con yêu bà lắm, con chỉ muốn học xong để đi làm báo hiếu bà, để bà không phải đi trông trẻ thuê nữa”.


“Vì nhà nghèo khó nên tôi mới phải bỏ lại con cái lên Hà Nội trông trẻ thuê. Giờ tiền trông trẻ chẳng thấy đâu, lại đèo bòng thêm một đứa trẻ, thật sự là tôi lo lắm. Nhưng ngày ấy, tôi không đành lòng vứt bỏ đứa trẻ, nhỡ mẹ cháu quay về tìm thì mẹ con lại lạc mất nhau. Rồi bố tôi bảo, duyên phận đã đưa con bé đến với gia đình, thì cứ rộng lòng giang tay đón lấy. Trời sinh voi trời ắt sinh cỏ”, bà Bình tâm sự.

Nhưng để có “cỏ” để nuôi được đàn con và thêm một đứa cháu nuôi đặc biệt của mình, đối với bà Bình là cả một gánh nặng. Cố gắng bám trụ ở khu trọ cũ vì hy vọng đến một lúc nào đó, mẹ bé Thương quay trở lại, nên bà Bình nhận trông thêm 2 - 3 đứa trẻ quanh xóm và làm tất cả các công việc như nhặt rác, hái thuê rau muống... để có tiền nuôi con và cháu Thương.

“Ngày thì trông thêm trẻ, tối tôi cứ địu cháu Thương theo để nhặt rác, để hái rau, nhiều hôm mưa lạnh, hai bà cháu vẫn cứ dầm mình ngoài ruộng, ngoài đường, thương lắm. Không có tiền mua sữa bột, tôi mua sữa Ông Thọ pha ra cho cháu uống, cuối tháng nhận được tiền trông trẻ tôi dành dụm mua cho cháu vài hộp sữa tươi để thay đổi. Khổ nhất là đến thời kỳ ăn dặm, cháu thèm thịt, tôi cũng phải để dành mãi mới dám mua 1 lạng chia thành mấy bữa cho cháu ăn”, bà Bình rơm rớm nước mắt kể lại.

Quá trình nuôi dạy cháu Thương nên người như hiện nay bà Bình đã phải trải qua bao nhiêu vất vả, bởi ngoài việc nuôi ăn, chăm sóc, bà còn phải lo từ việc làm giấy khai sinh, xin cho Thương đi học, trong khi mẹ Thương không để lại một giấy tờ gì.

“Khi Thương sắp bước vào lớp 1, cháu vẫn chưa có giấy khai sinh vì không có bố mẹ và không nằm trong hộ khẩu của nhà ai cả nên không thể cho cháu đi học. Tôi đã phải đi gõ cửa khắp nơi, mất mấy tháng vất vả ngược xuôi, với nhiều sự giúp đỡ, để cháu được đến trường”, bà Bình cho hay.

Chỉ mong mẹ bé quay về

img
16 năm qua, Hoàng Huyền Thương lớn lên trong tình yêu thương, sự chăm bẵm vô điều kiện của bà Bình

Trời không phụ lòng bà, bị mẹ bỏ rơi khi còn chưa đi vững, nhưng suốt 16 năm được bà Bình nuôi nấng, bé Thương lớn nhanh, ít ốm vặt, quấn bà như mẹ đẻ. Đặc biệt, Thương học rất giỏi, cháu đã thi đậu vào THPT với số điểm rất cao, 50 điểm.

Bà Bình kể, có lần bà treo thưởng cho Thương, nếu được điểm 10 sẽ thưởng 10 nghìn đồng để con bỏ lợn, cuối năm mua quần áo. Thế nhưng, có lúc Thương được 4 điểm 10 cùng lúc, bà không có đủ tiền thưởng cho cháu. “Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi lại thấy trào nước mắt vì thương cháu quá, nếu bà không nghèo cháu cũng đỡ vất vả hơn”, bà Bình cho hay.

Khi còn nhỏ, cô bé Thương vẫn nghĩ mình là cháu ruột của bà. Đến khi biết chuyện, cú sốc lớn khiến Thương khóc rất nhiều ngày, khép kín, trầm tính và ít nói hơn nhưng cũng chưa bao giờ hỏi về mẹ.

Thương cháu, bà đến lớp nhờ cô giáo cho Thương vào đội múa của trường, từ đó, Thương sống hòa đồng hơn và không còn nhắc đến chuyện này.

“Cháu Thương ngoan lắm, cứ về nhà là giành làm việc giúp bà. Có lần, Thương mới học lớp 6, thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp cháu cũng trốn nhà ra làm. Đến khi tay sưng rộp, rớm máu, tôi giận lắm nhưng không dám đánh. Rồi hỏi cháu thì Thương bảo vì thương bà vất vả nên cháu đi làm thêm để giúp bà. Nghe đến đây hai bà cháu cứ ôm nhau khóc”, bà Bình xúc động kể lại.

Sau nhiều năm cố gắng bám trụ ở khu trọ cũ để hy vọng mẹ bé Thương quay về nhận con, giờ thấy sức khoẻ yếu hơn và vì Thương cũng đã lớn, bà Bình đưa cháu cùng về quê nhà. Nơi đây, Thương có thêm những người anh chị, họ hàng của bà Bình cùng yêu thương và chăm sóc cho em. Nhưng bà Bình vẫn cho Thương đi học ở khu vực gần khu trọ cũ tại Thạch Bàn, Long Biên. Hàng ngày, Thương đi xe buýt quãng đường gần 20km từ Văn Lâm (Hưng Yên) lên Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) để học.

“Tôi vẫn mong một ngày nào đó mẹ con bé quay lại, dù có nuôi được cháu hay không cũng không quan trọng, chỉ cần mẹ con được gặp nhau. Còn tôi vẫn cố trông trẻ để nuôi cháu học xong đại học. Cháu học giỏi lắm, nhất định cháu phải học đại học, để cuộc sống hơn hẳn của tôi”, bà Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.