Cần giao trách nhiệm trưởng công an quận, huyện xử lý dứt điểm bến cóc
Trong chuyến kiểm tra hoạt động vận tải hành khách và công tác bảo đảm TTATGT trong dịp tết Nguyên đán tại TP Hà Nội ngày 30/1, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, cũng giống như TP. HCM, xe dù, bến cóc tại Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp.
Từ đó, ông Hùng đề nghị Ban ATGT TP Hà Nội tham mưu Chủ tịch UBND và Giám đốc công an thành phố giao trách nhiệm cho trưởng công an quận, huyện chủ trì xử lý dứt điểm các bến cóc trên địa bàn.
Ông Hùng cũng khẳng định nếu Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng được phần mềm quản lý xe hợp đồng theo quy định tại Nghị định 10, quản lý dữ liệu tập trung của thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe kinh doanh vận tải, chắc chắn sẽ quản lý, xử lý nghiêm, ngăn chặn hoạt động của xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình.
"Hiện nay Cục Đường bộ VN đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030, ngân sách cũng sẽ được bố trí để thực hiện từ năm 2024. Thời gian tới sẽ triển khai sớm việc xây dựng phần mềm quản lý trên", ông Hùng nhấn mạnh.
Đoàn kiểm tra của Uỷ ban ATGT Quốc gia kiểm tra hoạt động vận tải hành khách và công tác bảo đảm TTATGT trong dịp tết Nguyên đán tại bến xe Nước Ngầm và bến xe Mỹ Đình (ảnh: Tạ Hải).
Trong lúc chờ công nghệ, ông Hùng cho rằng cần sử dụng sức người để quyết liệt xử lý xe dù, bến cóc.
Dù chưa có dữ liệu tập trung quản lý dữ liệu từ thiết bị GSHT, camera trên xe nhưng khi lực lượng CSGT kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm, hoàn toàn có thể yêu cầu lái xe, chủ xe trích xuất dữ liệu từ thiết bị này để làm cơ sở xác định, xử lý vi phạm, trong đó có lỗi dừng đón trả khách tại nhiều điểm.
Đối với lực lượng TTGT, tuy không có chức năng dừng phương tiện kiểm tra nhưng có thể xử lý từ gốc, kiểm tra các xe dừng đỗ đón khách tại các điểm "nóng" về xe dù, bến cóc, các văn phòng của đơn vị vận tải.
"Làm quyết liệt như xử lý vi phạm nồng độ cồn chắc chắn sẽ có kết quả, chuyển biến rất tích cực", ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đối với xe dù, bến cóc, hiện nay nếu chỉ trông vào lực lượng TTGT và CSGT sẽ không thể kiểm tra, xử lý hết được, trong khi hệ thống camera giám sát giao thông vẫn "mỏng" thì trách nhiệm của chính quyền địa phương vẫn quan trọng nhất và cần được thể hiện quyết liệt hơn.
Bà Hiền đề nghị Ban ATGT TP Hà Nội rà soát, thống kê các vị trí tập trung nhiều xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, từ đó kiến nghị lắp bổ sung camera giám sát, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương xử lý, giải toả các vị trí này.
Lập đề án xử lý xe dù, bến cóc tại Hà Nội
Ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã và đang triển khai các đoàn kiểm tra công tác vận chuyển hành khách của xe hợp đồng thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT, là một trong những giải pháp nằm trong Đề án xử lý xe dù bến cóc trên địa bàn, được các doanh nghiệp vận tải, bến xe ủng hộ.
Đồng thời, cũng tăng cường chỉ đạo kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, thu hồi phù hiệu đối với các phương tiện vận tải vi phạm.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát trật tự, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (bên trái) và Trung tá Trần Minh Kiên, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (bên phải) đều nhìn nhận xe hợp đồng trá hình diễn biến phức tạp tại Hà Nội
Trung tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát trật tự, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, tình trạng xe hợp đồng, xe limousine hoạt động bát nháo đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Đồng quan điểm, Trung tá Trần Minh Kiên, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 cho biết, hiện nay, người dân đã thay đổi phương thức di chuyển, ít vào bến mua vé, trong khi tình trạng xe hợp đồng đưa đón khách tận nhà lại rất phát triển.
Từ đó, trung tá Kiên đề nghị cơ quan quản lý có giải pháp siết chặt việc cấp phép hoạt động cho các loại xe này, bố trí các bến trung chuyển hành khách ở từng khu vực để tạo thuận lợi cho người dân.
Ngoài ra, để đảm bảo TTATGT dịp cao điểm, Đội CSGT số 14 đã bố trí các tổ công tác làm việc trên 10 tiếng 1 ngày, thực hiện nhiều chuyên đề như xử lý nồng độ cồn, xe đón trả khách không đúng quy định đặc biệt xung quanh hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết thêm, thực hiện kiểm tra cao điểm dịp tết, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong có có các tài xế xe khách. Do đó, tại các bến xe cần có biện pháp kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe trước khi xuất bến nhằm hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho hành khách.
Cân nhắc cấm xe trên 9 chỗ vào khu vực nội đô
Tại cuộc họp, ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết tới đây sẽ thực hiện rà soát để cắm biển cấm xe từ 9 chỗ trở lên đi vào một số tuyến đường tại 12 quận huyện của Thủ đô nhằm ngăn xe tuyến cố định đi vào nội đô.
Về vấn đề này, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, cần tính toán kỹ vấn đề này bởi xe trên 9 chỗ có nhiều xe hợp đồng du lịch, việc cấm chung có thể hạn chế xe tuyến cố định nhưng có thể gây khó khăn cho du khách. Trước mắt có thể xem xét cấm xe giường nằm vào nội đô như TP. HCM.
Đồng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng cần hết sức lưu ý, có thể thực hiện ở những vị trí nóng nhưng nếu thực hiện trên diện rộng cần có nghiên cứu kỹ lưỡng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận