Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đến thăm, tặng quà người dân vùng lũ
Ngày 22/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu đã đóng góp hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lụt thời gian qua. Đồng thời, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 và những người dân thiệt mạng do bão lụt.
“Trong những ngày này đây, tỉnh chúng ta đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Tôi xin thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ những đau thương, mất mát lớn lao này, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người mất do mưa, bão, lũ lụt, sạt lở đất vừa qua”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt, khẩn trương, cùng các lực lượng vũ trang cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại; đồng thời biểu dương ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, đùm bọc của mọi người nhân dân tỉnh và sự ủng hộ, tương thân, tương ái của cộng đồng xã hội với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cũng trong ngày 22/10, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đến huyện động viên, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đến thắp hương, động viên gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - là một trong 13 cán bộ hy sinh khi tham gia công tác cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3.
Cũng tại huyện Phong Điền, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đến thăm gia đình sản phụ bị lật thuyền trên đường vượt lũ đến bệnh viện sinh con.
Phát huy các lợi thế riêng có về văn hóa, con người xứ Huế
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, thành tựu nổi bật của Thừa Thiên Huế trong 5 năm qua là: Kinh tế có mức tăng trưởng khá cao, bình quân 6,5%/năm, các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp, trong đó du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá dần trở thành động lực phát triển.
Công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, phát triển. Hoạt động liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được chú trọng…
“Tự hào với những thành tựu đạt được, song chúng ta cũng cần nghiêm túc xem lại những mặt còn tồn tại, hạn chế với trách nhiệm cao”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Huy động, tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng về văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; phấn đấu thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hoá, du lịch, về y tế chuyên sâu, về GD&ĐT, KH&CN.
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các lợi thế riêng có; nhất là truyền thống, phong cách đặc trưng của “con người Huế”. Tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế bền vững, cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực.
Chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển bền vững và kinh tế tri thức. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận