Y tế

Nước mắt hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn

08/12/2024, 19:00

Suốt 5 năm chờ đợi điều ước được thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ, vợ chồng đại úy Hoàng Văn Phong từng nhiều lần nuốt nước mắt vào trong bởi những lời xì xào "trái độc, không con".

Kỳ diệu đặt 1 phôi đón 2 thiên thần nhỏ

Có mặt tại Gala Hạt mầm khát vọng vào tối ngày 8/12, vợ chồng đại úy Hoàng Văn Phong (SN 1994, công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1) và cô giáo mầm non Phùng Thị Hằng (SN 1996) ở Lạng Sơn rưng rưng xúc động chia sẻ niềm hạnh phúc lần đầu tiên được làm cha, làm mẹ.

Nước mắt hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn- Ảnh 1.

Vợ chồng đại úy Hoàng Văn Phong hạnh phúc bên cặp song sinh sau nhiều năm hiếm muộn (Ảnh: N.H).

Ôm cặp song sinh vừa được hơn tháng tuổi, vợ chồng đại úy Phong nhớ lại những tháng ngày gian nan chữa chạy hiếm muộn. Năm 2019, đôi bạn trẻ chính thức về một nhà với mong ước ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng bi bô của trẻ thơ. Nhưng suốt 3 năm chờ đợi, tin vui vẫn chưa đến với gia đình. "Bao phen vợ chồng em hục hoặc vì lời ra, tiếng vào của hàng xóm, bạn bè. Cũng có lúc bên nội đánh tiếng "thôi để cho thằng Phong lấy vợ khác, còn sinh con cho dòng họ". Nhưng mỗi lúc như vậy càng thương vợ mình hơn", Phong chia sẻ.

Đến bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân hiếm muộn, anh Phong mới biết do mình tinh trùng yếu vì tiền sử quai bị lúc nhỏ, còn vợ bị polyp buồng tử cung. Đại úy Phong cho biết: "Khi đó, bác sĩ có tư vấn vợ chồng em muốn có con cần can thiệp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm lại vượt quá khả năng tài chính, nên hai vợ chồng quyết định tạm dừng một thời gian để tích lũy thêm, chờ cơ hội". 

May mắn sớm đến khi vợ chồng đại úy Phong là 1 trong 10 cặp vợ chồng được nhận gói hỗ trợ IVF miễn phí 100% từ chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" năm 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Đôi mắt đại úy Hoàng Văn Phong long lanh khi nhắc lại mối duyên khi 2 thiên thần nhỏ đến bên vợ chồng anh. Ban đầu bác sĩ chọn và đặt 1 phôi, thật kỳ diệu, khi vào làm tổ, 1 phôi tách ra làm 2. Lúc nhận tin có song thai, vợ chồng Phong vừa mừng, vừa lo. Niềm hạnh phúc trọn vẹn đã đến sau bao khó khăn, hy vọng rồi lại thất vọng trong hành trình tìm con, 2 bé trai đã chào đời ngày 21/10/2024 trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

Cũng có mặt tại đây, câu chuyện của gia đình nhỏ của Đại uý Ngô Văn Cường và đại úy Nguyễn Thị Hạnh (công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) cùng bé Ngô Bảo Châu 7 tháng tuổi khiến nhiều người xúc động. Quay ngược thời gian, nhìn lại hành trình dài với nhiều lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thất bại cùng với nhiều biến cố trong gia đình khiến vợ chồng anh Cường, chị Hạnh tưởng chừng ngã gục.

Nhờ gói hỗ trợ miễn phí của chương trình "Yêu thương lan tỏa" năm 2022 đã mang đến niềm hy vọng, vực lại tinh thần giúp anh chị quay trở lại hành trình tìm con với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. 

Chia sẻ về trường hợp của chị Hạnh, ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn bệnh viện cho biết: "Tiền sử sinh non và vỡ tử cung đó là một trong những khó khăn và đặt ra thách thức rất lớn đối với đội ngũ chuyên môn bệnh viện trong quá trình điều trị cho hai vợ chồng. Bên cạnh đó, dự trữ buồng trứng của bạn Hạnh suy giảm, làm cho số lượng cũng như chất lượng phôi suy giảm theo, do đó quá trình điều trị phức tạp hơn và kéo dài hơn trường hợp khác". 

Tuy nhiên, sau ba lần chuyển phôi liên tiếp thất bại và tưởng chừng như mất hết, đến lần thứ 4, một phôi duy nhất, cuối cùng đã mang đến phép màu cho anh chị.

Nước mắt hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn- Ảnh 2.

Nhiều gia đình quân nhân đã đón trái ngọt từ hỗ trợ của chương trình "Lan tỏa yêu thương" (Ảnh: H.N).

Nhiều quân nhân hiếm muộn chờ cơ hội

Hiện nay, toàn quân có khoảng 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: "Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các gia đình hiếm muộn, chúng tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính cũng là một trong những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài. Đặc biệt, với các quân nhân, do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên công tác xa gia đình mà chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn được sẻ chia, hỗ trợ các gia đình để hành trình tìm con yêu của những người lính thuận lợi hơn".

Ba năm qua, bên cạnh hàng ngàn gia đình nhận hỗ trợ miễn phí khám, tư vấn; giảm giá xét nghiệm hay tặng voucher thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, có 30 gia đình nhận các gói miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm của chương trình "Yêu thương lan tỏa" và 29 em bé chào đời khỏe mạnh, một số đang trong những tuần cuối của thai kỳ hoặc đang trong quá trình thực hiện.

Năm 2024, chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" tiếp tục trao tặng 10 gia đình các gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.